Chia sẻ của 3 tác giả có tên trong đề mục giải A của loại hình văn học, điêu khắc và văn nghệ dân gian.
Nhà văn Nguyễn Tam Mỹ: 25 năm đi tìm tư liệu
Nhà văn Nguyễn Tam Mỹ chia sẻ, tác phẩm “Máu và tội ác” – giải A của loại hình Văn học trong Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ II, là một “cơ duyên” của anh với những con số 5. Từ năm 1985, khi còn là phóng viên của Đài Truyền thanh truyền hình Tiên Phước, anh đã bắt đầu cho những chuyến đi gom nhặt, tìm kiếm tư liệu về những tội ác dã man trong chiến tranh của thời kỳ Mỹ - Diệm. 25 năm sau, năm 2010, anh bắt tay vào viết, và hoàn thành trong 5 tháng. Sau đó, anh gửi đến Nhà xuất bản Văn học, tác phẩm bị “ngâm” trong vòng 5 tháng mới được in. “Máu và tội ác” phát hành đúng vào dịp kỷ niệm 55 năm vụ thảm sát Sơn - Cẩm - Hà, cũng là bối cảnh chính xuyên suốt tác phẩm của anh. Năm 2015, một lần nữa “Máu và tội ác” được vinh danh là một tiểu thuyết văn học hiện thực với những khốc liệt, đau thương mà người dân Quảng Nam từng gánh chịu. Nhà văn Nguyễn Tam Mỹ tâm sự, khi tác phẩm hoàn thành, anh vẫn chưa trở về trạng thái sống bình thường, khi luôn bị ám ảnh về hành động tội ác của các nhân vật phản diện. “Xét cho cùng, nhân vật sống sót trở về trong tác phẩm của tôi cũng chỉ là công cụ của quyền lực. Họ đầu tiên là những người dân hiền lành, với bản tính thiện. Nên kết truyện, tôi chọn con đường nhân văn” - anh nói.
Một tác phẩm trong bộ ảnh “Hội An với con người” của Dương Phú Tâm - tác phẩm đoạt giải khuyến khích. |
Nhà điêu khắc Nguyễn Văn Huy: Dựng lại bản ngã con người
Nguyễn Văn Huy là một cái tên khá quen thuộc với giới nghệ thuật xứ Quảng. Những tác phẩm điêu khắc của anh, phần lớn đều khai thác những khía cạnh bên trong của con người, những phần ẩn sâu, chìm khuất mà nếu không để tâm, sẽ khó nhận thấy ngay. Với “Đôi mắt”, anh đem đến hình ảnh hai em bé đang dõi theo những diễn biến của sự thay đổi ở một vùng đất, cụ thể là phản ánh tập tính sinh hoạt của những người đồng bào vùng cao ở phía tây Quảng Nam. Tác phẩm không tìm tòi cách thể hiện mới lạ nhưng đào sâu vào nội tâm, diễn đạt chân thực những cảm xúc của một sự ngỡ ngàng, đau đáu về những biến đổi của cuộc sống, qua cái nhìn không còn trong trẻo của trẻ thơ. Thành công nhất của Huy trong các tác phẩm từ xưa đến nay, chính là thể hiện những vẻ đẹp của hồn người, những nỗi buồn, gai góc của lòng người rất tinh tế, rất sâu. Anh tâm sự, thứ anh muốn tác phẩm của mình vươn tới, không phải là những sự độc đáo, to lớn, mà chính là những điều dung dị nhưng chạm thấu tâm can của người xem. Ở đó, họ thấy bản ngã của mình.
ThS. Trần Ánh: Ám ảnh từ những câu chuyện Hội An
Không còn hoạt động chuyên về văn hóa như thời gian trước đây, nhưng ThS. Trần Ánh, tác giả của rất nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian, truyền thống phố Hội, vẫn nặng lòng với văn hóa của phố cổ. Với “Không gian văn hóa nhà cổ Hội An”, Trần Ánh bày ra cho người đọc một đặc trưng không gian văn hóa của nhà cổ Hội An, một thành tố cấu thành nên đặc trưng nhà cổ Hội An. Ban giám khảo của loại hình văn nghệ dân gian cho rằng, Trần Ánh đã tỏ tường cho bạn đọc về một Hội An với rất nhiều vốn liếng văn hóa, “một công trình chuyên khảo công phu, khoa học, chuyên sâu về nghệ thuật, kỹ - mỹ thuật kiến trúc truyền thống các ngôi nhà cổ của các nghệ nhân, nghề - làng nghề Hội An ở thế kỷ trước, đáp ứng yêu cầu thời sự về mặt bảo tồn và tôn tạo nhà cổ”. Là một người Hội An gốc, với gia tộc nhiều đời của phố cổ, Trần Ánh hiểu rằng nếu không mau chóng gom nhặt những ký ức của nhiều thế hệ về văn hóa Hội An, nếu không bảo tồn văn hóa phố cổ từ những ám ảnh quá khứ, chắc chắn sẽ không có một Hội An như hiện tại. Anh chia sẻ, hiện tại sống ở Hội An nhưng ký ức về Hội An vẫn đầy chặt lồng ngực, mỗi ngày một dày dặn thêm. “Nên lao động bằng ký ức, vẫn là chủ yếu với mình” - anh nói.
SONG ANH