Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng ở phường Cẩm Châu (Hội An) ngày càng phát triển mạnh, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả.
Thi đua sản xuất
Đến nay, toàn phường Cẩm Châu có 1.380 hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân SXKDG các cấp, trong đó đạt danh hiệu cấp phường có 1.002 hộ, cấp thành phố 301 hộ và 77 hộ đạt danh hiệu cấp tỉnh. Trên địa bàn phường, số hộ đạt danh hiệu nông dân SXKDG các cấp tăng theo từng năm. Riêng danh hiệu nông dân SXKDG cấp tỉnh, nếu năm 2011 toàn phường có 13 hộ đạt danh hiệu thì năm 2013, số hộ đạt danh hiệu cấp tỉnh là 23. Tín hiệu đáng mừng là từ trong phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình cho ý chí, nghị lực vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng như hộ ông Võ Viết Bảo, Lê Chừng ở khối An Mỹ, hộ ông Lê Văn Sáu ở khối Thanh Nam; cơ sở đèn lồng của hộ ông Trần Hà, Nguyễn Ích (Sơn Phô 1)…
Nhiều nông dân Cẩm Châu đã đầu tư kỹ thuật, vươn lên làm giàu từ nghề trồng quật kiểng. Ảnh: H. LIÊN |
Từ một hộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhưng với quyết tâm không để cho cái đói, cái nghèo đeo bám, đến nay gia đình ông Võ Viết Bảo chẳng những thoát nghèo mà còn có của ăn của để. Hiện tại, ông đã xây dựng thành công mô hình kinh tế trồng hoa, cây cảnh. Ông Bảo chia sẻ: “Thấy nhiều gia đình xung quanh ai cũng vươn lên làm giàu, tôi cũng tìm cách đưa gia đình thoát nghèo. Bằng số vốn ít ỏi đầu tư ban đầu cộng với số vốn vay hỗ trợ từ Hội Nông dân phường, tôi đã mày mò học hỏi kỹ thuật trồng hoa, cây cảnh ở nhiều nơi. Trời không phụ lòng người, cơ sở của tôi ngày càng mở rộng, vụ tết vừa rồi, khi trừ chi phí tôi lãi trên 150 triệu đồng”. Trong khi đó, hộ ông Nguyễn Văn Hải, ông Lê Văn Sáu (khối Thanh Nam) lại mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư sửa chữa, nâng cấp tàu thuyền, ngư lưới cụ và tích cực chuyển đổi ngư trường, bám biển dài ngày nên đánh bắt đạt sản lượng cao, thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Hộ ông Lê Chừng (khối An Mỹ), nhờ cải tạo tốt môi trường ao nuôi và đầu tư con giống tốt nên vụ tôm vừa qua, mô hình của ông có lãi gần 250 triệu đồng. Không chỉ nuôi tôm, ông Chừng còn tận dụng diện tích ao hồ, nuôi xen canh cá dìa, cua thương phẩm để tăng lợi nhuận. Hay như cơ sở lồng đèn Hà Linh của ông Trần Hà, cơ sở lồng đèn gỗ của anh Nguyễn Ích ở Sơn Phô 1 không những cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm mà còn giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương...
Đầu tư khoa học - kỹ thuật
Để thúc đẩy phong trào nông dân SXKDG phát triển, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với các thành tựu khoa học - kỹ thuật, nhiều năm qua, Hội Nông dân phường Cẩm Châu đã phối hợp với các cơ quan đơn vị tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật đến hội viên. Bình quân mỗi năm, hội tổ chức 5 - 7 lớp tập huấn với gần 400 hộ nông dân tham dự, hàng trăm lượt người tham gia các buổi tham quan, hội thảo đầu bờ… Nhờ đó, trình độ khoa học - kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất của hội viên, nông dân không ngừng nâng lên.
Một trong những điển hình về ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất của nông dân Cẩm Châu là mô hình chăn nuôi gà trên nền đệm lót sinh học. Được sự đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông - khuyến ngư Hội An, bà Nguyễn Thị Thúy Lân (khối An Mỹ) đã đầu tư chuồng nuôi đệm lót sinh học với diện tích 24m2, quy mô tổng đàn gần 200 con gà. Sau 3 tháng nuôi, gà phát triển tốt lại ít dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường so với chăn nuôi truyền thống. Lứa thu hoạch này sau khi trừ chi phí, gia đình bà lãi ròng 20 triệu đồng. Cẩm Châu có số hộ chăn nuôi khá lớn, mô hình thành công được xem là hướng đi mới trong ngành chăn nuôi. Mỗi hộ tham gia mô hình sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng tiền giống, vật tư và được hỗ trợ chế phẩm vi sinh xử lý nền chuồng đệm lót sinh thái.
Ông Phan Hùng (Sơn Phô 1) là một nông dân có nhiều tìm tòi, ứng dụng kỹ thuật vào trồng hoa kiểng. Gần chục năm kinh nghiệm, với diện tích 600m2 cùng khu vực nhà ni lông trồng hoa ly ly rộng 100m2, nguồn thu nhập từ trồng hoa đem lại cho gia đình ông mỗi năm 70 - 80 triệu đồng. Ông Hùng không ngừng học hỏi, chủ động tìm kiếm giống mới. Ông còn chủ động liên hệ với công ty cung ứng giống để đặt mua giống sản xuất thí điểm. Dịp tết vừa qua, ông đầu tư trồng 400 giò dạ yến thảo, thu nhập 100 - 120 triệu đồng. Ngoài ra ông còn trồng những giống hoa phù hợp với không gian nhà phố, không gian của biệt thự, homestay hay giống hoa để bàn như hoa sao băng, cây Kimoon đông, hoa chuông… cung ứng quanh năm.
Bà Trần Thị Hồng - Chủ tịch Hội Nông dân phường Cẩm Châu cho biết, địa phương có tới 60 hộ trồng hoa cây cảnh. Chỉ tính riêng quật thế, có hộ thu nhập lên tới 150 triệu đồng vào dịp tết. Chợ hoa Hội An xuân Giáp Ngọ có khoảng 300 hộ tham gia bày bán thì Cẩm Châu chiếm 2/3. Vụ hoa tết năm 2014, doanh thu từ nghề trồng hoa cây cảnh của Cẩm Châu ước đạt 3,8 tỷ đồng. “Sở dĩ có được điều đó là do sự hỗ trợ về giống mới, tập huấn kỹ thuật của ngành nông nghiệp Hội An nói riêng, của tỉnh nói chung. Và quan trọng là nông dân Cẩm Châu bên cạnh việc tích lũy kinh nghiệm họ còn là những người có khả năng tiếp cận kỹ thuật tốt, tự tìm kiếm giống mới, sản xuất thí điểm để có thành công” - bà Hồng chia sẻ.
H. LIÊN - H. YÊN