Giai đoạn đất nước còn chiến tranh, thư gần như là phương tiện duy nhất để chuyển thông tin từ tiền tuyến về hậu phương và ngược lại. Thời đó, những lá thư là liều thuốc tinh thần vô biên, tiếp thêm sức mạnh cho những người không được ở gần nhau.
Thư từ Quảng Nam
Tôi may mắn được gặp kiến trúc sư Nguyễn Thế Hưng, người đang giữ nhiều bức thư thời chiến của cha mẹ mình. Tôi đã xin phép được công bố một bức thư của cha anh - họa sĩ Nguyễn Thế Vinh, để thêm một lần thấu hiểu một góc lịch sử khi thời gian đi qua không thể xóa nhòa!
Bức thư được họa sĩ Nguyễn Thế Vinh viết ngày 6.3.1967, khi đang ở căn cứ Trà My, gửi về người vợ thương yêu và các con ở ngoài miền Bắc:
“Tuyết thương yêu !
Hình ảnh Em và con anh không bao giờ quên, Em đưa anh đến tận bến xe, Em khóc nhiều quá, mọi người xung quanh chắc lấy làm lạ. Thực ra trong lòng anh lúc đó cũng khóc nhiều, nhưng cố cầm nước mắt mà khuyên nhủ Em, nén lòng dứt con và Em - anh đi, đi mà không dám ngoảnh lại, đi mà chân bước nặng nề, ngực anh dường như cao hơn và khó thở, lòng bồi hồi khó tả và mất đi cái gì đó nghiêm trọng.
Em và anh không được cái gì cả, mà sẽ được “HÒA BÌNH và HẠNH PHÚC” mà thôi, Em đã biết vậy và anh biết vậy, nhưng tình cảm vợ chồng khi xa nhau và sẽ xa lâu, ai mà không thương, không khóc!
Những ngày tết công tác ở vùng sâu tỉnh Quảng Nam, cùng vui vẻ ăn tết với đồng bào, nhưng cũng những ngày này là những ngày nhớ Em và con…
Ở đây anh được đồng bào yêu thương và đùm bọc.
Có gì bằng văn nghệ nói lên tình cảm của đồng bào và bày ra những tranh ấy cho đồng bào xem, các mẹ, các chị yêu thương anh vô cùng. Anh cũng không quên báo cáo với Em trong thời gian đi công tác vùng sâu Quảng Ngãi và Quảng Nam anh đã vẽ được một số tranh ký họa bằng thuốc nước. Những nhân vật trong tranh là anh chị du kích, các chị, các mẹ chiến đấu và sản xuất, anh vô cùng yêu mến những người ấy, số tranh đã bày được một phòng Em ạ và trong dịp tết anh đã bày được 5 địa điểm…”.
Họa sĩ Nguyễn Thế Vinh, quê Quảng Ngãi, ông tốt nghiệp Khóa Tô Ngọc Vân giai đoạn 1955 - 1957 và Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1965. Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật ông vào công tác chiến trường B làm Bí thư Chi bộ, Ủy viên Thường vụ Hội Văn nghệ miền Trung Trung Bộ, Ủy viên Đảng đoàn Văn nghệ Khu 5 từ năm 1965 đến ngày giải phóng đất nước.
Nguyễn Thế Vinh là họa sĩ có nhiều năm sống và chiến đấu ở chiến trường miền Nam, ông chuyên sáng tác tranh sơn mài. Tranh ông sử dụng nhiều mảng, nét trong tạo hình, phong cách hiện thực, giản dị đầy xúc cảm. Ông còn sáng tác nhiều tranh khắc gỗ có chất lượng nghệ thuật cao. Tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Thế Vinh đã được Giải Nhì Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1960; Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng năm 1984; Giải thưởng Văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng năm 1982; Năm 2007, các tác phẩm “Lớp học bổ túc văn hóa” (khắc gỗ - sáng tác năm 1960); “Đất này là của tổ tiên” (sơn mài - 1970); “Chiến tranh và những cây dừa” (sơn mài - 1990); “Làm gạo ở Tây Nguyên” (sơn mài - 1996) của ông đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt II.
Tam Kỳ - Trà My, 9 năm mới gặp mặt
Tôi còn có dịp nghe câu chuyện của bà Trần Thị Lý (thường gọi Năm). Bà Lý tham gia Ban công tác phụ nữ thôn của xã Tứ Dân (Tam Kỳ), cuối năm 1949 đi bộ đội thuộc Ban Quân huấn, Phòng Tham mưu, thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 5. Đến cuối năm 1951, do hoàn cảnh gia đình, bà xuất ngũ và tiếp tục tham gia Ban công tác phụ nữ xã Tam Thanh, phụ trách mảng thiếu nhi. Cũng vào năm đó bà lập gia đình với ông Tô Văn Tuyển, là cán bộ của Bệnh xá Bắc Tam Kỳ. Hai người có với nhau 4 mặt con.
Với nhiệm vụ của Đảng giao, ông Tuyển làm công an mật theo dõi bọn tề điệp, để báo cáo nhất cử, nhất động của bọn chúng cho cơ sở cách mạng. Năm 1968 bà Lý bị địch bắt giam. Khi vào tù chúng đánh đập dã man, nhưng nhớ và luôn luôn khắc sâu lời thề với Đảng, bà không hé răng khai nửa lời. Ba năm bà Lý ở trong tù, 3 đứa con còn nhỏ dại được ông bà nội nuôi nấng, chồng thì công tác ở trên cứ, con trai lớn là Tô Văn Cả cũng đã thoát ly tham gia cách mạng. Đến lúc bà được ra tù, đứa con trai duy nhất hy sinh khi mới 17 tuổi. Ở Trà My, ông Tô Văn Tuyển có quyết định đi học ở miền Bắc, nhưng nghe tin con trai hy sinh ông đã quyết định ở lại, tiếp tục phục vụ cho cách mạng… Lúc đó, chị Tô Thị Thu Hà, người con gái đầu được ra miền Bắc học tập. Quyết định này cũng rất khó khăn với vợ chồng ông bà, bởi Thu Hà lúc ấy mới 8 tuổi…
Có một câu chuyện, có lẽ chỉ xảy ra trong chiến tranh, và cũng có thể chỉ xuất hiện ở chiến tranh Việt Nam: Vợ chồng bà Lý chỉ cách nhau chưa đầy 60 cây số mà tận đến 9 năm mới gặp mặt nhau. Và trong khoảng thời gian này, vợ chồng bà chỉ có thể liên lạc với nhau qua những cánh thư lúc đến lúc không. Khi nhắc đến ông, nước mắt vòng quanh, bà bảo: “Ông rất thương yêu vợ con, ở với nhau vỏn vẹn 12 năm, có với nhau 4 mặt con, rồi chia tay. Sau giải phóng, ông tiếp tục công tác trong ngành y tế của Trà My, nghỉ hưu rồi gần nhau có mấy năm thì lại mất do tai nạn giao thông”. Bà lần giở trong túi áo, những bức thư ông viết cho bà với những lời yêu thương nặng trĩu, ông luôn lo cho vợ, lo cho các con…
Trong bức thư gửi cho vợ, đề ngày 19.10.1973, ông Tô Văn Tuyển viết:
“Năm em thương nhớ nhiều!...
Anh viết vội thư này cho em đây và hy vọng nỗi niềm thương nhớ sẽ đến bên em. Lâu quá ! không rõ sức khỏe em có gì trở ngại, hay công tác thế nào? vất vả lắm chăng? nên không biên thư cho anh, anh rất lo ngại cho em lắm đấy! 3 đứa con ở 3 nơi.
Năm em à! con Thu Hà đã gửi thư cho em chưa ? (Thu Hà bây giờ ở ngoài Bắc - NV) Con Phó và Kim dạo này ra sao, em có được tin gì về hai con mình không? (Phó và Kim ở với ông bà nội - NV)… em phải siêng biên thư cho anh biết chừng, để khỏi phải lo nghĩ đến em và con, hẹn em một ngày không xa sẽ đoàn tụ mới tỏ hết nỗi niềm nhớ thương.
…Anh rất bận lòng khi em đang rên rỉ trên giường bệnh. Anh ước gì như sớm hôm cơm, cháo, thuốc men, đỡ đần mới yên lòng. Nhưng anh một nơi, em một ngả, có thương em cho mấy đi nữa chẳng biết làm sao đây. Anh chỉ biết đặt niềm tin hy vọng vào người thầy thuốc của Đảng giao, cộng với sự nhiệt tình giúp đỡ của anh chị em…
…Gửi cái hôn thương nhớ đến em như hồi mới cưới nhau”.
Hậu phương cũng như tiền tuyến, mỗi câu chuyện, mỗi tình tiết, mỗi lá thư như một dấu ấn, tưởng không cần bất kỳ một sự hư cấu nghệ thuật hay một sự tưởng tượng nào vượt được sự thật khủng khiếp của chiến tranh. Một hiện thực không bị mờ khuất mà nó luôn hiện hữu trên mỗi con người, mỗi vùng đất nơi chiến tranh đã đi qua.\
HÀ AN