(QNO) - Để phòng các bệnh truyền nhiễm với trẻ em thì tiêm vắc xin là cách phòng ngừa hữu hiệu nhất. Thế nhưng có những lý do khiến cơ thể vẫn mắc bệnh dù trước đó đã tiêm chủng.
Miễn dịch không kéo dài vĩnh viễn
Miễn dịch hình thành trong cơ thể do đáp ứng với vắc - xin sẽ yếu dần theo thời gian và thường cần phải tiêm một liều nhắc lại để kích thích hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả.
Theo thời gian, lượng kháng thể trong cơ thể sẽ giảm dần và có khi thấp dưới ngưỡng bảo vệ. Liều vắc xin nhắc lại sẽ giúp gợi lại trí nhớ của hệ miễn dịch để tái sản xuất lượng kháng thể mà trước đó đã được tạo ra .
Một số miễn dịch cũng yếu dần theo thời gian, do đó, tùy từng loại chủng ngừa sẽ được khuyến cáo tiêm nhắc lại sau một khoảng thời gian cố định để kích thích lại hoạt động của hệ miễn dịch của cơ thể.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Ví dụ với vắc - xin phòng bệnh Viêm gan siêu vi B tiêm từ khi sơ sinh, các mũi nhắc lại sau đó vào 1 tháng, 6 tháng, 5 năm. Vắc - xin sởi cần tiêm nhắc cho trẻ lúc 18 tháng tuổi nếu tiêm mũi đơn, hoặc vắc xin phối hợp 3 trong 1 ngừa bệnh Sởi - Quai bị - Rubella sau 4 năm. Hay với vắc - xin phòng bệnh uốn ván, CDC (Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ) khuyến cáo nên tiêm một liều nhắc lại khi trẻ được 11 – 12 tuổi, ngay cả khi trẻ đã được tiêm đúng liều chỉ định khi còn nhỏ, và một mũi nhắc lại cho người lớn 10 năm một lần.
Tác nhân gây bệnh biến đổi theo thời gian
Những nguyên nhân gây ra bệnh bị biến đổi theo thời gian bởi nhiều yếu tố cộng gộp như: môi trường, vi khuẩn kháng thuốc, hệ miễn dịch ở mỗi cơ thể khác nhau…
Viện Y học ứng dụng Việt Nam đưa ra ví dụ virus cúm gây bệnh cúm trên người gần như biến đổi theo từng mùa và các nhà khoa học luôn phải tìm ra những loại vắc - xin cúm hàng năm để đối phó. Mỗi năm, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu về chu trình hoạt động của các viruts và dự đoán loại viruts nào sẽ chiếm ưu thế trong mùa cúm sắp tới để sản xuất ra những loại vắc - xin mới phòng bệnh thích hợp.
Ngoài cúm, còn nhiều loại bệnh có nhiều chủng viruts khác nhau, như viêm màng não mô cầu, viêm gan… do đó rất có khả năng dù đã tiêm phòng rồi vẫn bị mắc bệnh bởi chủng viruts khác. Muốn chắc chắn phòng được bệnh cần phải tiêm đủ các chủng còn lại.
Không được tiêm đủ liều để vắc xin phát huy hiệu quả tối ưu
Nếu không tiêm đủ liều vắc - xin phòng bệnh, cơ thể không thu được hiệu quả miễn dịch bảo vệ cơ thể trước căn bệnh đó.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Tiêm nhắc vắc-xin đủ liều, thường sau mũi 1 sẽ được nhắc lại mũi tiếp theo trong khoảng gian ngắn sau đó (có thể 1 tuần hoặc 1 tháng… tùy theo loại vắc - xin). Việc đủ liều bằng cách tiêm nhắc lại sẽ giúp hệ miễn dịch tái sản xuất lượng kháng thể mà trước đó đã được tạo ra sau đợt chủng ngừa cơ bản đầu tiên.
Những liều vắc-xin tiêm nhắc sẽ giúp cơ thể người được tiêm chủng đạt mức bảo vệ gần như tuyệt đối 100%, một số đối tượng được tiêm vắc-xin nhưng chưa được bảo vệ hoặc mức bảo vệ chưa cao khiến người đã được tiêm chủng vẫn có khả năng bị nhiễm bệnh. Việc tiêm nhắc các loại vắc-xin làm giảm đáng kể bệnh tật nguy hiểm, đảm bảo sự bảo vệ đặc hiệu và lâu bền trong cuộc chiến chống lại những tác nhân gây bệnh nguy hiểm cho trẻ em.
Cơ thể không tạo ra đủ đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm vắc xin
Tình trạng sức khỏe, tuổi tác và yếu tố gen có ảnh hưởng đến khả năng hình thành miễn dịch để đối phó với bệnh tật sau khi được tiêm phòng. Đó là lý do tại sao trong một số trường hợp vắc -xin sẽ không có hiệu quả tốt trên đối tượng người già và người bị suy giảm miễn dịch do một số bệnh khác.
Mắc bệnh ngay khi vừa tiêm chủng vắc xin
Thường phải mất ít nhất khoảng 2 tuần để cơ thể có thể xây dựng đủ một hàng rào miễn dịch khỏe mạnh sau khi được tiêm vắc - xin. Nếu bị nhiễm bệnh ngay sau khi vừa tiêm vắc - xin, cơ thể chưa tạo được miễn dịch do vậy vắc xin vừa dùng không kịp bảo vệ.
Do đó, những mũi tiêm chủng thường khuyến cáo tiêm cho trẻ em. Với người lớn, nhất là người cao tuổi nên xét nghiệm trước khi tiêm chủng vắc - xin.
Theo toquoc.vn