Những gương mặt tân thủ khoa đất Quảng

VĂN HÀO - VĨNH LỘC 30/07/2014 08:48

Với thành tích thi đỗ thủ khoa trong mùa tuyển sinh đại học năm nay, các tân sinh viên đất Quảng một lần nữa khẳng định sức bền bỉ ở vùng đất học…

Nguyễn Duy Sơn giúp mẹ xe sợi lúc rảnh rỗi.ảnh: V.LỘC
Nguyễn Duy Sơn giúp mẹ xe sợi lúc rảnh rỗi.Ảnh: V.LỘC

1. Những ngày này về tổ 3, khối phố Châu Hiệp, thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên) hỏi chàng trai Nguyễn Duy Sơn (Trường THPT Sào Nam) con ông Nguyễn Năm và bà Nguyễn Thị Nhành không ai không biết. Ông Nguyễn Năm đang đi phụ hồ xa nhà cứ liên tục gọi điện về cho con: “chờ vài hôm nữa ba mang tiền về cho con đi học..” khi biết Sơn đỗ thủ khoa khối A Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng. Trong căn nhà ngói cũ kỹ, bà Nhành vui mà khóc: “Ban đầu nó không dám đi thi vì ngại gia đình khó khăn”. Sơn đã đáp lại được những kỳ vọng của mọi người khi thi đỗ ngành Kinh doanh quốc tế với số điểm 26,5 (Toán: 8,5; Lý: 8,25; Hóa: 9,5). “Trước ngày đi thi, bà con chòm xóm tới cho tiền, cho sữa và động viên em rất nhiều. Em tự hứa sẽ cố gắng làm bài thật tốt và chỉ đăng ký dự thi một trường cho đỡ tốn kém” - Sơn nói. Biết nhà mình nghèo, ba phải đi làm ăn xa, mẹ quanh năm đau ốm nặng, lại còn một khoản nợ khá lớn ở ngân hàng cho anh trai của Sơn là Nguyễn Duy Lâm học đại học, Sơn tự mình nỗ lực học tập, hạn chế học thêm, chủ yếu mượn sách vở từ bạn bè. Thầy Phạm Kim Long - giáo viên chủ nhiệm em Nguyễn Duy Sơn, nhận xét: “Mặc dù gia cảnh khó khăn nhưng Sơn không bao giờ tự ti mà luôn vươn lên để đạt thành tích cao nhất trong học tập. Đây là một thành quả xứng đáng và em đã không phụ niềm tin của thầy cô và bạn bè dành cho mình”. Ông Lương Văn Minh - Trưởng khối phố Châu Hiệp cho biết, gia đình Sơn thuộc diện hộ nghèo nhưng 2 anh em đều hiếu học. Ngoài cậu anh trai Nguyễn Duy Lâm vừa tốt nghiệp trường đại học thương mại một năm về trước, thì Sơn một buổi đi học, thời gian còn lại giúp mẹ kéo chỉ để bán kiếm mỗi ngày 20 - 30 nghìn đồng phụ thêm tiền chợ búa. “Trước mắt, chúng tôi sẽ vận động bà con trong khối phố ủng hộ vật chất, tiền bạc để Sơn nhập học, đồng thời cũng sẽ kiến nghị thị trấn có chính sách hỗ trợ giúp em yên tâm đến trường”- ông Minh tiết lộ.

Lê Tấn Thiện với tấm bằng khen về thành tích học tập.ảnh: V.H
Lê Tấn Thiện với tấm bằng khen về thành tích học tập.Ảnh: V.H

2. Thủ khoa khối A Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng với số điểm 27 (Toán: 9; Lý: 8,5; Hóa: 9,5), em Lê Tấn Thiện (lớp 12A5, Trường THPT Núi Thành) không làm mọi người ngạc nhiên. Suốt 12 năm liền, Thiện đều là học sinh giỏi và giành nhiều giải thưởng trong các kỳ thi cấp tỉnh như đoạt giải Khuyến khích môn Toán năm lớp 12, giải Ba thi giải Toán trên máy tính Casio năm lớp 11… “Nguồn kiến thức là vô tận nên ta phải “thoáng” và chủ động khi tiếp nhận các nguồn tài liệu, giáo trình. Hơn nữa phải rèn tính chăm chỉ và nhẫn nại để có thể thu nạp những thông tin, tiếp cận những luồng tri thức mới” - Thiện chia sẻ. Thiện cho biết, để có kết quả này, em đã học từ người anh trai của mình. Anh trai Thiện là Lê Tấn Việt hiện theo học năm 4 Trường Đại học Y dược Huế, vừa là anh nhưng đồng thời vừa là thầy nên kinh nghiệm làm bài thi được Việt chỉ bày tường tận cho đứa em trai. Đánh giá về cậu học trò cưng, cô giáo chủ nhiệm Lê Thị Thu Hạnh nói: “Thiện là tấm gương học giỏi toàn diện. Bước ra từ trường huyện nhưng em đã mang vinh dự lớn lao về cho tập thể nhà trường, là động lực cho các thế hệ học trò kế tiếp phấn đấu”.

Đoàn Thị Thu Hà phụ gia đình việc bếp núc và chăn nuôi heo.  ảnh: V.H
Đoàn Thị Thu Hà phụ gia đình việc bếp núc và chăn nuôi heo. Ảnh: V.H

3. Căn nhà cấp 4 nép sau con đường đất có đông người chuyện trò rôm rả khi hay tin em Đoàn Thị Thu Hà đỗ thủ khoa khối A ngành Sư phạm Toán Trường Đại học Quảng Nam với số điểm 23 (Toán: 8, Lý: 7, Hóa: 8). Hà là cựu học sinh của Trường THPT Trần Cao Vân (TP.Tam Kỳ) niên khóa 2010 - 2013. Năm đầu, vì sự ra đi đột ngột của ba đã khiến Hà trượt đại học. Quyết tâm từ thất bại đó cùng với ước nguyện con gái được học hành đàng hoàng của ba, Hà không muốn từ bỏ cơ hội vào đại học. “Ba em dặn dù gì cũng phải tiếp tục sự học để tìm kiếm công việc thích hợp sau này, hơn nữa ba còn bảo em nên chọn thi trường nào gần nhà để đi học đỡ tốn kém, gần gia đình, đó cũng là lý do mà em thi vào Trường Đại học Quảng Nam” - Hà tâm sự. Sinh ra trong một gia đình thuần nông, ngoài việc học, Hà luôn bận bịu với việc nhà, việc đồng. “Con em nhà nông “chính hiệu” mà, việc chi cũng làm được hết!” - Hà cười nói. Từ việc giải nhiều bài tập, nắm chắc những con số, những công thức đã rèn cho Hà kỹ năng làm bài thi nhanh nhất, hiệu quả nhất. Vì vậy mà sau khi tra đáp án và biết chắc mình đậu ngành Sư phạm Toán, Hà đã trả lại vé tàu khi không tiếp tục dự thi đợt 2. Hà tiếp lời: “Em nghĩ mình thi đậu thôi chứ không nghĩ là đỗ thủ khoa, vì thế ít nhiều tạo cho em chút động lực để em tiếp tục phấn đấu hơn nữa”. Hướng mắt về đàn bò 4 con trong chuồng, bà Nguyễn Thị Lan (mẹ Hà) nói, chuẩn bị bán bớt đi 2 con nghé con để lấy tiền cho con nhập học. “Hồi trước còn ổng (ba Hà) thì gia đình nhẹ gánh hẳn, chừ thì mình tui một tay quán xuyến từ nuôi bò, nuôi heo, nấu rượu… để lo cho con ăn học đến nơi tới chốn. Thấy con mình thi được kết quả rứa là quá mừng rồi. Thôi ráng!” - bà Lan nói.

Thủ khoa ngành kiến trúc Huỳnh Thị Mỹ Linh.
Thủ khoa ngành kiến trúc Huỳnh Thị Mỹ Linh.

4. Đam mê hội họa từ nhỏ nhưng mãi đến năm cuối cấp 3 cô học trò Huỳnh Thị Mỹ Linh (thôn Quảng Lăng 2, Điện Nam Trung, Điện Bàn) mới bộc lộ năng khiếu hội họa. Ước mơ được theo học ngành hội họa kiến trúc cũng lớn dần theo cô học trò nhỏ. Tự tin vào năng khiếu cùng với sức học, Linh chọn thi kiến trúc với mục đích đơn giản là sẽ được thỏa thích vẽ theo ý muốn. Kết quả đậu thủ khoa ngành kiến trúc Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng càng khẳng định sự lựa chọn của Linh. Nói về quyết định táo bạo này, Linh cho biết: “Ba mẹ luôn mong muốn em theo nghề giáo viên chứ không thích cho em học vẽ, mãi đến khi bước vào năm cuối phổ thông em mới thuyết phục ba mẹ đồng ý cho đi học thêm môn vẽ ở trung tâm để thi đại học vì em biết rằng thi vào ngành này môn năng khiếu phải đạt điểm cao”. Dù tự tin với kết quả kỳ thi nhưng Linh cũng không dám nghĩ mình sẽ đỗ thủ khoa với số điểm cao là Toán: 8, Văn:7,5 và môn năng khiếu: 8,3 điểm. “Ban đầu kiểm tra trên mạng em chỉ biết mình đủ điểm đậu nhưng sau đó bạn bè thông báo là tổng điểm của em cao nhất trong số hơn 500 thí sinh dự thi thì em bất ngờ lắm”- Linh ngại ngùng kể. Với bà Võ Thị Mãi - mẹ Linh, việc cô con gái đầu lòng của mình đậu thủ khoa ngành kiến trúc như một giấc mơ không thật, hai vợ chồng đều làm công nhân nên việc con đậu đại học đã là niềm hạnh phúc chứ nói gì đến thủ khoa. “Nhà nghèo cũng chỉ muốn con theo ngành sư phạm để sau này khỏe thân nó nhưng thấy con quyết chí chọn ngành kiến trúc thì cũng chiều theo để con khỏi buồn chứ đâu nghĩ đậu cao như vậy. Bây giờ dù có khổ mấy vợ chồng tôi cũng phải ráng lo cho cháu theo đuổi sự học đến cùng”- bà Mãi cười nói.

VĂN HÀO - VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những gương mặt tân thủ khoa đất Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO