Cơn mưa bất chợt giao mùa khiến dấu bùn loang trên cung đường dẫn vào làng Ong (thôn 6, xã Phước Lộc, Phước Sơn). Những mảng rừng chưa kịp xanh, dấu tích của một mùa bão lũ kinh hoàng quét qua vùng cao Phước Sơn, dù sắp tròn một năm kể từ ngày đỉnh núi vỡ ập xuống làng.
Tôi đi qua ngôi làng cũ, ký ức xao xác buồn. Nhưng nhìn lại những gương mặt người đã ấm, nhìn những tất tả trong lặng thầm, đủ biết, nơi này vẫn đang gượng dậy để làm lại. “Dựng lại người, dựng lại nhà”, như tựa bài hát tôi từng được nghe đâu đó…
1. Chỉ còn lại cây cầu gãy nhịp dẫn đầu đường vào làng Ong là còn cũ. Sau chừng ấy thời gian, những nỗ lực không mệt mỏi trong công tác tái thiết giúp hồi sinh con đường bê tông dẫn vào thôn 6. Xe máy băng qua con suối cạn, lồng lên, chật vật rồi cũng “bò” được đến làng.
Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, ông Lưu Huyền Thoại cùng anh em cán bộ xã đang tất bật trộn vữa trong một ngôi nhà mới. Sắp đến hạn định đặt ra, là phải di dời, tái định cư cho 24 hộ còn ở lại làng Ong ngay trước mùa mưa lũ.
Nhiều tháng nay, ông và anh em cán bộ xã tranh thủ sắp xếp việc, thay phiên nhau vào giúp dân. Họ ở lại với bà con, làm mọi thứ, từ dỡ khung nhà cũ, nhặt nhạnh từng cây cột, mảnh ván đưa về mặt bằng mới, dựng nhà, xây một đoạn tường. Vật liệu khan hiếm, không được phép chặt hạ cây rừng lấy gỗ, họ chắt chiu từng viên gạch, từng chút vữa xây.
“Đường sá hư hỏng nhiều, cộng thêm dịch Covid-19, vật liệu xây dựng lên đến đây rất đắt đỏ. Khoản hỗ trợ làm nhà cho người dân từ các nguồn đều được xã tính toán, cân đối để có thể nhanh chóng làm lại nhà ở kiên cố cho dân. Xã huy động cán bộ giúp dân, đỡ được tiền chi phí nhân công, vừa đẩy nhanh tiến độ.
Chờ lâu rồi, chúng tôi cũng rất sốt ruột, nhưng trong điều kiện phải đợi thi công xong mặt bằng, đo đạc, bố trí đất ở, vừa phải tìm kiếm nguyên vật liệu, nên việc tái định cư cho người dân cũng có phần chậm. Tới thời điểm hiện tại, phần lớn nhà cửa cho bà con đã được dựng, có thể về ở trước mùa mưa lũ năm nay” - ông Thoại nói.
Hơn hai chục nóc nhà đã thành hình, có mồ hôi, công sức của bà con và cả cán bộ xã. Họ ở đó, miệt mài cho công cuộc tái thiết làng Ong. Hơn hai mươi hộ dân làng Ong chọn ở lại làng. Họ không muốn rời bỏ ngôi làng từng là một vùng đất yên bình, trù phú của ký ức. Số khác, khoảng chừng chục hộ, đã được bố trí xen ghép ở các thôn khác, gần nhà bà con.
Nguyện vọng của từng người, từng nhà được lắng nghe, và tìm cách đáp ứng. Ông Thoại kể, sau nhiều lần gặp gỡ, họp dân, xã thống nhất với đề nghị của từng người về việc bố trí đất ở.
Chúng tôi không có dịp gặp lại Hồ Văn Đoàn, Hồ Văn Cây, già Hồ Văn Hạnh, những người đã từng gặp trong thảm họa tại làng Ong năm trước. Họ đã dời nhà về thôn khác. Nhưng phần đông dân làng đã ở lại. Ở lại, và làm lại.
2. Đàn ong đã trở về. Không nhiều, nhưng cũng đủ để gia đình ông Hồ Văn Vẽ kiếm được thu nhập, khi ruộng rẫy đã khuất lấp dưới lớp bùn đất sạt lở. Suốt mùa hè, ông lội rừng, dựng lại những bộng ong. Suốt một năm nay, họ không đói, vì đã được hỗ trợ gạo đủ để sống, nhưng không vì thế mà người làng ngồi yên chờ đợi. Họ tự tìm lấy nguồn sống cho mình.
Căn nhà cũ bị hư hại một phần sau thảm họa đã được dỡ gần hết, chỉ sót lại chái bếp dùng làm nơi nấu ăn cho cả nhà. Họ ngược xuôi giữa hai căn nhà cũ - mới, như một đàn ong cần mẫn làm lại tổ. Ngày rảnh, họ đi rừng “làm ong”, đi kiếm giống sâm dây về trồng lại tại rẫy. Từng chút một, như cái cách họ đã chắt chiu, sinh tồn suốt bao đời.
Ông Vẽ gương mặt ấm lên trong khói bếp bảng lảng trưa mưa, nói những giấc ngủ đã thôi chập chờn, ông và vợ con nghĩ nhiều hơn đến ngày mai, đến cuộc sống trong căn nhà mới dưới kia, an toàn hơn, kiên cố hơn.
“Ngày trước, cứ nghĩ về chuyện làm lại nhà là lo. Sống mà chỉ kịp nghĩ tới cái ăn ngày mai, nghĩ tới chuyện chạy đi đâu mỗi khi trời mưa bão. Có cái nhà, là mừng nhất, ấm nhất. Suốt một năm qua, ai cũng trông mong làm lại được nhà, rồi từ từ tính tiếp. Giờ thì nhà có rồi, sắp sửa dọn về rồi, không phải ngồi ngoài trời hay chạy lên nhà làng ăn từng bữa cơm nữa” - ông Vẽ kể. Bữa cơm trưa ấy, khi chúng tôi đứng ở nhà ông Vẽ, có lẽ cũng là những bữa cơm tạm bợ cuối cùng.
Tôi ngồi lại bên chân nhà làng, với Hồ Văn Qua. Vợ chồng Qua mất đi đứa con trai 6 tuổi trong trận lũ quét kinh hoàng đổ từ đỉnh núi xuống làng vào cuối tháng 10 năm ngoái. Chúng tôi đã cố không nhắc về chuyện cũ, nhưng thấy khóe mắt Qua vẫn ướt. Qua khoe, anh được cấp một mảnh đất phía khu làng mới, nhà đã làm xong rồi, chỉ còn chờ thợ sơn hoàn thiện là dọn hết đồ đạc xuống. Ngày dọn nhà đã cận kề.
3. Tôi đã nghĩ nhiều về lựa chọn ở lại của người làng Ong, về những nỗi ám ảnh như một di chứng của thiên tai, về câu chuyện tương lai của làng sau thảm họa. Nhưng những suy nghĩ ấy qua nhanh, khi ngồi lại nói chuyện với người làng.
Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, ông Lưu Huyền Thoại nói, những nỗ lực an dân của chính quyền chỉ là một sự đồng hành, tiếp sức, sự hồi sinh của ngôi làng dựa vào chính bản năng sinh tồn mạnh mẽ của bà con, chính sự gượng dậy của từng người, từng nhà sau cơn thảm nạn.
Ông Thoại kể, trong quá khứ, ngoại trừ 5 hộ là người già yếu, không có khả năng lao động, 30 hộ khác của làng Ong đều có điều kiện tương đối tốt, tự nỗ lực làm ăn, có tài sản tích lũy.
“Khó khăn hiện nay là đất ruộng, đất rẫy không còn nhiều, chỉ căng ở chỗ đó. Trong số 31ha đất ruộng lúa nước trên toàn xã, hiện giờ chỉ còn sản xuất lại được 3ha. Trước mắt, nguồn hỗ trợ của Nhà nước còn đủ để đảm bảo cái ăn cho bà con suốt mùa mưa lũ năm nay, xã đã phân phối về từng thôn để ứng phó với từng tình huống.
Điều may mắn, là sau đợt bão lũ, vùng nào có nguy cơ đã được xác định, phương án ứng phó chủ động hơn rất nhiều, có từng chốt ở thôn để kịp sơ tán dân khi có thông tin cảnh báo.
Sau câu chuyện an cư, sắp tới, xã sẽ tính toán để khôi phục lại thủy lợi, cải tạo đồng ruộng, từng bước tìm kiếm sinh kế lâu dài cho người dân địa phương. Phương án đang được xã tính đến là nhân rộng mô hình trồng sâm Ngọc Linh ở trên núi.
Đã có 500 gốc sâm Ngọc Linh được 4 hộ trồng thành công, sang năm sẽ đề xuất huyện hỗ trợ để tiếp tục mở rộng sang các nhóm hộ khác, song song với việc bóc tách từng diện tích đất có thể khôi phục sản xuất nông nghiệp, trồng dược liệu kết hợp nghề nuôi ong truyền thống” - ông Thoại nói.
Đã lắng dịu đi nhiều thương đau ngày cũ. Là những ngày đang khác, những gương mặt người ấm lên hy vọng trong một ngôi làng mới an toàn, trong những căn nhà an toàn. Thôn 6 đang lặng lẽ hồi sinh, theo cách riêng của mình.
Phía những gốc cây đại thụ bị lũ cuốn, tấp vào làng cũ, lau lách lên bời bời, xanh mướt mát. Những gốc cỏ lau mọc lên từ ngổn ngang bão lũ, dấu vết hung tàn của trận bão năm xưa, như một dấu tích của sự hồi sinh trên đống tro tàn.
Cuộc sống mới cũng bén rễ từ giữa đau thương, bằng niềm tin, bằng sức sống của những người làng Ong. Bởi hy vọng không mất dấu, bởi nghị lực của từng người, bởi sự sẻ chia, sát cánh cùng với bà con, để họ bước qua thảm họa. “Dựng lại người, dựng lại nhà”…