60 năm trôi qua, nhiều câu chuyện còn đó qua lời kể của các chứng nhân lịch sử cùng những kỷ vật dẫu phai màu nhưng đã góp một phần minh chứng cho tình son sắt hai xứ Thanh - Quảng.
Lần tìm trong bảo tàng
Trong hàng ngàn hiện vật đang được trưng bày và lưu giữ ở Bảo tàng Thanh Hóa, vì được phân bố theo chủ đề và giai đoạn lịch sử khác nhau nên những kỷ vật liên quan đến mối quan hệ kết nghĩa giữa 2 tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam nằm rải rác. Đưa chúng tôi xuống kho lưu giữ, bà Trương Thị Lan - Trưởng phòng Kiểm kê - bảo quản - Bảo tàng Thanh Hóa cho biết, tất cả 11 kỷ vật đều đã được tổng hợp và trưng bày ở một nơi trang trọng.
Mỗi kỷ vật cất giữ một câu chuyện, một phần ký ức giữa mối tình Thanh - Quảng là 6 khẩu súng tiểu liên AR15 - chiến lợi phẩm của quân dân tỉnh Quảng Nam thu được của đế quốc Mỹ mà Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Nam tặng Thanh Hóa trong dịp ra thăm.
Là mô hình tượng đài chiến thắng Núi Thành được đúc bằng đồng đã thấm màu tháng năm trên từng nét đúc, do Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam tặng Thanh Hóa.
Là huy hiệu Đông Xuân Điện Biên - Thanh Hóa - Quảng Nam quyết thắng 1960 - 1961 quý báu của ông Trần Khôi.
Hay bức trướng do Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng tặng Thanh Hóa vào tháng 10.1969. Giữa bức trướng có thêu dòng chữ: Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, Thanh Hóa - Quảng Nam một lòng “quyết thắng”.
Và cả lá cờ do Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng tặng Thanh Hóa ngày 2.9.1975. Cờ được thêu hàng chữ: “Mừng 30 năm Việt Nam thắng lợi, Quảng Nam - Thanh Hóa thắm tình kết nghĩa, thi đua xây dựng quê hương đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Cuối cùng là lá Thư của Ủy ban vận động MTDT GPMNVN tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng gửi đồng bào, cán bộ chiến sĩ tỉnh Thanh Hóa nhân dịp Tết Nhâm Dần 1962 (ngày 31.12.1961).
Hiện diện xứ Thanh trên đất Quảng
Lần tìm trong những cuốn tư liệu viết về tình kết nghĩa Thanh - Quảng, chúng tôi còn bắt gặp nhiều hình ảnh về các đầu sách mà tỉnh Thanh Hóa viết và xuất bản về Quảng Nam sau khi kết nghĩa. Trong đó, có cuốn sách do những người từng tham chiến ở chiến trường Quảng Nam viết và nghiên cứu biên soạn. Những cuốn sách có giá trị như 2 tập của “Quảng Nam - trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”, “Sơ lược lịch sử tỉnh Quảng Nam” và tập truyện ký “Người Quảng Nam”.
Ngoài ra, sau ngày giải phóng, Quảng Nam lặng yên tiếng súng, nhưng lại phải đối diện với nhiều vấn đề khó khăn khác trong xây dựng, khắc phục hậu quả chiến tranh. Ngoài viện trợ những nhu yếu phẩm cần thiết, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa còn gửi tặng cho Quảng Nam hơn 400 nghìn đầu sách trên nhiều lĩnh vực y tế, kinh tế, kinh nghiệm quản lý nhà nước,… Những đầu sách có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc gợi ý những hướng đi giúp Quảng Nam phát triển trong giai đoạn đầu khó khăn.
Đặc biệt, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến chiếc trống đồng Đông Sơn - hiện diện của xứ Thanh trên đất Quảng. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày kết nghĩa giữa 2 tỉnh.
Ngày 11.3.2010, ông Mai Văn Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã trao tặng cho UBND tỉnh Quảng Nam chiếc trống đồng Đông Sơn. Trống đồng Đông Sơn được trao tặng có chiều cao 48cm, đường kính 60cm và nặng 50kg do nghệ nhân Thiều Quang Tùng - Chi hội Bảo tồn và phục hồi nghề truyền thống Đông Sơn đúc với những hoa văn trang trí mang đặc trưng của trống đồng Đông Sơn cũng như nền văn hóa Đông Sơn.
Bà Hoàng Bích Hạnh - Giám đốc Ban Quản lý quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng cho biết, chiếc trống đồng Đông Sơn này đang được trưng bày tại Khu trưng bày hiện vật thuộc quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (TP.Tam Kỳ). “Ngoài ra, 2 lư hương bằng đồng đặt tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh và Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng hiện nay cũng là kỷ vật do tỉnh Thanh Hóa tặng Quảng Nam nhân dịp khánh thành quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng vào năm 2015” - bà Hoàng cho biết.