Những "khoảnh khắc da cam"

PHẠM THÔNG 11/09/2014 08:56

Giữa mùa khô năm 1966 - 1967, Trường Sư phạm Trung cấp miền Trung Trung Bộ đứng chân tại một vùng rừng già thuộc xã Ba Lương, Ba Tơ cách thôn Thanh Sơn, xã Phổ Cường, Đức Phổ (cùng thuộc tỉnh Quảng Ngãi) một con dốc độ chừng vài giờ đi bộ. Một hôm tôi đang ngồi viết trên bản đá lito, chuẩn bị cho việc xuất bản sách giáo khoa trong thời chiến, bỗng nghe tiếng máy bay Đa-cô-ta quần đảo. Thời ấy chúng tôi chỉ cần nghe tiếng động cơ là có thể nhận biết và phân loại máy bay rất nhanh. Nghe tiếng u... u…, rè… rè… là biết ngay máy bay Đa-cô-ta. Đây là loại máy bay vận tải, bay thấp, nhưng hôm nay sao lại xuất hiện giữa vùng chiến khu này? Cảm nhận có chuyện lạ, tôi chạy ra khỏi lán trại coi thử.
Ba chiếc máy bay sắp hàng ngang rầm rì vụt qua đầu. Một làn sương khói dày đặc phủ xuống các tán cây, bốc mùi nồng nồng khó chịu. Đang ngớ người không biết mấy chiếc máy bay đó xịt thứ chi xuống, đột nhiên nghe mấy thầy tập kết miền Bắc về hô lớn: “Máy bay rải chất độc hóa học”. Tôi thầm cười: “Mấy cụ ni làm chi mà la toáng lên vậy, bom nổ trên đầu còn chẳng sợ, sá chi mấy giọt sương hóa học ni, chẳng qua như thuốc diệt muỗi DDT của Mỹ phun để diệt trừ sốt rét, hồi ở nhà mình thấy họ đi phun hoài...”. Tôi định chạy vào nhà thì những giọt sương độc ấy đã trượt lá rơi xuống ướt vai, ướt áo. Tiếp đến là lá cây bắt đầu rơi rụng. Sau hơn vài tiếng đồng hồ lá rụng kín mặt đất. Mấy thầy lại giục: “Chúng nó rải chất phát quang rồi, nhanh chóng di dời cơ quan. Lá cây rụng hết, máy bay trinh thám đến sẽ phát hiện ra chúng ta”. Chúng tôi được lệnh thủ trưởng gùi cõng lương thực, tư trang đến dựng lán trại ở một khu rừng khác để chuẩn bị đón giáo sinh cho một khóa học mới.

Hai ngày sau, chúng tôi về lại địa điểm cũ nhổ sắn mang tới địa điểm mới để ăn. Chao ôi, cả rẫy sắn rụng không còn một cái lá, chuối trồng chung quanh rẫy ngã liệt hết trọi, cải tàu bay cũng ngã rạp sát đất. Tất cả đều hoang tàn. Đại ngàn Trương Sơn như có bàn tay khổng lồ nào đó tuốt sạch lá, những cây cổ thụ đứng trơ mình, không chút màu xanh.

Sau mươi ngày nửa tháng, cái đói đã bày ra trước mắt. Các rẫy lúa đều lụi tàn, lép xẹp; củ sắn biến dạng, tinh bột rút đi đâu hết, trong veo, sượng trân không ăn được; rau rừng, chuối cây cũng đều lụi tàn. Chất phát quang đã diệt sạch sành sanh sự sống của hầu hết loài thực vật, tiệt nguồn sống của con người và cả động vật. Bộ đội, cán bộ cách mạng đói vàng cả mắt, nhưng không đến nỗi phải chết đói vì có lương thực dự trữ ở các đơn vị hậu cần. Chỉ tội đồng bào dân tộc H’re ở các nóc xung quanh hết mùa là hết gạo, giờ không còn sắn, không còn rau, vớ được thứ gì của rừng là họ nhào xuống đồng bằng đổi gạo, bị Mỹ lết phục kích giết hại khá nhiều.

Trong hai năm 1966 - 1967, Mỹ rải chất độc hóa học ở nhiều xã: Ba Điền, Ba Động, Ba Nhà, Ba Trang, Ba Lương... gây ra cảnh đói kém thê lương, nhưng đồng bào dân tộc H’re vẫn bám trụ núi rừng, theo cách mạng đến cùng. Thanh niên ở các làng quanh khu vực trường đóng chân, ban ngày đi tìm cái ăn cho gia đình, tối đến lần dò tới trường để nhờ học chữ. Họ vẫn nuôi trong lòng hy vọng cuộc sống tốt hơn ở ngày mai. Họ gọi cái chữ của người Kinh, người cách mạng dạy cho họ là “cái chữ Bác Hồ”.

Cuối năm 1967, tôi về lại Trà My,  tình hình ở ngoài này cũng chẳng khá hơn. Cuối năm 1967 đầu năm 1968, cơ quan Khu ủy dời từ Trà My ra Nam Giang, Quảng Đà, lần thứ 2 tôi lại chịu trận trực tiếp hứng chất độc của Mỹ ở vùng núi làng Rô. Còn nhớ, cuối năm 1968 tôi cùng một số anh em của đơn vị C.9 (Nhà in Báo Cờ giải phóng) đang đi giữa rừng già xã Giáp (Trà Ka, Bắc Trà My hiện nay) thì cũng chính những chiếc Đa-cô-ta ập tới rải chất độc hóa học ngay trên đầu. Lúc ấy chúng tôi đã có kinh nghiệm, lấy ny lon hoặc tấm đắp bằng chéo dù ra phủ lên người để bớt hít trực tiếp chất độc vào người. Rồi vào năm 1970, lúc này tôi ở cơ quan Ban Giáo dục Khu 5 đóng ở xã Íp, gần nóc ông Tá (Trà Dơn, Nam Trà My hiện nay), một lần nữa nằm trực tiếp dưới làn sương chất độc hóa học.

Trong chống Mỹ, chúng tôi là nhân viên của cơ quan thuộc Khu ủy 5 nên thường đi khắp các vùng núi từ huyện Hiên vào tới Ba Tơ (Quảng Ngãi), An Lão (Bình Định). Đến đâu chúng tôi cũng thấy những cánh rừng già chết đứng vì chất độc hóa học. Ngày ấy các làng của đồng bào dân tộc đều dựng sâu trong rừng già. Khi chất độc rải trúng làng, cây đại thụ chết khô, họ bỏ nơi cũ dời đi nơi mới. Bãi làng cũ vì cây chết, ánh mặt trời chiếu trực tiếp xuống đất kích thích các hạt giống do dân làng làm rơi vãi nảy mầm mọc lên nào là ớt, cà, mướp..., chúng tôi hành quân ngang qua thường dừng lại tìm, mót, hái để cải thiện bữa ăn trên đường. Không có cách nào khác, chúng tôi phải sống trực tiếp trong vùng ảnh hưởng chất độc, hít vào người chất độc, uống nước, ăn lá, ăn củ còn sót lại trong vùng chất độc, nhưng chúng tôi không hề nghĩ, không hề biết tới về sức khỏe của mình trong những năm sau này. Mà có biết thì chúng tôi cũng không sợ, vì cái chết rất nhanh do bom đạn luôn hiện hữu trước mặt, thời giờ đâu mà dành cho chuyện của cá nhân mình trong vài ba mươi năm tới.

Bây giờ chiến tranh đã lùi sâu vào quá khứ. Vợ chồng tôi đều là cán bộ thoát ly tham gia kháng chiến, ở Trường Sơn trong những năm cao điểm Mỹ trút chất độc xuống rừng núi phía tây Quảng Nam, Quảng Ngãi. Sau này biết được tác hại lâu dài của chất độc hóa học phát quang, trong đó có chất độc dioxin, vợ tôi thường lo lắng đến số phận của thế hệ con cháu mình. Vợ tôi nói với tôi rằng: “Sinh đứa con nào em cũng nhìn thật kỹ, rờ hết chân tay em mới yên tâm”. Còn tôi thì vốn vô tư, đến khi nghe vợ nói mới giật mình. May rằng đến bây giờ con cháu tôi vẫn “an toàn”. Đó là cái phước của riêng tôi, còn biết bao gia đình của đồng đội, đồng bào bị ảnh hưởng trực tiếp chất độc hóa học đã gánh chịu những hậu quả, di chứng vô cùng thương tâm.

Thiết nghĩ, bằng những phương tiện kỹ thuật hiện đại của Mỹ được lắp đặt trên máy bay do thám thường xuyên có mặt ở Trường Sơn thời ấy, họ sẽ chụp, sẽ ghi được đầy đủ hình ảnh những vùng rừng núi bị tàn phá bởi chất độc hóa học. Chắc chắn rằng, hiện nay nước Mỹ, người Mỹ vẫn còn lưu lại hồ sơ, tài liệu, hình ảnh của những cánh rừng, những vùng bị họ cho rải chất độc hóa học. Họ là những người biết rõ nhất địa điểm, quy mô, từng loại chất độc rải xuống ở từng vùng và tác hại lâu dài của nó. Họ phải có trách nhiệm với vấn đề lịch sử mang tầm nhân loại này!

PHẠM THÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những "khoảnh khắc da cam"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO