Những gánh phù sa

QUỐC TUẤN - SONG ANH 29/04/2021 07:10

Ngày càng có nhiều người trẻ về làng. Rồi cả những người đã buông xẻng cuốc giờ tự mình dọn lại mấy sào ruộng, mảnh vườn bên sông. Như một doi dất trên hành trình sông mẹ đổ dọc về xuôi, Gò Nổi những ngày tháng 4 này, vừa lạ lùng vừa thân quen…

Sự kết nối giữa người trẻ và già sẽ tạo nên sức bật cho vùng quê Gò Nổi.Ảnh: HIỀN TUẤN
Sự kết nối giữa người trẻ và già sẽ tạo nên sức bật cho vùng quê Gò Nổi.Ảnh: HIỀN TUẤN

Chúng tôi ghi nhặt lại những câu chuyện của người trẻ về làng làm nông, của người già sau quãng nghỉ tuổi tác, lại xốc vác chuyện nông nghiệp xứ mình. Như thể, nếu họ để hoang cuộc đất này, là có tội với tiền nhân.  

Ở Điện Quang, những ngày này, người dân ra vào nhiều hơn trên các bãi bồi sông ven sông. Họ ra để chăm cây dâu đang xanh lên mỗi ngày. “Dòng sông tơ lụa” trong phác thảo của những người làm quy hoạch Quảng Nam, đang dần hình thành trên đất này. “Trồng dâu là phương thức canh tác tự nhiên tốt nhất, nếu không muốn nói nó là nông nghiệp hữu cơ. Chỉ cần hơi gió có mùi thuốc trừ sâu, cây dâu sẽ chết. Khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm là hoàn toàn đúng đắn ở các vùng đất ven sông, vì cây dâu còn có tác dụng giữ đất rất tốt. Chúng tôi trồng xen canh cây dâu và các loại cây màu, góp phần nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích” – ông Thái Văn Dũng, người dân xã Điện Quang nói.

1. Nguyễn Phong Lợi - Giám đốc hợp tác xã  (HTX) nông nghiệp làng Cẩm Phú (xã Điện Phong) chưa tới 30 tuổi. Sau thời gian tất tả chuẩn bị cảnh quan trang trí, soạn sửa lại các điểm “check in”, “khu vườn” ven sông của làng dần hiện ra như một bối cảnh thu nhỏ của làng quê xanh. Lợi đang kỳ vọng đợt nghỉ lễ dài ngày này sẽ là một cú hích để sau năm dài im vắng, không gian du lịch cộng đồng sẽ sống dậy.

“Tôi có nói anh Tâm, chị Tuyền và một số người khác nữa rằng quê mình khắc nghiệt, mùa mưa lụt trắng trời mà về đầu tư nông nghiệp thì rủi ro lắm. Nhưng họ vẫn rời Sài Gòn để quay về và nói rằng sẽ có cách thích ứng. Vậy đó, anh em chúng tôi sinh ra ở Gò Nổi nên đã về là làm thật, đầu tư thật, chỉ mong chính quyền địa phương có sự tiếp sức, đồng hành để thay đổi diện mạo của làng” - Nguyễn Phong Lợi nói. 

Tâm và Tuyền mà Phong nhắc, là hai gương mặt trẻ vừa mới tạo dựng một cơ ngơi ngay trên đất của mình từ những đồng ruộng của xã Điện Trung. Họ cũng như Tâm, đều thuộc thế hệ cuối 8X. Và họ lớn lên từ cây lúa của làng, rồi rời làng và đã tạo dựng được những doanh nghiệp hoạt động khá ổn ở Sài Gòn.

“Ba mẹ của tôi bây giờ vẫn còn trồng lúa, tất nhiên là không nhiều như trước. Tôi nhẩm tính rồi, làm nông nghiệp truyền thống như gia đình tôi quanh năm một nắng hai sương, mùa nào được thì có đồng ra đồng vào, bình bình thì lấy công làm lời, thậm chí có mùa còn thất bát. Mà chẳng riêng nhà tôi, hầu hết nông dân trong làng của tôi đều như thế. Vì vậy, tôi muốn trở về, bắt tay vào làm nông nghiệp theo một cách khác, với khao khát rằng làm nông nghiệp trên chính quê hương mình cũng có thể sống dư dả” - Phạm Hữu Tâm - Phó Giám đốc HTX sản xuất, thương mại, dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao Gò Nổi (gọi tắt là HTX nông nghiệp công nghệ cao Gò Nổi) chia sẻ. 

Giữa trưa, dưới cái nắng chói chang đầu hè, Phạm Hữu Tâm đứng bên Bàu Dược say mê kể về khát khao sẽ thức giấc lại bàu sen tuổi thơ rộng hơn 6ha. Ở đó, họ sẽ cải tạo thành một khu vực trải nghiệm nông nghiệp, du lịch sinh thái.

“Vì là HTX kiểu mới nên trong 5 năm đầu thành lập, chúng tôi sẽ tập trung xây dựng hạ tầng, triển khai cải tạo, quy hoạch các khu sản xuất nguồn nguyên liệu, mở rộng du lịch sinh thái tạo nguồn thu nhập, liên minh và sẵn sàng mời gọi các thành viên góp vốn; đồng thời triển khai phát triển các sản phẩm dịch vụ đặc thù” - bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền - Giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao Gò Nổi nói.

2. Dường như những vùng gò, cồn bãi ở khắp nơi trên đất nước này đều ẩn chứa nhiều điều đặc biệt, thú vị. Ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở KH&CN nói: “Với Gò Nổi, tôi nghĩ không cần phải nhắc lại nhiều về vùng đất địa linh nhân kiệt này nữa và chỉ muốn nói rằng các bạn trẻ dù đi đâu làm gì cũng cần giữ được thương hiệu Gò Nổi. Các bạn làm HTX càng phải giữ cho được cái tên Gò Nổi, bởi đó là định danh thương hiệu tốt nhất và đặc trưng nhất để khách hàng dễ dàng nhận diện sản phẩm của mình nhất là trên các sàn giao dịch thương mại điện tử”.

Gò Nổi - một vùng địa linh đang bắt đầu với những cuộc phát triển mới, từ chính lớp người trẻ của làng. Ảnh: HIỀN TUẤN
Gò Nổi - một vùng địa linh đang bắt đầu với những cuộc phát triển mới, từ chính lớp người trẻ của làng. Ảnh: HIỀN TUẤN

Sẽ có những nương dâu dành để phục hưng nghề tơ lụa nức tiếng xứ Quảng một thuở. Cũng sẽ có những bãi dâu để dành cho du lịch. Bởi như khẳng định của chính quyền thị xã Điện Bàn, họ đã có các cuộc khảo sát bước đầu, tiến đến xây dựng vùng du lịch nông nghiệp sinh thái tại Gò Nổi.

Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn nói: “Chúng tôi kỳ vọng dự án tại Gò Nổi sẽ kết nối với các hình thái du lịch đang phát triển của địa phương này. Định hướng của thị xã trong những năm đến là xây dựng chính sách ưu đãi, bố trí quỹ đất phù hợp để kêu gọi doanh nghiệp, cá nhân tham gia cùng chính quyền địa phương và người dân đầu tư phát triển các loại hình du lịch - dịch vụ. Việc chọn xây dựng những ngôi làng ở ngay vùng nông nghiệp lâu đời trở thành “làng du lịch” với các thế mạnh từ nông nghiệp sạch, dự án trồng hoa, chế biến dược liệu, mỹ phẩm… nhằm sử dụng hiệu quả đất đai của làng”. 

3. Từ trên cầu Đen, nơi bắt đầu dẫn về một “miệt nông nghiệp” của xứ này, chúng tôi cứ mường tượng mải mê về một không gian chuẩn mực của nông thôn mới. Làm thế nào để dù vẫn giữ những con đường xanh rì bóng cây, những hàng chè tàu dọc lối, những mảnh ruộng sản xuất theo tiêu chí an toàn nhưng người dân vẫn được thụ hưởng giá trị tinh thần lẫn nhu cầu sống hiện đại. Làm thế nào Gò Nổi với những ngôi làng cổ kính nhưng vẫn làm được điều này. Một vùng đất lạ lùng từ cả trong lịch sử lẫn hiện tại. Như thể con đất này được định vị để gắn với giá trị muôn đời của người Việt mình với triết lý văn hóa dân gian xứ Việt: nhà - làng - nước. Trong ý tưởng và cả trong không gian kiến trúc nơi đây, hiện diện rõ những tiêu chí đó.  

Sẽ phải nhắc lại về một Gò Nổi anh hùng trong kháng chiến, với vị thế được bao bọc bởi 3 con sông Thu Bồn, Chiêm Sơn và Bến Giá, cũng là nơi bắt đầu của sông Vĩnh Điện và sông Bà Rén.  Những câu chuyện anh hùng lẫn bi thương của thời cuộc sẽ vẫn còn được nhắc nhớ trên mảnh đất này. Nhưng lớp phù sa Gò Nổi còn là cội nguồn của các bậc anh hào chí sĩ. Những tên tuổi gọi lên thôi đã nghe ra cả một vùng của những tinh anh. Đó là quê hương của Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, Trần Cao Vân, Phan Thành Tài, Lê Đình Dương, Phan Thanh… đến các nhà văn hóa, học giả, nhà khoa học và nghệ thuật, nhà hoạt động chính trị - xã hội...

Vốc một nắm lúa hữu cơ đang trồng thử nghiệm ngay trên cánh đồng mẫu của Điện Trung, ông Nguyễn Văn Hoằng - Giám đốc HTX Điện Trung cho biết, đồng ruộng này không những cần sự bền bỉ. “Đã đến lúc chúng tôi cần tư duy mới hơn, cách mạng hơn với tri thức khoa học” - ông Hoằng nói. Hẳn, vì cuộc đất này, vốn dĩ đã là những gánh phù sa màu mỡ... đang đợi người vỡ vạc bao lớp đắp bồi sau này.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những gánh phù sa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO