Những hy sinh cao cả

MAI HỒNG LÂM 15/12/2016 10:06

Khi nghe hung tin chồng và ba con lần lượt hy sinh, tưởng chừng làm mẹ gục ngã. Nhưng không. Mẹ vẫn vững niềm tin sắt son vào cách mạng...

Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đoàn Thị Tiến. Ảnh: Mai Hồng Lâm
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đoàn Thị Tiến. Ảnh: Mai Hồng Lâm

Theo sự chỉ dẫn của cán bộ xã Quế Xuân 2 (Quế Sơn), chúng tôi đến thôn Phú Bình tìm về nhà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đoàn Thị Tiến. Mẹ có 6 người con thì 3 trong số đó và chồng của mẹ đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Năm nay 93 tuổi, khuôn mặt đã không còn chỗ để hằn thêm dấu vết thời gian nhưng mẹ vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Và điều đáng quý ở mẹ là sự lạc quan, tin yêu cuộc sống dẫu chiến tranh đã cướp đi 4 người thân yêu nhất của mẹ. Bên ấm chè nóng, mẹ kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời của mẹ, về sự hy sinh của chồng con và về kỷ vật của người con trai thứ hai mà mẹ nâng niu, gìn giữ đến ngày hôm nay...

Những lần tiễn con đi

Sinh ra trong một gia đình yêu nước tại vùng quê Quế Xuân giàu truyền thống cách mạng, mẹ Đoàn Thị Tiến và chồng là Nguyễn Quang Min (SN 1923) tham gia cách mạng từ rất sớm. Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhà mẹ là nơi nuôi giấu cán bộ, địa điểm tổ chức các cuộc họp bí mật của bộ đội và du kích địa phương. Mẹ còn đảm nhận nhiệm vụ vận chuyển, tiếp tế lương thực, thuốc men cho cách mạng.

Năm 1965, đế quốc Mỹ trực tiếp đưa quân vào Việt Nam tham chiến, tiến hành “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam Việt Nam. Tháng 10.1965, quân Mỹ từng bước nống ra chốt điểm, cùng với ngụy quân tiến hành quyết liệt chương trình “bình định nông thôn”... Trước tình cảnh đất nước bị bom đạn kẻ thù giày xéo, quê hương bị địch ngày đêm lùng sục, nhân dân bị bắt bớ vô cớ; theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, mẹ Tiến nuốt nước mắt vào trong lần lượt tiễn chồng con lên đường ra chiến trận. Ngày tiễn con đi, mẹ động viên các con phải luôn trung thành với lý tưởng cách mạng, vững chắc tay súng bảo vệ quê hương, đất nước. Dõi theo tin tức của từng người con, mắt mẹ luôn nhòa lệ khóc thầm hàng đêm vì thương nhớ và lo lắng.

Chiến trường ngày càng ác liệt. Ở Quảng Nam, dưới sự yểm trợ của quân Mỹ, bọn ngụy quân, ngụy quyền mở nhiều chiến dịch càn quét ra các vùng tranh chấp và vùng ta mới mở. Chúng xây dựng các khu “bình định”, đưa số ngụy tề lưu vong về hoạt động, xây dựng bộ máy kèm kẹp ở những nơi vừa kiểm soát được. Tháng 12.1967, mẹ Tiến đón nhận tin dữ đầu tiên, đó là sự hy sinh của anh Nguyễn Quang Rân (SN 1949), chiến sĩ Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Nỗi đau mất con chưa kịp lắng xuống thì hơn 3 tháng sau (tháng 3.1968), mẹ lại nhận hung tin anh Nguyễn Quang Tùng đã anh dũng hy sinh trong một trận đánh chống càn. Đau thương nối tiếp đau thương nhưng mẹ Tiến không bao giờ gục ngã, mẹ tiếp tục bám trụ, gánh vác việc gia đình cho chồng con yên tâm trận mạc. Nhưng sự tàn khốc, ác liệt của chiến tranh không để cho lòng mẹ được giây phút yên bình. Tháng 4.1969, chồng mẹ là cán bộ Nông hội xã hy sinh khi đang làm niệm vụ. Nhận tin chồng hy sinh trong khi người con trai út vừa mới chào đời (anh Nguyễn Quang Tĩnh, SN 1968). Có nỗi đau nào hơn nỗi đau của người mẹ mất con, người vợ mất chồng trong 3 năm liên tiếp... Và nỗi đau của mẹ như dâng đến tột cùng, nước mắt mẹ dường như không còn để khóc thương con khi người con trai đầu là anh Nguyễn Quang Trung cũng đã ngã xuống cho quê hương, đất nước vào ngày 2.6.1972.

Chiếc khăn tay hẹn ước

Khi chúng tôi dọ hỏi mẹ Tiến về những kỷ vật của chồng con để lại, mẹ lặng lẽ đến trước bàn thờ thắp nén hương rồi cẩn trọng lấy xuống một chiếc khăn tay cũ được bọc cẩn thận trong tấm ny lon. “Đây là kỷ vật duy nhất của thằng Tùng (liệt sĩ Nguyễn Quang Tùng - NV) mà mẹ còn giữ đến ngày hôm nay. Đã gần 50 năm rồi...”. Nói đến đây mắt mẹ rưng rưng, giọng nghẹn ngào đứt quãng.

Chiếc khăn tay chiến sĩ Nguyễn Quang Tùng thêu tặng người yêu trước khi ra trận.
Chiếc khăn tay chiến sĩ Nguyễn Quang Tùng thêu tặng người yêu trước khi ra trận.

Theo lời mẹ Tiến, liệt sĩ Nguyễn Quang Tùng (SN1946) lúc nhỏ rất lanh lợi, siêng năng, thường giúp mẹ việc nhà cửa, đồng áng. Năm 1964, khi vừa tròn 18 tuổi, tiếp bước cha anh, Tùng xung phong vào du kích địa phương. Là một chiến sĩ gan dạ, kiên cường, Tùng đã cùng với đồng đội ngày đêm bám đất, bám làng tham gia nhiều trận đánh lớn nhỏ chống địch càn quét, lùng sục, bắt bớ. Tuy chiến tranh ác liệt, sự sống và cái chết rất mong manh nhưng không vì thế mà không có chỗ cho tình yêu nảy nở. Trong mưa bom, lửa đạn tình yêu của chàng trai Nguyễn Quang Tùng và cô gái cùng xã vẫn đồng hành với anh nơi chiến trận.

Thế nhưng những năm tháng đất nước chìm trong khói lửa đã có biết bao mối tình chìm trong ly tán, dở dang. Và mối tình, lời hẹn ước của chàng trai trẻ Nguyễn Quang Tùng cùng người yêu mãi mãi không có hồi kết, bởi anh đã hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968... Trước khi cùng đồng đội bước vào trận chiến khốc liệt một mất một còn, Nguyễn Quang Tùng đã tự tay thêu chiếc khăn tay tặng người yêu như một lời hẹn ước, một niềm tin chiến thắng trở về. Ngày chia ly, họ trao nhau chiếc khăn tay với lời hẹn ước rằng mùa xuân năm sau (tức xuân Kỷ Dậu 1969) sẽ thành vợ thành chồng... Chia tay trong nước mắt hy vọng, cô gái tiễn anh ra trận và hứa sẽ giữ gìn chiếc khăn minh chứng cho tình yêu chung thủy. Tình yêu thời chiến thật đẹp, thật vĩ đại bởi cả anh và người yêu đều gạt bỏ những hạnh phúc riêng tư để một lòng cống hiến cho Tổ quốc, vì tương lai tươi đẹp ngày mai. Nhưng chàng trai trẻ Nguyễn Quang Tùng - Xã đội phó xã Quế Xuân đã ra đi mãi mãi, để lại niềm đau xót, tiếc thương cho người mẹ già; để lại mối tình đầu trong sáng và lời hẹn ước dở dang. Anh đã dũng cảm hy sinh khi tuổi đời vừa mới 22...

Nhận được tin anh Nguyễn Quang Tùng hy sinh, cô gái như chết lặng ôm chiếc khăn vào lòng bao đêm khóc thầm thương nhớ. Chiếc khăn tay màu trắng của người yêu tặng trước lúc ra trận thấm đẫm nước mắt đau thương, chia lìa đôi lứa... Chôn chặt mối tình đầu tươi đẹp vào lòng, cô gái đã trân quý giữ gìn chiếc khăn tay hẹn ước và những kỷ niệm ngọt ngào. Mãi đến năm 1975, khi nước nhà hoàn toàn thống nhất, quê hương sạch bóng quân thù, cô gái mới tìm đến nhà người yêu kể cho mẹ Tiến nghe về chuyện tình và lời hẹn ước dang dở giữa cô và anh Nguyễn Quang Tùng. Đồng thời cô cũng trao lại cho gia đình chiếc khăn tay hẹn ước mà bấy lâu luôn cất giữ bên mình để gia đình làm kỷ niệm...

Đã trải qua gần 50 năm, chiếc khăn tay của chiến sĩ Nguyễn Quang Tùng thêu tặng người yêu trước lúc ra trận đã nhuốm màu thời gian nhưng vẫn còn nguyên vẹn do được mẹ Tiến giữ gìn cẩn thận. Chiếc khăn thêu nhánh mai vàng nở rộ, đôi bướm đang chập chờn bên bông hoa đỏ và đặc biệt là chữ “Xuân Kỷ Dậu” được thêu khá cầu kỳ. Khi nhìn vào chiếc khăn thêu này chúng ta có thể cảm nhận được lời hẹn ước chân thành, một niềm tin tất thắng của chàng trai Nguyễn Quang Tùng: “...Anh hẹn em mùa xuân năm sau - Xuân Kỷ Dậu (1969) - khi quê hương không còn tiếng súng, khi mai vàng khoe sắc, anh và em sẽ nên vợ nên chồng như đôi bướm kia suốt đời quấn quýt bên nhau...”.

Tiếc rằng, ước nguyện của người lính về mùa xuân ấy đã ra đi mãi mãi...!

MAI HỒNG LÂM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những hy sinh cao cả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO