Nhằm giúp học sinh, sinh viên (HSSV) có nhiều cơ hội trải nghiệm cũng như vận dụng kiến thức học được vào thực tiễn, nhiều nông dân và cả nghệ nhân làng gốm đã vào vai “thầy giáo” cùng các em tham gia những giờ học thú vị.
Học sinh trải nghiệm những giờ học thú vị tại vườn rau nhiệt đới Kapi. |
Tập làm nông dân ở làng rau
Vào các ngày cuối tuần, vườn rau nhiệt đới Kapi (Điện Ngọc - Điện Bàn) lại nhộn nhịp tiếng nói cười của những cô cậu học trò đến từ TP.Đà Nẵng. Đó là Trung tâm Anh ngữ EMC, Trung tâm Anh ngữ Aten, Trường Mầm non Gia Viên… Được biết, đây là hoạt động trải nghiệm sáng tạo giúp HSSV phát huy vai trò chủ thể, tính tích cực, tự giác và sáng tạo thông qua việc vừa trồng rau vừa ôn lại từ vựng tiếng Anh. Chị Bùi Thị Thanh Sương - chủ vườn rau nhiệt đới Kapi cho biết: “Mỗi khi nhận tour HSSV đến vườn rau, chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các em trải nghiệm. Những giờ học thú vị sẽ chỉ diễn ra trong phạm vi vườn rau xanh mướt này”. Theo kế hoạch, HSSV sẽ phân nhóm rồi tìm hiểu về từng loại rau, củ, quả. Sau đó bắt đầu trải nghiệm giờ học tập làm nông dân với các công việc như xới đất, trộn phân bón, tách luống rau, gieo hạt, ươm mầm, cấy rau…
Vừa tham gia các công việc, HSSV vừa trao đổi vốn từ tiếng Anh thông qua khâu nhận biết các loại rau củ. Chẳng hạn, khi cô giáo đưa ra cây rau xà lách lên thì học sinh đồng loạt đọc “salad”, hoặc dưa leo thì đọc “cucumber” đối với các em ở độ tuổi 5 - 12 tuổi. Còn học sinh lớp lớn sẽ trải nghiệm thuyết trình tiếng Anh về một loài rau cũng như quá trình sinh trưởng, phát triển của loài rau đó. Bạn Lê Phương Thảo (học viên tại Trung tâm anh ngữ Aten Đà Nẵng) chia sẻ: “Trồng rau trên đất thì em đã quá quen thuộc, nhưng đến vườn Kapi em mới biết cách trồng rau thủy canh. Em và các bạn rất hứng thú với mô hình rau sạch này, chúng em cũng làm nên bài giới thiệu bằng tiếng Anh rất thuyết phục”.
Học sinh trải nghiệm những giờ học thú vị tại làng gốm Thanh Hà, TP.Hội An. Ảnh: N.Trang |
Trải nghiệm cùng nghệ nhân làng gốm
Mùa hè vừa qua, làng gốm Thanh Hà (TP.Hội An) cũng chộn rộn bước chân của các cô cậu học trò đến trải nghiệm lớp học làm tò he và làm gốm. Đến nơi đây, HSSV có dịp nhào nặn đất sét và thỏa thích sáng tạo các hình thù tò he, vật dụng khác tùy theo ý thích. Chị Nguyễn Thị Thu Sương - chủ cơ sở làm tò he cho biết: “Vào dịp hè, cứ cách nhau vài ngày lại có HSSV đi theo tour đến đây tham quan. Các em đều háo hức nhờ tôi chỉ dẫn cách làm rồi gửi lò nung. Tôi rất vui khi thấy thế hệ trẻ học cách giữ làng nghề”. Được biết, hầu hết học sinh đi trải nghiệm đến từ TP.Đà Nẵng hoặc các vùng phụ cận TP.Hội An như Duy Xuyên, Điện Bàn... Gặp chúng tôi trong chuyến đưa học sinh đi trải nghiệm tại làng gốm, cô giáo Võ Thị Dung - làm việc tại Công ty Tư vấn hỗ trợ học tập Kính Vạn Hoa chia sẻ: “Ngoài những giờ phụ đạo bài học lý thuyết cho học sinh, tôi thường chú trọng hướng học sinh đến với tiết học trải nghiệm này. Qua đó, tôi có thể nắm được khả năng tư duy, sáng tạo và làm việc nhóm của học sinh để bồi dưỡng kỹ năng sống cho các em!”.
Tại làng gốm Thanh Hà, học sinh được học cách xử lý đất sét thô bằng cách rấm và ngâm trong nước, cách nhào nặn đất để làm tò he, cách chuốt gốm, vuốt láng rồi vẽ hoa văn, đưa vào lò nung. Trải nghiệm một bài học tương đương với một ngày dài nhẫn nại và cần mẫn học hỏi, làm việc. Ngoài ra, nghệ nhân trong làng gốm còn đưa các em đến đình làng, kể lại các mẩu chuyện xoay quanh cuộc sống làng gốm xưa. Cách làm này giúp các em hiểu được giá trị của từng sản phẩm gốm, từ đó trân quý làng nghề cha ông để lại. Em Lê Văn Việt - học sinh lớp 9 ở TP.Đà Nẵng nói trong niềm vui làm ra sản phẩm gốm: “Em thực sự rất vui khi tham gia tiết học trải nghiệm làng nghề gốm. Đến nơi đây em gặp được nhiều nghệ nhân giỏi và học hỏi vô số câu chuyện bổ ích. Chắc rằng em sẽ dành cho mình thêm nhiều tiết học thú vị thế này!”.
NHƯ TRANG