1. “…Hôm nay mùng tám tháng ba
Tôi giặt hộ bà cái áo của tôi…”.
(8 tháng 3 muôn năm - Tú Sót)
Kể từ khi đất nước có vẻ “ăn nên làm ra”, ngày 8.3 hằng năm gần như đã trở thành một cái tết dành riêng cho nữ giới. Trong những ngày cận kề, ở các cơ quan đơn vị, và kể cả ở các thôn xa bản gần, nơi đâu cũng thấy chị em bận rộn với các hoạt động chào mừng, mà trong đó sôi nổi nhất là các cuộc họp mặt, liên hoan văn nghệ. Dọc những con đường chính ở các khu dân cư, từ mấy ngày trước các sạp hàng hoa đã mọc lên san sát. Học trò mua hoa tặng cô, con cái mua hoa tặng mẹ, đàn ông mua hoa nịnh… “đầm”. Từ các hội trường, nhà văn hóa thôn xóm, tiếng hát, tiếng nói cười của chị em vang lên lảnh lót, thỉnh thoảng lại xen kẽ tiếng hô tưng bừng: “một hai ba... dzô!”.
Bà cụ bán rau bên hè phố. Nguồn: internet |
Trong gia đình, các ông chồng ngày càng tỏ ra “trượng phu” hơn. Nếu bà xã được đi tham quan đâu đó cùng chị em, các ông sẵn sàng bế con ra tận xe, tươi cười vẫy tay đưa tiễn, hàm ý “cứ yên tâm đi chơi vui vẻ, chuyện bếp núc ở nhà đã có tui lo!”, mặc dù có ông vẫn chưa biết mặc bỉm cho con thế nào cho đúng cách, hoặc lọ tiêu, chai mắm để ở đâu. Thậm chí, có chị em sau chuyến tham quan trở về đã tá hỏa khi thấy mọi thứ trong nhà đều trở nên bừa bộn, ngổn ngang như một ổ chuột. Các ông cũng trở nên “công bằng” hơn nếu lỡ bà xã đi dự tiệc về vừa “a lô” vừa cầu cứu “anh ơi, lấy cho em cái thau!” thì các ông cũng ngoan ngoãn chấp hành. “Thôi thì một năm mình dành hết 364 ngày rồi, phải để cho bả một ngày để bả thấy nhậu nhẹt không phải chỉ toàn sự sung sướng”.
Trong những ngày này, hầu hết chị em có vẻ như được bộc lộ hết mình những khát vọng sống đã bị kìm hãm bấy lâu. Ở những vùng nông thôn, khi được bước ra khỏi nhà tham gia các hoạt động của ngày nữ giới, các chị sẽ tạm quên đi cái cảnh… “heo kêu con khóc chồng đòi” đã từng mặc định vào vai trò “hạng nhì” trong hầu khắp các gia đình ở xứ ta. Các chị sẽ mặc những bộ đồ đẹp nhất, cũng môi son má phấn rạng ngời, có người còn ruýp-rốp hẳn hoi. Trên diễn đàn, các chị sẽ ăn nói hát hò tự tin, lưu loát hơn. Hạnh phúc và tiến bộ của phụ nữ đã trở thành một tiêu chuẩn của sự phát triển và thịnh vượng ở mọi quốc gia. Gia đình và xã hội ngày càng tỏ ra quan tâm hơn tới một phân nửa dễ bị tổn thương này của đất nước. Và cánh đàn ông, một phân nửa còn lại của cộng đồng, sẽ gật gù yên tâm rằng mình đã đứng vào hàng ngũ những người tiên phong trong công cuộc bình đẳng giới.
2. Nhưng trong những góc khuất nào đó ở mỗi cộng đồng, vẫn còn những phận đời khó lòng theo kịp với dòng chảy của cuộc chuyển đổi trên. Đó là những người phụ nữ vừa nghèo vừa “đơn thân” theo cái nghĩa “thui thủi một mình”, mặc dù có thể đã từng làm vợ, làm mẹ của nhiều đứa con.
Trước tết vừa rồi mấy ngày, lại thấy anh bạn tôi đạp xe đi lòng vòng quanh xóm, trên tay cầm một xấp phong bì. Đã thành lệ, cứ gần đến tết là anh gọi điện, nhắn tin vận động anh chị em, con cái trong gia đình đóng góp cho anh làm từ thiện. Số tiền quyên góp được cũng không nhiều lắm, lại lúc trồi lúc sụt nên anh phải ngồi nhẩm tính, hình dung hoàn cảnh từng người rồi lập ra một danh sách những nhà thuộc diện khó khăn nhất trong những nhà nghèo khó.
Năm nay, danh sách những hộ mà anh tới thăm chỉ toàn là phụ nữ. Và 100% trong đó là những ngôi nhà thiếu bóng đàn ông. Hỏi: “Sao chỉ toàn bà góa thế này?”. Anh bảo: “Xóm mình có khoảng trên dưới 100 hộ thì tôi đếm được cả thảy 38 bà góa. Ông góa chỉ có 3. Đàn ông thường rượu chè nhiều nên chết sớm. Lại thêm một số chị quá lứa, hết duyên, đành solo trọn đời”. “Anh chọn theo tiêu chí nào?”. “Trừ một vài chị còn trẻ biết buôn bán kiếm đồng ra đồng vào, còn hầu hết đều nghèo. Tuy nhiên, mình không đủ khả năng nên chỉ hỗ trợ được 10 người thuộc diện neo đơn nhất”. Anh kể có bà cụ 85 tuổi, quanh năm chỉ sống dựa vào tiền trợ cấp của nhà nước - hiện nay mỗi tháng chỉ có 270.000 đồng - vừa đủ mua gạo và nước mắm. Suốt ngày bà ngồi lụm cụm nhổ cỏ sau vườn vì chẳng có ai để chuyện trò. Cái mái tôn nhà bà thủng một lỗ to lưu cữu đã nhiều năm, trong khi bà có tới bốn đứa con vẫn đang sống gần đó. Lại có một chị góa chồng sớm, phải nuôi hai đứa con chưa học hết cấp hai và người mẹ ruột quanh năm đau yếu. Trong vườn ngoài đồng không có thứ gì bán được. Chị cũng có mấy sào ruộng nhưng trong nhà không có đàn ông nên sức đâu mà trồng bầu bí dưa cà như thiên hạ. Chị chỉ trông mong sao cho thằng con trai sớm khôn lớn, đủ lưng dài vai rộng để giúp mẹ chăm bà.
3. Chưa thấy một số liệu thống kê nào về những người phụ nữ đơn thân trên cả nước, nhưng nếu từ xóm tôi ở mà suy ra thì nhiều lắm. Và có lẽ họ cũng chiếm phần lớn trong số những người nghèo. Xem các chương trình “Lục lạc vàng” hàng tuần trên tivi thì đủ rõ: Các hộ được chọn hỗ trợ bò hầu hết đều là bà góa. Mong sao ngày càng có nhiều chương trình từ thiện tương tự như thế để tiếp sức cho những người phụ nữ vừa nghèo khó vừa bất hạnh trong đời. Nếu không, những tấm lòng thơm thảo như của anh bạn tôi giỏi lắm cũng chỉ mang lại niềm vui cho họ trong vài ngày tết. Suốt phần đời còn lại, họ vẫn luôn là những người bị bỏ lại phía sau.
PHAN VĂN MINH