Những mảnh phố phiên bản

PHÙNG TẤN ĐÔNG 08/10/2017 08:05

Đô thị cũng như làng quê luôn được con người coi đó trước hết là một nơi chốn để trú ngụ, để ở. Dần dần theo thời gian, qua sinh hoạt, giao lưu, tiếp xúc với các thành viên trong gia đình, các thành viên của cộng đồng, sống với thiên nhiên khi thanh bình khi dông bão, nơi chốn đó mới trở thành “nơi chốn của tâm thức” hay văn vẻ như Chế Lan Viên thì đó là nơi “đất đã hóa tâm hồn”.

Hình ảnh Chùa Cầu của Hội An thường được phục dựng bằng mô hình ở một số địa phương có người Quảng sinh sống. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Hình ảnh Chùa Cầu của Hội An thường được phục dựng bằng mô hình ở một số địa phương có người Quảng sinh sống. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Trong tâm thức của mỗi người nào đó dù có đi đâu xa, có làm gì thì hình ảnh về một nơi chốn từng trú ngụ, những cảnh vật, những hình ảnh như căn nhà, mảnh sân, mảnh vườn, lối ngõ, hẻm phố, con đường, những người hàng xóm thân quen… luôn hiển hiện trong trí tưởng, để rồi một ngày thành hình nỗi hoài nhớ mang tên “ký ức làng” hay “ký ức phố” - những ký ức ấy sống động cả một đời người…

Từng có người yêu Huế đến mức dành mảnh vườn cả nghìn mét ở Sài Gòn để đắp nổi bằng gạch, đá, vôi vữa các di tích của hoàng thành Huế, dòng Hương, núi Ngự, Thiên Mụ, Vân Lâu… với tỷ lệ thu nhỏ chỉ để cho cha, mẹ và chính mình ngắm nghía hàng ngày thỏa niềm thương nhớ cố hương. Hình ảnh Chùa Cầu của Hội An hay phố cổ cũng vậy, trong các dịp quảng bá hình ảnh du lịch đất Quảng, giao lưu văn hóa ở trong và ngoài nước như ở Hà Nội, Sài Gòn, Singapore, Nhật Bản… thì mô hình biểu tượng của Hội An cũng được phục dựng khi thì thu nhỏ khi thì như thực, vừa để người Quảng xa quê nguôi nhớ vừa thu hút cái nhìn ưa tìm hiểu của khách phương xa. Tại công viên Thanh Hóa (TP.Thanh Hóa) một kiến trúc Chùa Cầu cũng đã được phục dựng gần như thực - công trình ghi dấu 55 năm kết nghĩa của người dân hai thành phố (1961-2016).

Trung thu năm nay (2017), tại khu hồ bán nguyệt quận 7, TP.Hồ Chí Minh, một Hội An phiên bản đã được người Sài Gòn phục dựng với mục đích tái hiện “Trung thu phố cổ Hội An” gồm ba khu: Chùa Cầu, chợ Hội An và sông Hoài. Những hẻm phố với màu vôi vàng nhuốm màu mưa nắng, những vòm hoa giấy đỏ hiên nhà, góc phố với cột điện hình chữ T gắn trụ xoay bằng sứ, không gian lồng đèn trung thu, những hoa đăng lấp lánh đủ màu trên dòng nước… Ký ức phố bỗng nhiên “sống động” với những người Quảng, người phố Hội xa quê về những trung thu thơ ấu đã xa và những người lớn đất Sài Gòn lại nhớ những lần thăm phố, có người chưa từng đến thêm một nỗi thèm về.

Xem ra khi sống với các cao ốc, với những chung cư cao tầng luôn có cảm giác bị “nhồi nhét” trong một không gian chật chội, thị dân bỗng thèm được sống trong một cảnh quan thoáng đãng, hình đồ các kiến trúc mở rộng theo chiều ngang, các kiến trúc nhỏ bé khiêm nhường lại tinh tế trong kết cấu, trang trí và nhất là cảnh quan hài hòa với cây xanh, mặt nước và những đêm lễ hội. Cùng với Hội An, Phố Hiến (Hưng Yên), tại một số đô thị, làng cổ có các kiến trúc cổ như Sơn Tây (Hà Nội), Bắc Ninh, Thổ Hà (Bắc Giang), Đường Lâm, Triều Khúc (Hà Nội)…,  kiến trúc dân gian, dân tộc cổ luôn mang đến cho con người sự bình yên, thư thái trong tâm hồn. Và những mảnh phố cổ luôn được phiên bản - một điều trùng hợp với xu hướng văn hóa dân gian mô phỏng (folklorismus) đang thịnh hành trên thế giới - nghĩa là văn hóa dân gian nằm ngoài bối cảnh gốc của nó, để nó chỉ là những mảnh tư liệu gây ấn tượng bằng thị giác và thính giác hoặc để người tiếp xúc có niềm vui thích về mặt thẩm mỹ mang bản sắc văn hóa của một vùng, miền nào đó.

Cũng trong dịp này, Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền thuộc Trung tâm Văn hóa - thể thao Hội An đang tham gia đợt biểu diễn hơn 10 ngày  - từ ngày 29.9.2017 tại “Lễ hội mặt nạ thế giới” được tổ chức ở thành phố Andong (Hàn Quốc). Trong các tiết mục biểu diễn có phần biểu diễn mặt nạ tuồng hát bội (vở “Ác ẩn trong thiện”), biểu diễn lý ngựa ô Quảng với trang trí mô hình ngựa giấy bồi của trò diễn Xuân Phả (Thanh Hóa) và dân ca, dân vũ Quảng Nam…

Nếu như các lễ hội mặt nạ thời Trung cổ ở Tây Âu là dịp giảm thiểu sự căng thẳng cộng đồng do các quan hệ thứ bậc trong xã hội vốn nghiêm khắc suốt trong một năm bằng hình thức “đeo mặt nạ” vui chơi không phân biệt sang hèn thì với phương Đông mặt nạ chủ yếu đóng vai trò tái hiện nhân vật, linh vật trong các nghi lễ thờ phụng hay trò diễn nghi lễ. Mặt nạ cười trong dịp lễ Trung thu như thiên cẩu, lân, ông địa là thể thức tái hiện niềm vui khi thưởng trăng, cầu mùa, xua tan ám khí, xui rủi. Với thông tin mạng, các thành phố luôn được phiên bản với những mảnh “trò diễn”, những mảnh “tạo hình” mang dấu ấn văn hóa đậm đà bản sắc của mình.

Nhà văn trẻ Nguyễn Vĩnh Nguyên vừa ra mắt tập sách “Những thành phố trôi dạt” (NXB Hội Nhà văn 2017) nói về sự trôi dạt trong đời sống đô thị “khi con người đánh mất mình trong đô thị” cho dù “thị dân sống có vẻ sung túc hơn nhưng ngày càng ít gắn bó với thành phố” (TTO - 30.9.2017). Một trong những “dấu ấn” bản sắc của một đô thị có thể là “ký ức đô thị” (nguyên gốc hay phiên bản) để tâm thức con người không trôi dạt trong cõi nhớ quên chồng chất do chính từ áp lực của đời sống đô thị tạo ra.

PHÙNG TẤN ĐÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những mảnh phố phiên bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO