Những già làng gương mẫu ở Tây Giang

HIỀN THÚY 02/03/2021 10:19

Nhiều năm qua, các cấp chính quyền huyện Tây Giang đẩy mạnh các phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo… đạt hiệu quả tích cực; trong đó phải kể đến vai trò nêu gương của người cao tuổi, già làng.

Già làng Riah Đưm, xã Ch’Ơm đã có nhiều cống hiến cho địa phương được Trung ương, tỉnh ghi nhận. Ảnh: H.T
Già làng Riah Đưm, xã Ch’Ơm đã có nhiều cống hiến cho địa phương được Trung ương, tỉnh ghi nhận. Ảnh: H.T

Nhắc đến già làng có uy tín làm kinh tế giỏi Tây Giang phải kể đến già làng Alăng Đàn, năm nay đã ngoài 75 tuổi ở xã A Nông. Trước đây, với vai trò Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện, ông Alăng Đàn đóng góp công sức rất lớn trong việc vận động người dân chung tay xây dựng các phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo địa phương.

Nói đi đôi với làm, gia đình ông Đàn tiên phong di dời nhà cửa đến vùng san ủi mặt bằng mới theo quy hoạch sắp xếp dân cư, đồng thời hiến đất xây dựng nông thôn mới với tổng diện tích hơn 5ha. Tại nơi ở mới, gia đình ông Đàn bắt tay làm lại từ đầu, cần mẫn khai hoang ruộng lúa nước, trồng cao su, đào ao nuôi cá, trồng cao su… Hiện bình quân thu nhập của gia đình ông gần 100 triệu đồng/năm.

Già Alăng Đàn cho hay: “Ở cương vị mình, cần phải làm gương vận động người dân cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Nếu mình đòi bồi thường làm sao vận động người khác được”.

Già làng Bríu Roon ở thôn Nal, xã Lăng cũng là một trong những gương điển hình sản xuất giỏi ở Tây Giang. Lâu nay, người dân ở đây chỉ quen bám nương rẫy nên đời sống còn bấp bênh. Tranh thủ vốn vay hỗ trợ, chủ trương chuyển đổi cây trồng con vật nuôi cùng sự linh động trong cách nghĩ, già Roon đầu tư trồng quế, keo, cao su, đào ao thả cá, nuôi bò, gà vịt. Sau vài năm miệt mài lao động, nay mô hình kinh tế tổng hợp của già Roon thu nhập 60 - 70 triệu đồng/năm. Trước đó, già Roon là một trong những người tiên phong hiến đất gần 2ha gồm vườn cây lâu năm, ao cá, hoa màu… để địa phương san ủi mặt bằng, xây dựng nông thôn mới.

Già Bríu Roon chia sẻ: “Nhà nước có chủ trương tốt thì mình phải ủng hộ, để mọi người trong thôn có điều kiện ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Gia đình tôi không ngần ngại hiến đất đai gắn với nhà cửa, hơn 2 nghìn cây quế, vườn tược mít, ổi... Từ sự chung tay góp sức của mọi người, bộ mặt làng quê ngày càng khởi sắc”.

Cùng với già làng Alăng Đàn, Bríu Roon những cái tên như già làng Alăng Bhum, Bhling Hiên, Bhríu Pố, A Lăng Reng, Riah Đưm… và rất nhiều điển hình khác góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người ở Tây Giang đạt hơn 23 triệu đồng/năm, gấp gần 10 lần so với năm 2003 khi tái lập huyện. Cuối năm 2014, xã điểm A Nông chính thức được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên khu vực miền núi Quảng Nam. Tiếp đến, năm 2015, xã Lăng được công nhận nông thôn mới. Thành công chương trình xây dựng nông thôn mới xã điểm A Nông, xã Lăng đặt nền móng, tạo động lực để địa phương thực hiện các chủ trương phát triển kinh tế.

Già Pơ Loong Nấp - Chủ tịch Hội Người cao tuổi huyện cho hay: “Đầu tiên cán bộ, người cao tuổi, già làng uy tín… phải nắm rõ mục tiêu, chủ trương, đường lối Đảng. Từ đó, vận động người dân hiểu cặn kẽ các chủ trương, đường lối, đặc biệt chương trình xây dựng nông thôn mới. Khi tuyên truyền, mình phải là người tiên phong, nêu gương thì mọi người mới hiểu, tin tưởng và ủng hộ”. Từ những nỗ lực điển hình già làng làm kinh tế Tây Giang, góp phần lan tỏa sâu rộng phong trào làm kinh tế - xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những già làng gương mẫu ở Tây Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO