Những đứa trẻ ríu rít với rất nhiều hoạt động liên quan đến ngôn ngữ. Thảo nói, cô muốn học trò của mình có được những giờ học vui vẻ mỗi khi đến với JENA.
JENA – một trong những tên gọi hay nhất tại các nước nói tiếng Anh. Nó mang nghĩa “chú chim nhỏ”. Không mưu cầu sẽ làm điều gì lớn lao, Phạm Ái Thảo cứ chậm rãi trên con đường đã chọn. Vì như lời cô gái sinh năm 1991 này, dạy học – dù ở bất cứ chuyên ngành nào, cũng góp phần trên hành trình trưởng thành của mỗi con người. Đặc biệt với trẻ con, như mầm cây cần tưới tắm mỗi ngày, ngôn ngữ đối với mỗi đứa trẻ, cũng cần sự tỉ mẩn như vậy.
Về quê...
Đoạt giải quốc gia kỳ thi học sinh giỏi thời THPT, và khi bước vào đại học, cô sinh viên của Trường Đại học Ngoại thương TP.Hồ Chí Minh Phạm Ái Thảo tiếp tục đạt được các giải thưởng về khởi nghiệp. Thảo cũng là sinh viên được chọn tham gia chương trình trao đổi học sinh - sinh viên tại Nhật và Indonesia, thành viên tích cực của tổ chức sinh viên quốc tế Aiesec. Tốt nghiệp, bao nhiêu cơ hội từ các tập đoàn mở ra với Thảo, ai cũng tưởng cô sẽ chọn ở lại thành phố lớn lập nghiệp. Thế nhưng ngay sau ngày ra trường, cô gái trẻ lại khăn gói về quê. Đô thị tỉnh lỵ quê nhà có một sức hút kỳ lạ, Thảo nói, chưa bao giờ mình có ý định rời quê để làm một cái gì đó cho bản thân. “Làm một cái gì đó” – nghĩa là xác lập vị thế, sự nghiệp cho mình.
Rồi trong một cuộc chuyện trò với những lãnh đạo thành phố, Thảo nộp hồ sơ vào vị trí cán bộ đối ngoại của Văn phòng UBND TP.Tam Kỳ. Công việc vừa là thế mạnh, lại vừa là điều lạ lẫm. Thảo nói: “May mắn, ngay khi vào làm việc vài tháng, mình lại có cơ hội được cử đi Lào để làm công tác đối ngoại với thành phố kết nghĩa. Suốt 9 tháng ở Lào, mình đã học được rất nhiều kỹ năng”. Quãng thời gian ở huyện Lạ Màm (tỉnh Sê Kông, Lào), Thảo vừa làm vừa học tiếng, vừa tham gia các hoạt động cộng đồng. Trở về cơ quan cũ, Ái Thảo lại tiếp tục những “cuộc đi săn” khác. Lần này, lại một chuyến đi dài hơi với những kiến thức hoàn toàn mới mẻ.
Năm 2017, Thảo sang Anh để theo học chương trình thạc sĩ chuyên ngành kinh doanh quản lý. Hai năm đúng nghĩa vừa học vừa nghiên cứu, trở về Việt Nam, lại lần nữa cô gái này lựa chọn giữa việc ở lại và trở về. Và vẫn là cô gái với đau đáu câu chuyện quê nhà, Thảo lần nữa trở về Tam Kỳ trong sự ngỡ ngàng của bạn bè.
Dựng lại giấc mơ
Mới đây, Trung tâm Anh ngữ JENA (đường Hùng Vương, TP.Tam Kỳ) đã bảo trợ cho cuộc thi hùng biện tiếng Anh dành cho học sinh THPT tại TP.Tam Kỳ. Cùng với đó, Phạm Ái Thảo kết hợp với các trường mầm non thành lập các câu lạc bộ tiếng Anh. Ngoài việc trang bị kỹ năng làm quen với Anh ngữ một cách chuyên nghiệp, Thảo cùng các giáo viên là người nước ngoài còn xây dựng sân chơi thoải mái, thu hút sự quan tâm của học sinh và phụ huynh bằng việc tổ chức các trò chơi sôi nổi…
Sau nhiều chuyến đi, nhiều trải nghiệm, thứ khiến Ái Thảo ưu tư về con đường sự nghiệp của mình chính là giấc mơ ấp ủ bao lâu. Thảo chia sẻ, mình vẫn nhớ những ngày là học sinh THPT, hằng tuần phải bắt xe buýt ra Đà Nẵng để theo học các lớp phát âm. Rồi ngay khi vào đại học, tiếng là học sinh chuyên Anh, nhưng Thảo hoàn toàn không theo kịp các bạn ở thành phố lớn về cách giao tiếp, phát âm, kỹ năng mềm… Những điều này, bao giờ cũng khiến cô phải suy nghĩ. “Tại sao những đứa trẻ ở quê mình không thể nào tự tin trước các cuộc nói chuyện đông người? Tại sao trong các hoạt động cộng đồng, dù rất vững kiến thức, trẻ con xứ Quảng vẫn không thể nào chủ động? Khi về quê, ấp ủ thực hiện một dự án về giáo dục buộc mình phải khảo sát thực tế và nhu cầu của trẻ em Tam Kỳ. Và gần như, mình gặp lại chính Thảo của nhiều năm về trước” – Thảo nói.
Theo Ái Thảo, trong ngôn ngữ, giọng điệu, cảm xúc rất quan trọng. Chính điều này góp phần làm cho những đoạn đối thoại trở nên sinh động hơn. Giọng điệu khởi phát từ cách các em được tiếp cận với việc phát âm như thế nào. Nhưng đây gần như là điểm yếu của rất nhiều trẻ em Quảng Nam, dù được học ngoại ngữ từ rất sớm. JENA ra đời, đầu tiên là mong muốn các em nhỏ, ngay từ đầu phải được tiếp cận với việc phát âm chuẩn. Trung tâm ngoại ngữ JENA phát triển từ mục tiêu ban đầu như vậy, với tinh thần dạy và học ngoại ngữ như một môn kỹ năng. Muốn được như vậy, người dạy phải thực sự có tinh thần mở. “Ở JENA, người học là trung tâm. Nghĩa là chúng tôi phải tôn trọng tư duy và cá tính của từng em, kích thích mọi sự sáng tạo ở mức cao nhất” – Phạm Ái Thảo nói.
JENA lựa chọn phương pháp kích thích trí tưởng tượng bằng hình ảnh của người học. Vẫn trọng tâm là trẻ em tiểu học, cùng với các phương pháp dạy giao tiếp tiếng Anh tiên tiến, các hoạt động ngoại khóa được JENA chú trọng. Vì bản thân được đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều nền văn hóa nên Thảo cho rằng muốn làm cho tư duy trẻ cởi mở thì trẻ phải được tìm hiểu nhiều nền văn hóa khác nhau. Đặc biệt, ngôn ngữ là một phần quan trọng của một nền văn hóa nên muốn giỏi một ngoại ngữ nào đó thì người học cũng nên có kiến thức về nền văn hóa đó. Chính vì vậy, trẻ em đến với JENA, ngoài việc học ngoại ngữ còn được tiếp nhận thêm các kiến thức của nhiều đất nước khác nhau.
Từng ngày một, JENA được biết đến nhiều hơn. Từ những người quen ban đầu biết “lai lịch” của Ái Thảo, mỗi ngày lại có thêm những gởi gắm của phụ huynh từ sự giới thiệu của học viên đang theo học tại trung tâm. “Tôi nghĩ điều lớn nhất sau tròn 1 năm JENA ra đời là niềm tin của phụ huynh khi tìm đến, là sự thích thú của mỗi em khi đến giờ học tại JENA” – Thảo chia sẻ.