Họ, có thể biết, hoặc cũng có khi chưa hề biết về ngày lễ tình nhân. Nhưng hạnh phúc của họ là sự ghép đôi hoàn hảo bằng tình yêu, tình nghĩa… Tôi gọi đó, là những cuộc tình “lấp lánh lặng thầm”.
1. Anh, một người tật nguyền không thể đi lại như bao người bình thường khác. Trong khi chị là con gái một. Vậy mà chị vẫn yêu anh, bất chấp những cấm cản từ gia đình, những gièm pha thường tình của người đời về một đôi đũa lệch. “Mười lăm năm rồi, cổ (ý chỉ vợ anh - PV) theo mình đi dọc Sài Gòn bán vé số, rồi về lại Quảng Nam sinh sống” - người đàn ông mở lời, mắt rưng nước. Anh chị, người quê Tam Phước, người ở Tam Lộc (Phú Ninh). Bây giờ về sống ở nhà vợ, để ông bà ngoại chăm giùm đứa con nhỏ. Anh vẫn tiếp tục “nghiệp” vé số của mình. Chị làm công nhân ở Công ty May Trường Giang. Mỗi sáng, anh chạy xe máy ba bánh từ Tam Lộc xuống Tam Kỳ, dừng ngay ngã ba Nguyễn Chí Thanh - Trần Hưng Đạo, như một địa điểm quen, mở tập vé số và bắt đầu cuộc mưu sinh của mình. “Hồi yêu nhau, mình cũng buồn lắm chứ! Nói với cổ thôi em đi tìm người khác, yêu anh em chỉ có nước khổ thôi. Vậy mà cổ không nghe! Cưới nhau chỉ có hai đứa với nhau. Rồi mình vô Sài Gòn bán vé số, đi khắp miền Tây, về Đà Nẵng, ở đâu vợ cũng không ngại khó theo mình. Bây giờ có tới 3 thằng con trai, ông bà ngoại mở lòng, vợ chồng về lại Quảng Nam sống, vợ mình bớt khổ hơn” - người đàn chia sẻ. Anh khuyết tật, nhưng hào sảng. Mấy lần trả tiền cho người đánh rơi, đã được Công an TP.Đà Nẵng khen thưởng. Hỏi tên, anh nói: “Anh tên Hùng, chỉ cần nói Hùng vé số thôi”.
Vợ chồng cụ Lê Sẻ và bà Nguyễn Thị Đợi với “tình già”. Ảnh: REHAHN |
2. Có hai cặp vợ chồng ở Hội An mà những lúc về Hội An, có cơ hội tôi đều tìm đến thăm. Đó là gia đình ông Nguyễn Đường gánh nước giếng Bá Lễ và vợ chồng cụ ông Lê Sẻ và cụ bà Nguyễn Thị Đợi, ở làng rau Trà Quế. Cuộc sống của họ giản dị và lắm những chân tình. Vợ chồng cụ Đường năm nay đã hơn 80 tuổi, sống quanh quẩn ở con hẻm giếng Bá Lễ. Lúc vợ chồng còn trẻ, hay từ khi bà đã bắt đầu “mệt”, chân không đi nổi nữa, thì ông Đường vẫn giữ cái “trách nhiệm” gánh nước giếng Bá Lễ cho những người Hội An cũ. Trong con hẻm nhỏ, vợ chồng cụ Đường rau cháo nuôi nhau, cùng chăm sóc đứa con tuổi đã lớn nhưng tâm trí trẻ con, với những sinh hoạt tách khỏi lao xao của vùng đất du lịch đông đúc. Đi xa hơn một chút, là đôi vợ chồng “ăn ảnh” Lê Sẻ và Nguyễn Thị Đợi. Suôn sẻ hơn vợ chồng cụ Đường, khi ông Sẻ và bà Đợi có một khoảnh vườn ngay trước nhà. “Tình yêu” của họ đã trọn 60 năm. Tình yêu trong thời chiến, rồi đến lúc chờ đợi trong thời bình, đến khi về già, họ đã bên nhau. Những lần đi thăm chồng khi bị tù đày lúc chiến chinh, nhìn thấy thân thể của chồng bị địch đánh đập, tra tấn dã man, tình yêu và tình thương đã mang lại cho bà Lợi sức mạnh, nghị lực phi thường để chờ đợi và được đền đáp bằng một tình yêu, hạnh phúc trường tồn.
3. Công việc cho tôi gặp gỡ nhiều người. Có những câu chuyện tình yêu khiến mình luôn thầm ngưỡng mộ. Bởi sự lựa chọn song hành với họ, luôn luôn bắt đầu bằng con đường của trái tim. Cùng với nhau vượt những khác biệt, đi qua khó nghèo, khổ sở, để đôi lúc, chỉ cần cùng nhau ăn một bữa cơm trong không khí gia đình. Đôi lúc nghĩ ngày Lễ Tình nhân chỉ là cái cớ, để người ta mượn dịp biểu lộ cảm xúc về nhau. Nên cũng chẳng tội tình gì mà xét nét một dịp tỏ bày. Họa sĩ người Pháp đang sống tại Hội An, Jean Cabbane, vẫn tiếp tục đi về trong ngôi nhà nhỏ ven đô, bởi ở đó, ông để hình hài “một người tình” Việt Nam của mình. Dẫu chị Hoa - vợ ông, đã xa rời cuộc đời, thì Jean, vẫn chưa có ý định hồi hương, vì những ký ức với vợ tại Việt Nam vẫn còn nguyên đó. Và đó, là một thể thức khác được gọi tên bằng Tình yêu. Và rất nhiều, những chuyện tình yêu bền bỉ đã thêm vào bức tranh cuộc sống những gam màu trầm ấm, đủ để làm dịu lòng người vào những bữa rát khan chuyện thời sự, ô nhiễm, bạo hành…
Mong cho những câu chuyện hạnh phúc, sẽ luôn luôn lấp lánh giữa đời thường…
SONG ANH