Chuyến bay từ Cam Ranh về Sài Gòn bị delay. Theo thói quen, tôi ghé ngang tiệm sách nhỏ gần phòng chờ sân bay và bắt gặp Đừng hôn ở Hội An của Đinh Lê Vũ. Bất chợt, mỉm cười với cái tên sách. Dĩ nhiên, tôi biết chắc Vũ sẽ nhắc đến 4 câu thơ của Chế Lan Viên “Yêu ở đâu thì yêu/ Về Hội An xin chớ/ Hôn một lần ở đó/ Một đời vang thủy triều”. Rồi Vũ nói trong sách: “Nếu bạn hôn một ai đó ở Hội An, đời bạn rồi cũng sẽ vang thủy triều theo một cách nào đó, khó đoán lắm! Vậy cho nên, đừng hôn ở Hội An. Không tin, bạn cứ thử xem!”.
Khi cầm Đừng hôn ở Hội An trên tay, tôi không đọc theo thứ tự từ trước ra sau. “Rủ mẹ đi siêu thị” là tản văn tôi đọc đầu tiên và tôi muốn khóc. Chỉ là rủ mẹ đi siêu thị thôi mà Vũ cho tôi thấy cả một con đường ven biển mát rượi, tôi thấy được hình ảnh má tôi ngập ngừng trước mấy món đồ dùng làm bếp mà bà hay ước được mua một cách thoải mái nhất. Là một lát cắt tưởng chừng như vu vơ, nhưng không phải đâu! Lát cắt đó là thời điểm đánh dấu sự trưởng thành của bạn. Bạn tự tin để rủ má đi siêu thị và mua cho má nhiều thứ má mơ ước. Còn niềm hạnh phúc nào bằng.
“Mơ Tết quê nhà” khiến tôi nhắm mắt lại giữa sân bay ồn ã. Tôi nghe được mùi nắng mới lên trong một sớm mùa xuân se lạnh. Tôi trở về nằm yên trong căn nhà tuổi thơ có đủ đầy tiếng cười của ba má, của đứa em gái bé nhỏ. Tôi nghe được những yên ả lạ kỳ của tết quê nhà với những nô nức lạ kỳ của một người xa quê. Tự nhiên, tôi ước vì một lý do nào đó, chuyến bay về Sài Gòn của tôi lại bay ngược ra sân bay Chu Lai. Và tôi sẽ chạy về nhà, rúc đầu vào ngực má.
Thực sự, tôi muốn nói về Đừng hôn ở Hội An của Vũ như nói về những lát cắt kỷ niệm của chính tôi và những ai từng biết Hội An, từng sống ở Hội An, từng chơi với người Hội An. Chín truyện ngắn và 29 tạp văn trong Đừng hôn ở Hội An là những thước phim vừa cũ vừa mới được Vũ kể lại bằng thứ ngôn ngữ chân chất. Thứ ngôn ngữ ấy, tôi có thể nghe được mùi bánh mì của cô Phượng, mùi bùn non mỗi khi nước lụt rút đi, mùi ngai ngái của những trưa hè nắng rát bên bãi bồi Đồng Hiệp. Thỉnh thoảng, giữa những câu chuyện của Vũ, tôi chợt thấy cả một bầu trời xanh ngắt của xứ Quảng với vài ngọn dừa in lên đó một cách mạnh mẽ.
Đừng hôn ở Hội An có nhiều câu chuyện tình yêu không? Vì có yêu mới hôn. Chắc chắn rồi! Nhưng, tình yêu của Vũ cũng lạ lắm! Cái kiểu như “Chuyện đôi ta buồn ít hơn vui. Người khóc người cười, chuyện ngắn chuyện dài. Trả hết cho người, cho người đi” (Nghìn trùng xa cách - Phạm Duy). Cái kiểu yêu của học trò, của những ngộ nhận chỉ là mên mến thôi. Rồi có những tiếc nuối, những đợi chờ, những hy vọng. Mọi thứ đều không quá đớn đau, chỉ đủ để khi nhớ lại, tim mình cảm thấy run run, tay mình tự tìm bàn tay kia và mỉm cười: Thôi thì thôi! Thôi thì thôi nhé! Có ngần ấy thôi! (Đưa em tìm động hoa vàng - Phạm Duy)
HOÀNG DUNG