Những hy sinh thầm lặng

MAI XUÂN HƯƠNG 10/08/2013 08:36

Cách đây 45 năm, ngày 27.12.1968 lính Mỹ và lính đánh thuê Nam Triều Tiên càn quét đánh phá vùng giải phóng tại chân đồi Bà Đen, thôn Đông Nam xã Phú Thọ, huyện Quế Sơn. Chúng thảm sát 21 người dân vô tội gồm 10 gia đình. Đau lòng thay, những người bị thảm sát đều là người già, phụ nữ và trẻ em. Trong đó có cháu Phan Thị Chánh chưa đầy 3 tháng tuổi, khi chết vẫn còn ôm vú mẹ là bà Trần Thị Kiềm. Họ - những nạn nhân của chiến tranh - bị giặc bắn giết dã man chỉ vì lý do: trụ bám, theo cộng sản, không chịu vào khu dồn của chúng lập ra tại An Xuân, xã Phú Thọ. Những gia đình này kiên quyết “một tấc không đi” để tỏ lòng hiếu trung với nước với làng. Họ vẫn mỉm cười khi đói cơm khát mắm, cho dù thịt nát xương tan vẫn không sờn lòng nản chí.

Lễ khánh thành Bia chứng tích 21 người dân vô tội ở thôn Đông Nam bị lính Mỹ và lính đánh thuê Nam Triều Tiên thảm sát vào ngày 27.12.1968.
Lễ khánh thành Bia chứng tích 21 người dân vô tội ở thôn Đông Nam bị lính Mỹ và lính đánh thuê Nam Triều Tiên thảm sát vào ngày 27.12.1968.

Những năm 1968-1970, đỉnh điểm của cuộc chiến, nơi đây và cả vùng thung lũng Quế Sơn, quân Mỹ ngụy càn quét, bắn giết. Chúng thực hiện “3 sạch”: đốt sạch - giết sạch - phá sạch. Bà con làng Đông Nam thề với nhau rằng: “Một tấc không đi, một li không rời”, “Nhà tan cửa nát cũng ừ/Đánh thắng giặc Mỹ, cực chừ sướng sau”…

Giai đoạn chiến tranh ác liệt ấy, bọn giặc tiến hành chiến dịch bình định cấp tốc, lùa bắt dân vào khu dồn và cấp nhà, cấp tiền, gạo... Thế mà dân Phú Thọ vẫn trung kiên bám trụ ở những vùng tranh chấp, dù năm lần bảy lượt họ bị lùa vào khu dồn An Xuân. Sáng bị lùa vào, chiều họ lại trở về nhà. Nhưng đâu có nhà, chỉ những căn hầm tạm bợ, che vài tấm tranh rách. Ngày ấy, chỉ còn lại nơi đây mấy cái hầm dưới những lũy tre trong làng quê xơ xác, đói đau, bom đạn bời bời, áo quần che thân vá chằng vá đụp, rồi những cơn sốt rét hoành hành... Thế mà họ vẫn kiên cường trụ bám với cách mạng, với tình yêu quê hương. Thương mấy du kích, cán bộ của xã không còn nơi đi chốn về, trong khi đó, Mỹ càn - Mỹ lết - ngụy phục kích, nếu không có người ở lại đưa tin, những cán bộ và du kích kia sẽ là “miếng mồi” cho kẻ địch. Chính những người trụ bám là phụ nữ và trẻ em trở những “lính trinh sát” đầy gan dạ và quả cảm. Họ canh địch, cung cấp thông tin cho cán bộ, du kích mà chẳng bao giờ nghĩ ai trả công cho mình, chẳng bao giờ so bì tính toán thiệt hơn dẫu cái chết cận kề trong gang tấc. Có người chưa hiểu thiếu nhi 5 - 7 tuổi thì đã làm gì được cho cách mạng. Xin thưa, đôi khi chỉ một tiếng kêu của các em: “Chú ơi! Mỹ phục ở bìa làng”, thế là đã cứu được cả chục người thoát hiểm. Công là vậy đó. Có thể không ai giao nhiệm vụ, nhưng chính từ tình yêu thương con người, tình yêu quê hương, các em đã trở thành người yêu nước. Thực tế chiến tranh ở miền Nam này là thế đó!

Cách đây vài năm, tôi đã đến gặp các đồng chí nguyên lãnh đạo của xã Phú Thọ như anh Nguyễn Ngọc Tuấn, anh Xuân, anh Phú Phẩm, chị lệ Hồng… để lấy thông tin sưu tầm tư liệu về đề tài chiến tranh cách mạng. Các anh, các chị chia sẻ điều nung nấu cũng là trăn trở của mình đối với nhân dân: Chiến tranh, đau thương, làng quê ghi nhiều dấu tích, những chiến công thầm lặng, những con người gang thép... Tất cả mong được ghi lại để vừa là tri ân những người đã khuất, đồng thời lưu giữ, giáo dục cho thế hệ mai sau tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng quê hương.

Đảng bộ và nhân dân xã Phú Thọ vừa phối hợp cùng Cơ quan Quân sự huyện Quế Sơn tổ chức khánh thành Bia chứng tích 21 người dân vô tội ở thôn Đông Nam bị lính Mỹ và lính đánh thuê Nam Triều Tiên thảm sát vào ngày 27.12.1968. Tấm bia được làm bằng đá cao 1m, rộng 0,5m, tổng kinh phí xây dựng 30 triệu đồng do Đảng bộ và nhân dân xã Phú Thọ tổ chức quyên góp.(L.V)

Với bao tấm lòng thiết tha ấy, tôi càng tâm huyết hơn, động viên mọi người sưu tầm các di tích, chiến tích của một thời bom đạn. Đảng ủy Phú Thọ đã tích cực phát động sưu tầm tư liệu một thời oanh liệt. Tôi có làm việc với Bí thư Chi bộ và các Trưởng - Phó thôn Đông Nam, gặp bà Phan Thị Nha và một số người dân trụ bám, đa số có nguyện vọng cần xây dựng nơi đây một bia chứng tích tưởng nhớ các nạn nhân xấu số. Bà Nha cho biết sẵn sàng hiến đất dựng bia tưởng niệm các nạn nhân. Tuy tuổi đã ngoài 80 nhưng bà Nha vẫn còn minh mẫn. Bà kể chuyện ngày xưa: “Sáng hôm ấy (ngày 27.12.1968), bọn Mỹ vào làng lôi hết già, trẻ tập trung lại rồi xả súng bắn. Khi bọn Mỹ rút đi, tôi ở làng trên về thấy cảnh rùng rợn đau thương. Ngay lũy tre, bên căn hầm trú ẩn, 13 nạn nhân máu me lai láng. Xung quanh vườn, người chết chồng lên nhau. Nhiều đứa trẻ chết trong tư thế ôm mẹ, ôm chị, ôm em. Lúc ấy chẳng biết kêu ai, vài người dân xóm bên còn trụ bám sang chôn cất. Tội nghiệp cho họ, chết không áo quan, chẳng có hương đèn. Mỗi lần nghĩ đến, lòng tôi se lại, thấy như có lỗi với người đã khuất”.

Những năm chiến tranh, tôi đã từng nghe về truyền thống trụ bám đánh giặc của nhân dân Phú Thọ. Nơi đây là vùng lõm, chung quanh là đồn địch. Cán bộ, du kích ngày đêm quần lộn với địch, dân làng cũng là những cộng sự đắc lực dù phải chịu đói rét khó khăn. Ngày đêm sống dưới tầm bom đạn mà họ vẫn hiên ngang, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Vì đất, vì người, vì quê hương, người dân trụ bám sẵn sàng hy sinh trước họng súng quân thù.

Những hy sinh thầm lặng đó cần được thế hệ hôm nay trân trọng và tri ân.  Và rồi sau hơn 40 năm trong âm thầm lặng lẽ, bia chứng tích đã được các tổ chức, cá nhân chung tay góp sức dựng nên. Bia chứng tích tưởng niệm những nạn nhân xấu số vô tội được dựng lên với tinh thần nhân ái, tình đồng chí nghĩa đồng bào, tính nhân văn cao cả của các tập thể, cá nhân đã đem lại hơi ấm cho các nạn nhân. Đây cũng là trách nhiệm đối với những người dân trụ bám trong kháng chiến, những người đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp cách mạng.

Với cá nhân tôi, lòng vẫn còn day dứt. Trong những người bị Mỹ sát hại ấy, có bao nhiêu người cần được thẩm tra xác minh để truy tặng các danh hiệu, để thân nhân được hưởng chế độ theo quy định Nhà nước. Đây là vấn đề Đảng ủy, UBND và các đồng chí nguyên là lãnh đạo xã Phú Thọ cần quan tâm để không bị thiệt thòi cho những người có công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Xin mượn lời bài hát “Tiếng gọi từ trái tim” để thay lời kết: “Có đất nước nào như nước mình không/ Trong từng tấc đất nỗi đau âm thầm/ Trong mỗi gia đình tìm kiếm người thân/ Có đất nước nào như nước mình không…”.

MAI XUÂN HƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những hy sinh thầm lặng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO