Mô hình sản xuất trình diễn giống bí lai đỏ Gold star 998 và bí lai xanh Tara 888 ở thôn Lang Châu Bắc (xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên) mang lại cho nông dân nguồn thu nhập khá. Sự thành công này mở ra hướng mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm giúp nhà nông nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích...
Tham quan mô hình sản xuất trình diễn giống bí lai xanh Tara 888 tại xã Duy Phước. Ảnh: M.NHI |
Hiệu quả kinh tế cao
Ông Phạm Đình Xuân - Phó phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên cho biết, sau khi tiến hành khảo sát thực tế, đầu vụ đông xuân 2013 - 2014 đơn vị phối hợp với Công ty CP Giống cây trồng Trung ương - chi nhánh miền Trung & Tây Nguyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho 2 hộ dân ở thôn Lang Châu Bắc của xã Duy Phước triển khai trồng khảo nghiệm những giống bí lai trên diện tích 1.000m2 đất lúa chuyển đổi (mỗi giống 500m2) thuộc cánh đồng Bà Thụ. Dẫn chúng tôi lội thăm ruộng bí lai xanh Tara 888 trĩu trái, ông Lư Văn Dũng - một người dân tham gia mô hình cho biết, ngày 8.12.2013 ông tỉa hạt giống vào bầu, sau 17 ngày thì tiến hành đưa 700 cây bí con ra trồng trên 1 sào đất trước đây canh tác lúa. Ông Dũng chia sẻ: “Thời gian sinh trưởng của giống bí lai xanh Tara 888 là 71 ngày, ngắn hơn giống bí đao lâu nay nông dân ở địa phương sản xuất khoảng 20 - 25 ngày. Vì vậy, đây là một loại giống có thể trồng để thu hoạch bán sớm, phù hợp đối với vùng đất thường xuyên bị ngập lụt như xã Duy Phước”. Ông Phạm Đình Xuân cho hay, nếu so với giống bí đao địa phương (đối chứng) thì giống bí lai xanh Tara 888 có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn, đặc biệt là không bị bọ trĩ, bệnh vi khuẩn gây hại. Riêng bệnh sương mai và phấn trắng, trong khi giống đối chứng bị hại ở mức độ trung bình - nhẹ thì giống bí lai mới này không bị nhiễm 2 loại bệnh đó. Theo ông Dũng, tỷ lệ đậu quả cao nên vụ này ông thu được 3.276kg quả từ 1 sào đất sản xuất trình diễn giống bí lai xanh Tara 888. Trong khi đó, cũng trên cùng một chân đất và diện tích như nhau nhưng giống bí đao địa phương chỉ cho 2.205kg quả. Hiện nay giá thu mua quả bí lai xanh Tara 888 bình quân là 6.000 đồng/kg. Với tổng sản lượng vừa nêu thì ông Dũng thu được khoảng 19,7 triệu đồng, trừ chi phí lãi ròng 14,7 triệu đồng. Như vậy, quy ra, nếu trồng 1ha bí lai xanh này thì mỗi vụ nhà nông lãi 294 triệu đồng.
Đối diện với ruộng bí lai xanh Tara 888 của ông Dũng là giàn bí lai đỏ Gold star 998 của ông Lê Đông Sang. Ông Sang cho biết, thời điểm ông trỉa hạt giống bí lai này vào bầu và đưa ra ruộng trồng cũng giống như mô hình ông Dũng. Tuy nhiên, thời gian sinh trưởng của giống bí lai đỏ Gold star 998 là 74 ngày, nếu so với giống đối chứng bí sặt Vinh Nông thì ngắn hơn 3 ngày. Ông Sang nói: “Qua theo dõi cho thấy, cả giống bí lai đỏ Gold star 998 và bí sặt Vinh Nông đều có khả năng chống chịu tốt với bệnh vi khuẩn và một số loại sâu bệnh nguy hiểm khác như sương mai, phấn trắng, bọ trĩ, sâu ăn lá. Tuy 2 giống này đều có mật độ trồng (550 cây/sào) và thời gian ra hoa cái tương đương nhau nhưng số lượng quả của giống Gold star 998 lại nhiều hơn so với giống đối chứng, đồng thời kích thước quả cũng to và dài hơn. Do đó, năng suất của giống bí lai đỏ Gold star 998 đạt khoảng 1.782kg/sào, cao hơn giống bí sặt Vinh Nông gần 621kg”. Dự kiến vụ này tổng số tiền ông Sang thu về từ 1 sào bí lai đỏ Gold star 998 là 14,9 triệu đồng, lãi ròng 9,8 triệu đồng, trong khi đó giống đối chứng bí sặt Vinh Nông cao lắm chỉ cho 4,8 triệu đồng tiền lãi...
Sẽ nhân rộng
Ông Phạm Đình Xuân cho biết thêm, giống bí lai xanh Tara 888 đặc ruột, chắc, không có phấn trắng phủ ở ngoài vỏ khi để quả già và có vị ngọt, không bị chua. Còn giống bí lai đỏ Gold star 998 thì có thịt dày, mùi thơm nhẹ, không bị bệnh ghẻ trên quả. Nhờ chất lượng cao nên hiện nay người tiêu dùng rất chuộng 2 loại bí thế hệ mới này, do đó giá bán quả luôn ổn định ở mức cao.
Cách đây vài ngày, tại cuộc hội thảo đầu bờ đánh giá về hiệu quả của mô hình sản xuất trình diễn 2 giống bí lai vừa nêu, ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, giá trị kinh tế mà giống bí đỏ Gold star 998 và bí xanh Tara 888 mang lại cho nông dân thôn Lang Châu Bắc rất cao, đây được xem là hướng mở trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Quảng Nam. Vì vậy, thời gian tới ngành nông nghiệp tỉnh và các đơn vị liên quan sẽ tập trung nhân rộng mô hình này ra những địa phương khác. Tuy nhiên, ông Muộn cũng lưu ý: “Bên cạnh việc chú trọng chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất cho nông dân để nhanh chóng mở rộng diện tích canh tác 2 loại bí lai mới này thì nhất thiết những cơ quan có trách nhiệm cũng cần tích cực đẩy mạnh việc liên doanh liên kết với các doanh nghiệp để tạo đầu ra ổn định lâu dài cho sản phẩm, tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa như nhiều năm nay”.
MAI NHI