Ở Hội An có hai ngôi từ đường rất nổi tiếng của tộc Nguyễn Tường thuộc nhánh nhất và nhánh nhì. Tại ngôi từ đường thứ hai, có rất nhiều thông tin thú vị về tộc họ danh giá này.
Ngôi từ đường nhánh nhì tộc Nguyễn Tường
Nguyễn Tường là tộc họ danh giá ở Hội An. Người khai sinh ra tộc này tại đây là cụ Nguyễn Tường Vân, quê gốc ở huyện Tống Sơn, Thanh Hóa. Năm 1803, cụ được cử làm Cai bạ Quảng Nam và đã chọn làng Cẩm Phô là quê hương thứ hai của mình. Cụ Nguyễn Tường Vân có ba người con trai là Phó bảng Nguyễn Tường Vĩnh (đỗ năm 1838, từng làm Tuần phủ Định Tường), Nguyễn Tường Khuôn (rể của tướng quân Tổng trấn Bắc Thành Lê Chất - một cận thần của Gia Long) và Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ (đỗ khoa 1841, từng làm Đốc học Hải Dương).
Sau vụ án oan của Lê Chất, Nguyễn Tường Khuôn “biệt vô âm tín”. Nguyễn Tường Vĩnh thuộc nhánh nhất - liên quan đến ngôi từ đường nổi tiếng tại số 6/8 Nguyễn Thị Minh Khai - di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, một điểm du lịch của Hội An. Còn Nguyễn Tường Phổ trở thành nhánh nhì, có liên quan đến ngôi từ đường ít được người biết (số 33 Lê Quý Đôn) mà chúng tôi sắp đề cập.
Ngôi từ đường 33 Lê Quý Đôn vốn là nhà ở của Nguyễn Tường Phổ từ năm 1841. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân thì: “Nguyễn Tường Phổ xưa kia được phong tiết Việt, sinh sống ở đâu là có thể nhận lãnh năm mẫu đất ở vùng đó”.
Đến năm 1937, nhà bị đổ nát đã được gia tộc trùng tu. Trong lần trùng tu này ngôi nhà được xây dựng thành từ đường nhánh nhì của tộc Nguyễn Tường và đặc biệt có sự vận động, đóng góp công sức rất lớn của một người cháu dâu của dòng tộc, gọi cụ Nguyễn Tường Phổ bằng cụ cố là bà Phạm Thị Nguyên - vợ của nhà văn Nhất Linh.
Năm 1973, nhà văn Nguyễn Văn Xuân đến thăm ngôi từ đường và có nhiều thông tin bổ ích, lý thú về Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ cùng những hậu duệ của cụ trong bài “Đầu năm viếng nhà thờ Nguyễn Tường” đăng trên Tạp chí Bách khoa số 389, tháng 2.1973.
Hiện nay ngôi từ đường là một ngôi nhà cổ “gồm nhà chính và đông đường, tây đường. Nhà chính có kiểu thức nhà 3 gian 2 chái, hệ khung chịu lực (cột, kèo, xiên, trính) bằng gỗ kiền kiền, tường bao che xây gạch, nền lát gạch đất nung, mái lợp ngói âm dương. Mỗi mảng tường ở hiên trang trí đồ án phật thủ”. Toàn bộ ngôi từ đường nằm trên một khuôn viên rộng hơn 4.000m2 với rất nhiều cây xanh tại khối phố Tu Lễ phường Cẩm Phô.
Tại từ đường còn lưu giữ nhiều hiện vật giá trị như tập Thứ Trai thi tập và nhiều tác phẩm khác của Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ, biển Tiến sĩ “Ân tứ vinh quy” của vua Thiệu Trị ban cho Nguyễn Tường Phổ năm 1841, gia phả, sắc phong, hệ thống hoành phi liễn đối. Đặc biệt tại đây có gian thờ các nhân vật của nhóm Tự lực văn đoàn cũng như nhiều tư liệu, hình ảnh liên quan đến văn đoàn nổi tiếng này.
Năm 2019, từ đường phái nhì của tộc Nguyễn Tường đã được TP.Hội An đưa vào danh mục các di tích văn hóa - lịch sử của thành phố.
Sự nổi tiếng của một dòng tộc
Tộc Nguyễn Tường nổi tiếng vì nhiều lý do. Cụ Nguyễn Tường Vân là người văn võ song toàn, một đại thần của triều Nguyễn, từng giữ chức Thượng thư Bộ Binh, người luôn được Gia Long kính nể. Hai người con của cụ là những đại khoa cùng đỗ ở hai khoa liên tiếp 1838, 1841, em lại đỗ cao hơn anh - một sự kiện đặc biệt của xã hội ta vào thời hoàng kim của khoa cử. Nguyễn Tường Phổ lại là người rất hay chữ và nổi tiếng.
Phan Thanh Giản, một đại thần, vị khai khoa tiến sĩ của đất Nam Kỳ đã viết về ông: “Ông là người thông minh, khẳng khái, có chí hiếu học. Ngoài việc thông thạo kinh sử ông còn học theo binh nghiệp, luyện kiếm, rồi học thêm các loại cầm phổ, không thứ gì mà không biết vậy… Trong thời gian tại chức ông nổi tiếng là người liêm khiết, luôn tận tâm với công việc dân tình… Phàm những việc gì có lợi cho dân ông đều tận tâm thực hiện… Phàm hễ có việc tranh tụng ông thường lấy lễ nghĩa, tình thân ái mà phân xử khiến cho những người kiện tụng cũng vui vẻ thỏa lòng…” (Quản Thúc truyện).
Nguyễn Tường Phổ là tác giả của bài trào phúng nổi tiếng:
“Ra chùa uống rượu, ăn thịt vịt,
Bẻ mãi không có, ngồi gốc mít,
Ngó quanh, ngó quất không thấy ai
Địt”.
Ông cũng là chủ nhân của giai thoại từ chức lạ đời bằng một bài thơ treo trên phủ đường rồi khăn gói về quê:
“Báo đói e bộ quở,
Tâu dịch sợ vua rầu,
Giống quan như thế ấy,
Chở biết mấy ghe bầu”.
Ngoài ra còn do sự nổi tiếng của lớp hậu duệ. Nguyễn Tường Tiếp con trai đầu của Nguyễn Tường Phổ được Phạm Phú Thứ tiến cử lên vua Tự Đức và được nhà vua bổ nhiệm làm Tri huyện Thủy Nguyên, Hải Dương (nay thuộc Hải Phòng). Ông đã chọn Cẩm Giàng - Hải Dương làm cư sở của mình. Sự nghiệp văn chương của Nguyễn Tường Tiếp không đồ sộ như thân phụ nhưng chỉ với một câu đối tặng Phạm Phú Thứ thôi cũng được tộc Phạm xem là “bảo vật” treo ở vị trí trang trọng nhất trong từ đường của họ. Câu đối có nội dung:
“Huệ chánh kỳ huân, Lục Đầu giang đông hạ thiên vạn lý.
Hùng văn lại bút, Ngũ Hành sơn nam trung đệ nhất phong”.
Bồ Nam dịch:
“Ân huệ hy kỳ, nghìn muôn dặm lúa xanh liêu đông Lục Đầu thủy
Văn chương hùng hậu, một hòn non cao ngất phía nam Ngũ Hành sơn”.
Nói về câu đối này nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân đã viết: “Đọc qua hai câu đối ấy, tôi chắc ai cũng đã thấy khái quát văn tài của Nguyễn Tường Tiếp ra sao. Ông khen Phạm Phú Thứ “hùng văn lại bút”, nhưng chính văn của ông cũng thật là thứ “lại bút hùng văn” (bài đã dẫn).
Nguyễn Tường Tiếp là cha của Nguyễn Tường Nhu (còn gọi là phán Nhu) và là ông nội của các nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, những cây bút chủ lực của nhóm Tự lực văn đoàn.
Những thông tin về hai ngôi từ đường tộc Nguyễn Tường (nhất là ngôi từ đường phái nhì) ở Hội An và việc các con của Nhất Linh đã đưa tro cốt của cha mẹ mình về chôn ở Nghĩa trang Hội An đã “giải oan” cho những nhà nghiên cứu người Quảng như Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Q. Thắng… khi họ viết Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam là dân Quảng Nam. Đấy chắc chắn không phải là “thấy sang bắt quàng làm họ” như một số người vì thiếu thông tin mà ngộ nhận. Khi nói anh em Nhất Linh là người Quảng hoàn toàn có căn cứ.
Nguyễn Văn Xuân trong bài đã dẫn cho biết ông Nguyễn Tường Mai - người gọi Nhất Linh bằng chú (sống ở ngôi từ đường vào năm 1973) đã “khẳng định” Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam là những người Quảng Nam “chính gốc” khi kể lại việc nhà văn Hoàng Đạo có về Hội An (khi làm tham tá ở Đà Nẵng) đã cúng cho Văn thánh Điện Bàn một bức hoành phi và năm 1936 Nhất Linh được dân làng Cẩm Phô cử làm Tiên chỉ của làng. Có được sự kiện trên vì “các chú tôi luôn là người có hộ tịch ở Cẩm Phô. Đối với Cẩm Giàng (Hải Dương) các ông chỉ là dân ngụ cư” - ông Mai khẳng định!