|
Ông bà Dõng đang dọn cái thúng chai để ít bữa nữa rủ thằng Cát đi câu cá đục, cá ngần ven bờ. Mấy năm trước nó học buổi sáng không đi cùng ông được. Kỳ này trường đóng cửa hết, để ở nhà hắn cứ chạy theo du kích miết khiến ông bà nhọc lo. Hai ông bà lụi cụi trét dầu rái cái thúng trên bãi biển, vừa ngước mắt lên thấy con Liễu, thằng Cát lom khom chạy qua.
Thấy hai đứa cháu có cái kiểu cách bất thường, hình như tụi nó cố ý không cho ông bà ngoại thấy để trốn nhảy núi. Chúng nó sợ ông bà không cho đi. Sợ bà ngoại lăn ra khóc. Sợ ông ngoại hét la. Bà Dõng bảo với chồng:
- Thôi tui với ông nhanh về coi thử có chuyện chi không mà thấy hai đứa ni ngó lạ lắm.
Ông bà Dõng về tới nhà thì thấy hai đứa cháu ngoại đang sắp xếp đồ bỏ vào túi vải có dây quàng vai như ba lô. Ông Hương Dõng hét:
- Chứ mấy đứa ni làm cái chi ri nhà Thẩm. Bộ mi để mấy đứa con mới nở mũi mà nhảy núi hả.
Bà Dõng thì vừa khóc vừa trách:
- Nhà Thẩm cho hai đứa đi chi mà ác ri. Mấy đứa còn non nớt quá. Ở nhà với mẹ với ông bà đi các con...
Thằng Dương thì cứ đứng dựa cây cột nhà nhìn anh chị của nó mà mắt rưng rưng. Nó không dám khóc to vì sợ anh chị nó buồn trước lúc ra đi. Tuy mới mười một tuổi nhưng nó cũng đã học hết lớp nhì, nó biết ông bà có gàn chi thì chị Liễu, anh Cát cũng ra đi. Hắn biết anh chị quyết tâm quá rồi. Chỉ có điều rồi đây nhà nó vắng vẻ lắm. Một mình nó sẽ thui thủi chạy chơi. Buồn lắm! Nấp ca nông cũng một mình. Sợ Lắm! Có đứa nào ăn hiếp cũng không còn anh chị bênh vực cho. Tức lắm!
Bà Thẩm nghe ông bà ngoại la khóc, hoảng quá nói đỡ mà thực ra là nói dối:
- Thưa cha mẹ, con cũng biết là hai đứa nó còn quá nhỏ, thoát ly thì quá sớm. Nhưng nghe ông Tuân - Bí thư xã nói có đợt đi học chi đó trên chiến khu nên đề nghị với trên cho tụi nó đi. Con nghĩ đây là dịp may cho hai đứa. Cha mẹ bình tĩnh chứ đừng có rầy quá tội nghiệp tụi nó. Để chúng nó vui, yên tâm ra đi tiến bộ.
Ông ngoại thằng Cát gắt:
- Chớ chúng nó đi học ở chiến khu mà không leo núi hả. Mi tính hai đứa ngó như hai con mèo con thế mà phải lặn lội đèo cao núi thẳm kia, đói cơm lạt muối thì chịu chi nổi nhà Thẩm ơi.
Bà Thẩm thấy ông bà ngoại làm căng quá năn nỉ:
- Con là cán bộ phụ nữ, động viên các mẹ chị cho con đi kháng chiến, lớp nhích hơn nó vài tuổi đã đi hết rồi. Bây giờ hai đứa đòi đi mà may là đi học. Bà con chả biết hai đứa đi học, họ thấy cứ ai lên núi là để chiến đấu, để làm công tác thôi. Hai đứa nhà con đi sớm thế này cũng có tác dụng lôi kéo phong trào. Bây giờ con không cho hai đứa nó đi thì khó ăn nói với bà con dân làng. Con thương con đứt ruột đây mà cũng đành chịu. Thôi ông bà thương cháu thì cũng thuận theo ý tụi nó. Mà con nói lại là hai đứa đi học. Cách mạng sẽ đào tạo hai đứa cho tương lai. Ông bà vui vẻ cho chúng nó đi, cậu Bảy của nó hồi kháng chiến chín năm cũng đi bộ đội Vệ quốc lúc mới có mười sáu tuổi chớ mấy.
Ông Hương Dõng có bề thuận:
- Mà thôi, bây giờ hai đứa nó đi với ai đây?
Nghe ông ngoại hạ giọng, con Liễu mừng quýnh trả lời thay mẹ:
- Dạ tụi con đi với chú Tuân - Bí thư xã. Bác Ba Tụng dẫn đường. Ông Tuân nói với con thưa lại với ông bà và mẹ như rứa.
- Như thế ông bà yên tâm hơn. Ông Tuân là người có trách nhiệm lớn, ổng dẫn lên gửi bay cho cấp trên có trọng lượng hơn người khác. Ba Tụng là thằng cha rất có tài luồn lách qua mặt địch, đường thuộc trên lòng bàn tay, mạng lớn, bị bỏ bao tời thả sông mà cũng thoát ra được. Ông bà đồng ý để các con lên đường. Thôi vào ăn xôi rồi đi, mẹ các con đã dọn lên rồi, để nguội.
Sau bữa xôi với cá tươi đạm bạc của mẹ tiễn con, trong khi ông Tuân, ông Ba Tụng chưa tới, thằng Cát vào buồng dỡ hết nắp các mái, chum quan sát. Thì ra chẳng còn mấy ang lúa, sét khoai trong nhà cả. Mẹ nó mấy tháng nay cứ lăn xả vào công tác vận động nhân dân, vận động phụ nữ lại phải thường xuyên nuôi ăn cán bộ, du kích trong nhà, lúa gạo đâu chịu cho thấu. May mà còn được vài cong mắm. Hắn chạy ra rỉ tai con Liễu:
- Nhà mình hết trơn lúa rồi, không biết sắp tới mẹ với thằng Dương sống thế nào đây. Hai chị em mình đi có khi đỡ bớt miệng ăn. Tội nghiệp cho mẹ quá!
- Thôi em đừng lo xa mà nói bậy. Mẹ mình giỏi lắm. Một mình với đôi bầu đường và chiếc đòn gánh mà nuôi cả ba chị em ăn học. Cả làng này có mấy người được lên Tam Kỳ học trường trung học như chị đây không. Còn mi, thằng Dương nữa mà mẹ lo được hết. Trông cho mẹ luôn khỏe mạnh là được. Thôi thu xếp, hai ông tới là lên đường.
Hai đứa nhỏ khoác ba lô theo ông Tuân, Ba Tụng lên đò, bắt đầu một cuộc chia xa. Đò sang sông. Bà Thẩm, Thằng Dương, ông bà Dõng đứng lặng người ngóng theo hai cái bóng lủn đủn trên cánh đồng trải rộng bên kia Trường Giang mãi tới khi chỉ còn là hai cái chấm mờ mờ.
Hoàng hôn buông xuống. Mặt sông buồn tênh. Bà Thẩm, thằng Dương òa khóc. Bà Dõng khụy xuống, ôm thằng Dương xoa đầu, nghẹ giọng:
- Anh chị của con không phải đi học đâu. Đi kháng chiến đó. Bà biết! Vài năm nữa con có ra đi không? Nhà mình hết người rồi con ơi!
Nước mắt đã khô theo bao nỗi đau đời người, nỗi đau đất nước bỗng lăn dài trên gò má nhăn nheo của ông già biển Hương Dõng.
Truyện ký của PHẠM THÔNG