Những lớp học đặc biệt đã ra đời, với mục đích truyền kiến thức cho học sinh bằng phương thức tiếp cận mới, giúp các em cảm thấy thích thú khi bước vào lớp.
Một lớp học tại trường học Xanh ở Bali, Indonesia. Ảnh: CNN |
1. Vào mùa mưa, nhiều khu vực tại Bangladesh bị ngập chìm trong biển nước, các trường học bị phá hủy khiến cho việc đến trường của học sinh tại đó hoàn toàn là không thể, không ít em bỏ hẳn trường lớp. Không để cho việc học hành của các em bị gián đoạn, Shidhulai Swanirvar Sangstha - một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào năm 2002, tổ chức các lớp học nổi trên thuyền trong mùa mưa bão tại Bangladesh. Đến nay, trường học đã sử dụng hơn 100 chiếc thuyền để đưa đón hơn 7.000 các em từ nhiều địa phương đến với lớp học đặc biệt đó. Mỗi lớp học bao gồm 1 máy tính xách tay, hàng trăm cuốn sách vở và nguồn điện trên thuyền đều là từ nguồn năng lượng mặt trời.
2. Nổi tiếng là một trong những thiên đường du lịch thế giới, đảo Bali xinh đẹp của Indonesia còn sở hữu trường học Xanh (Green School) với các em học sinh không chỉ tại Indonesia mà còn đến từ nhiều quốc gia. Tọa lạc giữa một khu rừng nhiệt đới, trường học rộng chừng 8ha với 75 phòng học, được xây dựng hoàn toàn bằng vật liệu từ cây tre thân thiện với môi trường. Ngoài việc giảng dạy các môn học truyền thống như toán, ngôn ngữ, trường học đặt trọng tâm truyền đạt kiến thức về giá trị thiên nhiên, cách sống bền vững với thiên nhiên cho các em học sinh từ tiểu học đến trung học, hiện có khoảng 400 em. Đây là một mô hình giáo dục được quốc tế công nhận, với tham vọng đào tạo các em trở thành thế hệ lãnh đạo “Xanh” của tương lai.
3. Sevenoaks (Anh) là một trong những trường học trên thế giới đưa công nghệ thực tế ảo (virtual reality-VR) vào chương trình giảng dạy, dành cho các môn học nghệ thuật, lịch sử và địa lý. Với công nghệ VR, các em sẽ có những chuyến khảo sát thực tế ảo ngay tại lớp học, đắm mình trong những mô hình trong không gian 3 chiều, tạo ra nguồn cảm hứng và sáng tạo dồi dào cho các em. Phương pháp này sẽ biến những giờ học nhàm chán trở nên vô cùng trực quan, sống động, dễ hiểu và thú vị thay vì chỉ hình dung từ bài viết trên sách giáo khoa.
4. Mặc dù lớp học chỉ vỏn vẹn 45 học sinh đến từ nhiều quốc gia, Think Global School là một trong những ngôi trường nổi tiếng tại Mỹ, đi tiên phong trong việc tạo lập cách tiếp cận giáo dục theo hướng hoàn toàn mới. Trong trường, không có lớp học nào mà thay vào đó, mỗi học kỳ học sinh sẽ được học tại một nơi khác nhau trên thế giới, chủ yếu dành cho các em sự trải nghiệm thú vị về văn hóa, lịch sử, kinh tế xã hội, con người và đất nước mà lớp học đi đến, bên cạnh học các ngôn ngữ… Theo chương trình, những điểm đến cho năm học 2018-2019 sẽ bao gồm Ấn Độ, Botswana, Nhật Bản và Tây Ban Nha.
5. Một số trường học trên thế giới đang chạy theo xu hướng các lớp học không cần sách vở, bàn học, phấn, viết… mà chỉ cần một thiết bị công nghệ - iPad hay còn gọi “trường học iPad” trong khi bảng lớp cũng được thay thế bằng bảng điện tử tương tác. Trường học iPad vẫn có giờ tập vẽ, giờ thể dục, sinh hoạt tập thể. Một số nền kinh tế phát triển tại châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore đang tạo ra cuộc cách mạng số trong trường học, giúp học sinh tiếp nhận kiến thức tốt hơn từ giáo viên, tiếp cận kho tàng thông tin trên internet dễ dàng hơn, giảm gánh nặng từ sách vở mà các em phải mang đến trường hằng ngày.
QUỐC HƯNG