Hơn 30 năm làm thơ, đến bây giờ Lê Trường Long mới in tập thơ riêng đầu tay với cái tên đầy hoài niệm: “Khoảng trời ký ức”(*). Tập thơ gồm 56 bài, có cả thơ 5 chữ, thơ 7 chữ, thơ lục bát, lục bát biến thể và thơ tự do; có những bài được viết cách đây 30 năm, có bài mới được viết trước ngày ra sách chỉ non nửa tháng...
Dù vậy, những bài thơ ở đây lại gần như chung một mạch cảm xúc và tỏ ra rất khớp giọng với tên tập thơ: tiếc nhớ, day dứt, đau đáu với những tìm về xa xôi. “Anh trở lại có ai đâu mà đợi/ ai dìu ai bên lở bên bồi/ khi chợt tỉnh thấy mình bên sông vắng/ đò đã sang sông/ còn mãi gọi đò ơi!!!” (Gọi đò).
Chọn lối về hoài niệm, thơ Lê Trường Long trong tập thơ này khá hiền lành, chân phác nhưng vẫn đủ để tạo nên những khoảnh khắc nao lòng, thao thiết. Đó là những cuộc tìm về với mái nhà xưa của mẹ, để thảng thốt nhận ra khoảng trống mênh mông vì “đâu còn nghe tiếng gọi/ Mẹ ơi!...” (Qua đầu ngõ). Đâu đó còn là nỗi quạnh vắng, cô đơn “Có gì đâu ngày trở lại thu sang/ bao gương mặt đậm dần trong nỗi nhớ/ lời ai hát vọng về người ở.../ bóng ngả dài xiêu vẹo chỉ riêng anh” (Ngày trở về), đột hiện đến bàng hoàng sau những cuộc tìm về với hội ngộ sum vầy bầu bạn. Và rồi, để thấy mình đang già đi, xưa cũ: “Nửa vầng trăng/ lặng lẽ trôi/ tiếng chim/ gọi bạn.../ lưng trời biếc xanh/ tay ai níu gió đầu cành/ người đi/ mái tóc đang xanh ngả màu” (Nửa vầng trăng).
Với tình yêu nam nữ, Lê Trường Long có nhiều ký ức đẹp, ánh lên trong những câu thơ nhiều nỗi niềm. Đó là một tình yêu đầu đời đã mất nhưng đầy dư vang: “Em đi/ gió cũng sang ngang/ có người lặng đứng bìa làng/ ngẩn ngơ...” (Bìa làng). Người thơ đã khéo chọn “bìa làng” để đứng “ngẩn ngơ”, để thấy mình tan loãng... Đó là cuộc chia tay sắc ngọt, dứt khoát mà cứ nghe “Dùng dằng ngọn gió”: “Bao lời dịu ngọt/ Rót đầy cho nhau/ Lá rơi dựng đứng/ Giữa chiều chia tay”. “Lá rơi dựng đứng” là một tứ thơ có tính tạo hình khá độc đáo, sắc và hay trong ngữ cảnh này.
_____________
(*) Tập thơ của Lê Trường Long, NXB Văn học, tháng 9.2016.
BẢO ANH