Tuy đạt nhiều kết quả song công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em ở khu vực miền núi cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của toàn xã hội. Những đứa trẻ ở làng Atép 2 (xã Bha Lêê, huyện Tây Giang) là một ví dụ cụ thể.
Chúng tôi đến Atép 2 vào những ngày đầu tháng chạp. Ngôi làng nhỏ nằm bên trục đường Hồ Chí Minh, giáp ranh với xã A Roàng (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) đầy vẻ quạnh hiu. Trong làng chỉ có người già và trẻ nhỏ. Một cụ già ngồi tắm nắng trước hiên nhà nói: “Mấy đứa có sức đều vô rừng, lên rẫy hết rồi. Sắp đến tết, chúng nó phải đi làm kiếm tiền mua gói kẹo, ký thịt”.
Vừa trông em, Tarương Thị Nhung vừa tranh thủ học bài. Ảnh: LĂNG A CÚI |
Trong mỗi ngôi nhà chúng tôi ghé đến, hầu hết chỉ có lũ trẻ con. Cô bé Tarương Thị Nhung chỉ mới 7 tuổi đang trông em (1 tuổi) để bố mẹ đi rẫy. Miếng cơm trong nồi mẹ để lại từ sáng là thức ăn duy nhất dành cho chị em Nhung ở nhà. Cô bé vừa chăm em, vừa tranh thủ học bài. Nhung cho biết, có hôm bố mẹ đi làm cả ngày nên phải địu em trai cùng đến lớp học. Không chỉ có Nhung, ở làng Atép 2, những em bé như Avô Đài, Alăng Thị Non, Avô Thị Ngái… cũng gắn tuổi thơ của mình với công việc chăm em nhưng luôn cố gắng học chữ. Cậu bé Avô Đài đã biết trông em để bố mẹ lên rẫy từ khi mới 4 tuổi. Cơm sẵn nồi, ngủ sẵn võng, cứ thế Đài thay bố mẹ chăm em hằng ngày.
Ở Atép 2, câu chuyện về những đứa trẻ vừa đi học vừa giúp bố mẹ chăm em đã không còn là chuyện lạ. Và dưới mái gươl làng, câu chuyện của già làng Atép 2 Tarương Ba khiến chúng tôi cảm động. Đó là những câu chuyện về người dân vùng sơn cước Atép 2 vượt qua gian khó, xây dựng cuộc sống mới trên quê hương. Cuộc sống bây giờ đã đổi thay khác xưa nhiều, người làng Atép 2 cũng không còn lo ngày vài củ sắn trừ bữa như trước đây. “Nói khổ là nói rứa thôi, đồng bào vùng cao vốn quen với cuộc sống lam lũ rồi. Kiếm sống theo mùa và không bận tâm gì đến ngày tháng. Chỉ lo là lo cho lũ trẻ con, mong cho cuộc sống của chúng bớt khổ, được học hành đàng hoàng” - già Ba trải lòng.
Trên chiếc cầu treo, Avô Thị Ngái đang trở về sau buổi lên rẫy cùng mẹ. Chiếc gùi nhỏ sau lưng cô bé chất đầy củi khô. Đến nhà, và vội miếng cơm, Ngái lục đục chuẩn bị sách vở để còn kịp giờ đến lớp học…
LĂNG A CÚI