Những lưu ý với bệnh nhồi máu cơ tim

Tâm An 07/03/2013 08:50

Nhồi máu cơ tim là bệnh lý nguy hiểm đe dọa tính mạng do tắc nghẽn đột ngột mạch máu nuôi tim. Can thiệp tim động mạch vành là phương pháp tiên tiến trong điều trị nhồi máu cơ tim, mở ra triển vọng cứu sống nhiều bệnh nhân và đã được ứng dụng tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam.

Nguyên nhân và dấu hiệu

Nhồi máu cơ tim thường xảy ra ở nam giới trên 45 tuổi và phụ nữ ở tuổi mãn kinh. Tuy nhiên, những người trẻ hơn vẫn mắc phải tai biến này do những yếu tố tác động khác. Trong số đó là các thói quen hút thuốc lá, ít vận động thể thao, mắc chứng béo phì, tiểu đường… Biểu hiện thường gặp là đau ngực trái dữ dội, kéo dài từ 15 - 20 phút, khó thở mệt nhiều. Đau có thể lan ra cánh tay, cẳng tay trái đến ngón út và áp út bàn tay trái hoặc có thể lan sau lưng, hàm dưới bên trái. Một số người bị nhồi máu cơ tim có thể chỉ biểu hiện bằng khó thở nhẹ hay mệt khi vận động mà không đau ngực. Do đó có thể nhồi máu cơ tim sẽ bị bỏ sót. Trên thực tế, nhiều bệnh nhân chỉ bị đau nhẹ ở xương ức và triệu chứng này có thể nhanh chóng qua đi, khiến người bệnh cho là bình thường sau đó đột nhiên tử vong làm cho gia đình nạn nhân rất hoang mang.

Chuyển giao kỹ thuật can thiệp mạch vành tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: T.A
Chuyển giao kỹ thuật can thiệp mạch vành tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: T.A

Có thể thấy, dấu hiện phổ biến trong nhồi máu cơ tim là đau ngực. Phần lớn các cơn đau ngực xuất hiện ở giữa xương ức, kéo dài vài phút, sau đó hết rồi đau lại, bệnh nhân có cảm giác như bị đè nặng, bóp nghẹt ở ngực. Có cơn đau ở các vị trí khác nhau như tay, lưng, cổ, hàm, thượng vị. Toát mồ hôi lạnh, nôn, choáng váng. Tuy chứng nhồi máu cơ tim rất nguy hiểm nhưng nếu nhận biết sớm để điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ tránh được tử vong và những biến chứng sau đó. Vào viện sớm, khả năng hồi phục càng cao, hiệu quả điều trị cao nhất nếu bệnh nhân được xử lý trong một giờ đầu. Các bác sĩ khuyến cáo nếu có những cơn đau ngực như mô tả phải ngưng ngay các hoạt động và công việc đang làm. Nếu sau 30 phút cơn đau không dứt, đặc biệt đối với những người đang mắc bệnh động mạch vành cần được đưa đi nhập viện bằng phương pháp an toàn nhất.

Sống lành mạnh

Theo các số liệu thống kê chưa đầy đủ, hằng năm cả nước có hàng triệu người mắc bệnh mạch vành. Trong đó có 10% bệnh nhân tử vong do nhồi máu cơ tim. Tại Quảng Nam, tỷ lệ tử vong chiếm tỷ lệ rất cao trong số hơn 3 nghìn bệnh nhân đang được điều trị do trước nay chưa được áp dụng các kỹ thuật can thiệp tim mạch kịp thời. Bác sĩ Nguyễn Lương Quang - khoa Nội tim mạch Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cho biết hiện nay bệnh viện đã triển khai thực hiện kỹ thuật can thiệp mạch vành, có thể can thiệp trong điều trị nhồi máu cơ tim và mở ra hy vọng cứu sống cho các bệnh nhân đang mắc chứng bệnh này.

Tiến sĩ bác sĩ Hồ Anh Bình - Phó Trưởng khoa Tim mạch, thuộc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế khi thực hiện chuyển giao kỹ thuật can thiệp tim mạch cho bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam đã giải thích: “Can thiệp tim mạch có khả năng chẩn đoán và điều trị bệnh lý động mạch vành như “chụp động mạch vành”, “nong động mạch vành hẹp” và “đặt giá đỡ mạch vành”. Hay chẩn đoán và điều trị bệnh lý van tim như “nong van hai lá”, “nong van động mạch phổi”. Ngoài ra, còn có khả năng điều trị một số bệnh tim bẩm sinh và bệnh mạch máu ngoại biên khác. “Can thiệp tim mạch có ưu điểm không cần gây mê, không đau, không chảy máu; thời gian thực hiện khoảng từ 30 - 90 phút/ca, tỷ lệ biến chứng thấp; bệnh nhân có thể đi lại sau 24 giờ; chi phí thấp hơn so với mổ tim; bệnh nhân lớn tuổi, có nhiều bệnh lý mạn tính đi kèm cũng có thể thực hiện được” - bác sĩ Bình thông tin.

Cũng theo tiến sĩ Bình, có thể phòng ngừa sự phát triển bệnh động mạch vành hoặc làm giảm nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cấp ở các bệnh nhân bằng cách làm thay đổi các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Ở độ tuổi càng cao nguy cơ bị hư hỏng và thu hẹp động mạch càng lớn. Đàn ông tuổi cao đều không tránh khỏi nguy cơ bệnh mạch vành. Với phụ nữ, nguy cơ này tăng lên sau khi mãn kinh. Tuy nhiên, với lối sống hiện nay, căn bệnh này đang “tấn công” vào những người trẻ tuổi, đặc biệt là những người có lối sống thiếu lành mạnh như: hút nhiều thuốc lá, rượu bia; không chịu vận động, nhất là dân văn phòng; những người bị stress kéo dài.

Theo lời khuyên của bác sĩ, nên kiểm soát chỉ số khối lượng cơ thể trung bình (BMI) từ 18,5 - 22,9. Đây là chỉ số an toàn. Nếu vòng bụng trên 90cm ở nam giới và trên 80cm ở nữ giới có thể dẫn đến hội chứng chuyển hóa và cần phải giảm cân. Giữ huyết áp dưới 140/90mmHg (dưới 130/80mmHg ở bệnh nhân tiểu đường hay bệnh thận mạn tính) bằng thuốc và thay đổi lối sống. Thay đổi lối sống (giảm cân, thay đổi chế độ ăn, tăng hoạt động thể lực và ăn nhạt) nên thực hiện cho tất cả các bệnh nhân có huyết áp lớn hơn hoặc bằng 120/80mmHg. Kiểm soát chặt đường huyết bằng insulin hay thuốc hạ đường huyết uống và chế độ ăn để đạt chuẩn quy định.

Tâm An

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những lưu ý với bệnh nhồi máu cơ tim
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO