Những huyền thoại của núi

ALĂNG NGƯỚC 19/12/2014 08:48

Trở về cuộc sống đời thường sau một thời trận mạc, những anh hùng của núi rừng miền tây đất Quảng đã cùng đồng bào tận tụy góp công sức cho công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của buôn làng.

Huyền thoại vùng biên

Được biết đến với nhiều khu căn cứ địa cách mạng, vùng đất Đông Giang, Tây Giang là những địa phương có nhiều chiến công trong công cuộc đấu tranh giành độc lập ở miền núi, được nhiều người mệnh danh “vùng đất của những anh hùng”. Lưu danh trong câu chuyện của đồng bào vùng cao Đông Giang, Tây Giang là những cái tên đã đi vào “huyền thoại của núi rừng” như: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân C’lâu Nâm (thôn Pr’ning, xã Lăng), Alăng Bhuốch (thôn Aruung, xã Bha Lêê), Alăng Thị Thảo (thôn Aur, xã A Vương, huyện Tây Giang); hay Alăng Bảy (thôn Bhơ Hôồng 1, xã Sông Kôn), Arâl Đuôl (thôn Tu Ngung, xã Arooih, huyện Đông Giang)…

Chiến công của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân C’lâu Nâm (Tây Giang) năm xưa là niềm tự hào của đồng bào Cơ Tu. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Chiến công của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân C’lâu Nâm (Tây Giang) năm xưa là niềm tự hào của đồng bào Cơ Tu. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Nhắc đến C’lâu Nâm, người dân ở các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang không khỏi tự hào. Tiếng vang của người anh hùng một thời nay vẫn còn vọng mãi như hương thơm của cánh hoa pơlang giữa rừng. Trong đó, phải kể đến trận đánh vào cuối năm 1960 ở khu núi Bha Nân (thuộc thôn Alanh, xã Ma Cooih, huyện Đông Giang bây giờ). Trong trận này, ông cùng Bhnướch Ríp trực tiếp chỉ huy tiểu đội gồm 9 người đánh chặn cuộc hành quân của địch từ bến Hiên lên đồn Kà Xáh. Chỉ bằng vũ khí thô sơ nhưng ông và đồng đội đã tiêu diệt và làm bị thương hàng chục tên địch, tạo được tiếng vang lớn. Những chiến công của ông đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận qua các loại huân - huy chương, cùng nhiều bằng khen, chứng nhận. Tháng 5.2010, già C’lâu Nâm vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Cựu chiến binh Alăng Bảy đóng góp rất nhiều công sức cho việc bảo tồn văn hóa truyền thống tại địa phương. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Cựu chiến binh Alăng Bảy đóng góp rất nhiều công sức cho việc bảo tồn văn hóa truyền thống tại địa phương. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Khác với già C’lâu Nâm, ông Alăng Bhuốch được biết đến với mệnh danh “người mù huyền thoại” trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Ông Alăng Bhuốch đã có hàng nghìn ngày công đi tải đạn, cùng hàng trăm tấn lương thực, vũ khí phục vụ chiến trường, trở thành “nhân chứng sống” về tinh thần đấu tranh giành độc lập. Cảm hứng từ Alăng Bhuốch đã làm nên nhiều tác phẩm nghệ thuật độc đáo, nổi bật là bức chân dung ông do nhà văn Nguyễn Chí Trung đặt nghệ nhân làng đá Non Nước (Đà Nẵng) tạc tượng. Hay như những bức họa nổi tiếng trong tranh của họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh… Năm 2012, ông Alăng Bhuốch cũng vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Chiến công của những “huyền thoại vùng biên” vẫn còn dài thêm, trở thành những tấm gương sáng ngời về tinh thần quả cảm bám đất, giữ làng - từ những câu chuyện được kể lại của già làng Arâl Đuôl với chiến công bắn rơi máy bay trực thăng của Mỹ chỉ bằng khẩu súng trường, cho đến kỳ tích 5 lần bắn rơi máy bay địch của ông Alăng Bảy… Tất cả đã trở thành huyền thoại, lưu dấu suốt chặng đường dài lịch sử, còn vang vọng cho đến hôm nay và mai sau.

Góp sức cho văn hóa

Là một trong số 84 cá nhân vừa được Ủy ban Dân tộc Trung ương vinh danh vì có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển các dân tộc, ông Alăng Bảy không giấu được niềm vui. Ông tự hào vì cuối cùng cũng đã thực hiện được lời hứa của mình kể từ khi rời quân ngũ sau giải phóng năm 1975 trở về với cuộc sống đời thường. “Văn hóa của đồng bào mình nó phong phú, đa dạng thế, không khôi phục và gìn giữ thì tiếc lắm. Giúp con cháu giữ hồn văn hóa truyền thống là việc những người như già nên làm” - ông Bảy bộc bạch. Nhiều năm trước, khi làng văn hóa Bhờ Hôồng 1 chưa được khai thác làm du lịch cộng đồng, ông Bảy cũng đã góp sức cho việc giữ gìn bản sắc của làng. Trong những đêm hội làng, tiếng đàn, tiếng sáo của ông Bảy luôn thu hút đám thanh niên trai trẻ, để sau đó tìm đến ông xin học. Sự nhiệt tình của ông đã “thổi lửa” cho nhiều thanh niên cố gắng và duy trì được nét văn hóa truyền thống, phục vụ cho đời sống âm nhạc tại địa phương. Ông Bh’riu Nhin - Phó Bí thư Đảng ủy xã Sông Kôn (huyện Đông Giang) cho hay, địa phương đánh giá rất cao những nỗ lực của Alăng Bảy trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, nhất là việc góp sức phục vụ du lịch cộng đồng ở thôn Bhờ Hôồng 1 trong thời gian qua.

Không chỉ là người hùng của đồng bào vùng cao Tây Giang, già làng C’lâu Nâm còn là “cánh chim tring” đối với người dân bản địa. Công sức đóng góp cho việc bảo tồn và xây dựng làng truyền thống Cơ Tu tại thôn Pr’ning của già Nâm luôn được đồng bào ghi nhận. Năm 2008, ông cùng các già làng, trưởng bản Cơ Tu ở Tây Giang hình thành đội nghệ nhân điêu khắc các công trình văn hóa của huyện và góp công cho ra đời gươl chính tại khu “Làng văn hóa các dân tộc Cơ Tu Tây Giang” sau này. Còn với Alăng Bhuốch, dù không trực tiếp “cầm tay chỉ việc” cho đồng bào nhưng việc làm của ông đã giúp ích không ít cho người dân bản địa. Đó là những công trình nước tự chảy do Alăng Bhuốch nghĩ ra để phục vụ cho ruộng lúa nước, để bây giờ vùng đất Bha Lêê đã hình thành nên nhiều khu vực trồng lúa nước. Theo người dân địa phương, sáng kiến của “người mù huyền thoại” Alăng Bhuốc đã góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở vùng biên này.

Ông Bhriu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho rằng, những đóng góp của các nghệ nhân, già làng như C’lâu Nâm, Alăng Bhuốc… đã làm sống dậy công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tại địa phương. Sự đóng góp của họ cho việc bảo tồn bản sắc đã tạo được sức mạnh và sự lan tỏa lớn trong cộng đồng làng Cơ Tu. “Văn hóa của đồng bào vùng cao còn giữ được là nhờ các già làng, nghệ nhân có nhiều tâm huyết đã cùng góp sức với địa phương khôi phục trong thời gian qua” - ông Liếc nói.

ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những huyền thoại của núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO