Những mầm xanh văn chương

PHAN LÊ CHÂU NỮ 13/08/2013 18:03

(QNO) - Trại sáng tác văn học thiếu nhi hè 2013 do Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức vừa khép lại. Trại lần này thu hút 21 học sinh đến từ 10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Bà Phan Thị Quế Hà - thành viên Ban Tổ chức cho biết: “Tuy thời gian chỉ diễn ra trong hơn 1 tuần, nhưng số lượng tác phẩm các em gửi về cho Ban Tổ chức khá nhiều với 64 tác phẩm gồm các thể loại: thơ, truyện ngắn, tản văn, ghi chép, tùy bút... Điều đó cho thấy năng lực sáng tác dồi dào của các em”.

Viếng hương bia tưởng niệm nhà văn Chu Cẩm Phong. Ảnh: H.T.P
Viếng hương bia tưởng niệm nhà văn Chu Cẩm Phong. Ảnh: H.T.P

Điểm mới của trại sáng tác lần này là không giới hạn về đề tài. Các em được gặp gỡ, trao đổi về kinh nghiệm sáng tác với một số tác giả từng viết cho thiếu nhi như Nguyễn Tam Mỹ, Tiêu Đình, Lê Trâm, Phan Chín... Và các em được trải nghiệm “thực tế” tại một số nơi, như: Tượng đài Chiến thắng Núi Thành, Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi - sơ sinh, Làng Hòa Bình, Nhà thờ tộc Nguyễn Tường, Khu du lịch hồ Phú Ninh, Khu Kinh tế mở Chu Lai, Biển Rạng, Khu tưởng niệm nhà văn - liệt sĩ - anh hùng Lực lượng vũ trang Chu Cẩm Phong, biển Cửa Đại, phố cổ Hội An... Tuy đề tài không gò bó, nhưng phần lớn sáng tác của các em tập trung chủ đề về tình yêu quê hương đất nước (Chút phong trần nơi miền phố cổ - Trần Khương Uyên Quỳnh, Hội An, Điểm hẹn muôn năm cũ: Mỹ Sơn và Mỹ Sơn - Huỳnh Thị Diễm Diễm, Đông Giang, Phú Ninh trong tôi - Nguyễn Thúy An, Phú Ninh); về tình cảm gia đình, đặc biệt là tình mẹ (Giọt mồ hôi và nước mắt của mẹ - Bnướch Thị Nhung, Tây Giang; Tình mẹ - Lê Minh Tín, Nông Sơn, Ước mơ từ những ngày mưa- Lê Mai Nhật Uyên, Phú Ninh v.v); về bạn bè (Khi cầu thang + Cà rem, Cổ tích hoàng tử gió - Văn Trần Nhã Trúc, Quế Sơn)...

Một số “điểm đến” ở hội trại lần này như Làng Hòa Bình (nơi nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam/dioxin) gây xúc động cho các em mãnh liệt nhất. Nhiều tác phẩm văn xuôi, thơ, tạp bút... của các em thể hiện sự quan tâm, xót xa với hoàn cảnh bất hạnh. Tình mẫu tử thiêng liêng của người mẹ đối với đứa con bị nhiễm chất độc da cam ở Làng Hòa Bình gây xúc động mạnh khi có tới 9 tác phẩm khắc họa hình ảnh này.

Giao lưu với các tác giả viết cho thiếu nhi. Ảnh: C.N
Giao lưu với các tác giả viết cho thiếu nhi. Ảnh: C.N

Em Nguyễn Thị Quý Trân (Tam Kỳ) bật lên cảm xúc: “Từ mẹ, hành trang của con cho cuộc sống này ngày một phong phú và giàu có hơn. Mẹ ơi, con rất muốn nói cảm ơn mẹ vì những kiến thức mẹ đã dạy cho con, những điều mà không một trường lớp nào có thể mang lại như mẹ đã làm”. Còn trong Thư gửi mẹ, em Trương Bảo Hằng, Nông Sơn viết: “... Tình mẫu tử thiêng liêng vượt qua những rào cản của dị tật, đưa mẹ con của chị ấy lại gần nhau hơn. Tự dưng con thấy cổ họng mình nghẹn ứ lại, không nói được gì cả”; và em nhận ra rằng: “... Con thấy mình hạnh phúc hơn nhiều người vì đã được mẹ chăm sóc. Con thấy xấu hổ với bản thân mình quá”.  Những trải nghiệm trong chuyến đi, trong cuộc sống, giúp các em nhận ra rằng: “Chỉ cần sống chậm lại, nghĩ khác đi và yêu thương nhiều hơn, thì chúng ta sẽ nhận ra cuộc sống là một món quà (Cuộc sống là một món quà - Văn Trần Nhã Trúc, Quế Sơn).

Về thơ, tuy chưa có nhiều tác phẩm xuất sắc như văn xuôi, nhưng các em vẫn có nhiều câu thơ thô mộc, hồn nhiên, chân thật, giàu cảm xúc. Trong “Tình yêu bao la”, em Bnướch Thị Nhung bày tỏ “Mỗi bước chân con đi/ Đều có sự dẫn dắt/ Vẫn những lời sâu sắc/ Từ sâu trong trái tim”. Em Huỳnh Thị Diễm Diễm có những vần thơ xúc động với bài “Những siêu nhân màu da cam”; hay Nguyễn Quỳnh Như, Tam Kỳ tinh nghịch với Còng và sóng .v.v...

Trao giải Khuyến khích cho các em dự trại. Ảnh: C.N
Trao giải Khuyến khích cho các em dự trại. Ảnh: C.N

Nhận xét về tác phẩm của trại sáng tác, ông Phan Chín - thành viên Ban Giám khảo cho rằng: “Đa số các em đã giữ được nét hồn nhiên, trong sáng của lứa tuổi, biết để cho tư duy trẻ thơ đi vào tác phẩm một cách tự nhiên, chân thật, không bị gò bó. Đối với văn xuôi, nhìn chung chất lượng tác phẩm khá đồng đều, đa số các em tỏ ra khá già dặn trong cách thể hiện, chọn đề tài, triển khai ý tưởng. Với thơ, tuy không có những tác phẩm bứt phá, vượt trội như ở văn xuôi, nhưng bù lại hầu hết các em đều có cảm xúc thật, chân thành; nhiều em bộc lộ được cá tính của mình, làm cho mỗi tác phẩm có một nét riêng khó lẫn”.

Qua trại lần này, những mầm xanh văn chương đã hé lộ. Những mầm non ấy đã được khơi nguồn, rất cần được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển trong tương lai...

Dù thành công là vậy nhưng đáng tiếc, sáng tác của một số em vẫn còn một số hạn chế. Theo giám khảo Phan Chín, có em bị ảnh hưởng của văn chương người lớn, có vài em viết về những vấn đề quá lớn, xa lạ với tuổi thơ, viết già trước tuổi, nên cảm xúc không thật, chưa “chín”...

PHAN LÊ CHÂU NỮ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những mầm xanh văn chương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO