Không còn nhận ra những ngôi làng cũ, nơi chúng tôi đã từng đặt chân đến mười, mười lăm năm trước. Có thứ gì đó xa cách, với rừng. Như thể một hàng rào nào đó - bằng những con đường mới mở, tách biệt ngôi làng vốn ngày xưa từng dính chặt vào rừng như ký thác số phận, như nương náu và gửi trao lấy sự sinh tồn...
Chúng tôi lại ngược núi. Lần này, là tìm lại ký ức về những ngôi làng giữa rừng già Trường Sơn mà chúng tôi từng đặt chân đến. Không còn nhiều nét hoang sơ ngày cũ, ở nhiều ngôi làng...
1. Xe ô tô ngược núi chạy đến làng. Khó có thể liên hệ với hình ảnh một thôn Atu (xã Ch’Ơm, Tây Giang) biệt lập và quạnh vắng của mười năm trước, mọi thứ tươi mới và khác lạ.
Những u buồn ngày cũ đang dần vơi, góc núi hiện hữu một làng quê yên bình với những mái nhà theo hình vòng cánh cung dọc theo tuyến đường làng. Tiếng nhạc xập xình phát ra từ một hàng quán nhỏ, vài thanh niên xúm ngồi bên ly cà phê đón chào ngày mới.
Pơloong Đíp, một cư dân của làng nói với chúng tôi, không gian mới được hình thành tạo nhiều điều thú vị, như một cuộc “cách mạng tri thức” đến với cộng đồng. Từ đường sá thuận lợi, nhà cửa khang trang cho đến việc bán buôn, trao đổi hàng hóa và cả chuyện nâng cao dân trí… cũng đi lên rõ nét. Ấy là nhờ có đường.
Hơn một năm nay, đường mới được mở, Atu như đổi khác. Những mái nhà bình yên dưới chân núi được sắp xếp, quy hoạch, trở thành điển hình của địa phương trong tái định cư cho người dân biên giới.
Pơloong Đíp là giáo viên - một người con Cơ Tu mang hai dòng máu Việt - Lào, di cư sau thời điểm Chính phủ hai nước hoạch định phân chia ranh giới vào năm 1978. Mười năm trước, chúng tôi gặp Pơloong Đíp trong làng Atu, sau hơn một giờ đồng hồ băng bộ. Xe máy bỏ lại bìa rừng. Một buổi chiều bảng lảng sương núi, buồn giăng mắc dưới những mái nhà, trong mắt người, khi đâu đâu cũng hằn in cơ cực.
“Chừ thì khác rồi. Có đường, người dân tình nguyện rời núi về sống tập trung ở khu tái định cư. Mặt bằng này, đất đai do người dân hiến tặng. Nhà nước kéo điện về, đưa nước sinh hoạt về, xây trường học mới nên cuộc sống không còn khổ như trước đây nữa” - Pơloong Đíp hồ hởi kể.
Ông Bríu Hồ - Chủ tịch UBND xã Ch’Ơm nói, ngoài Atu, nhiều ngôi làng khó khăn khác trên địa bàn xã như Đhung, Ch’nốc… cũng được đầu tư mặt bằng kết hợp hỗ trợ sinh kế. Ở xã, đảng sâm là dược liệu chính được phát triển mở rộng giúp người dân có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Nhiều lần đến rồi đi, nhưng chưa bao giờ chúng tôi tận thấy nét mặt tươi vui của những người ở núi khi nhắc về quê hương biên giới, như bây giờ. Sau những loay hoay tìm sinh kế, người địa phương cũng bắt đầu “bám trụ” được với những thức vật dưới tán rừng, trở thành “của để dành” của mỗi hộ vùng biên.
Bài toán khó, với Ch’Ơm, chính thức được giải kể từ khi địa phương hoàn thiện các mặt bằng định cư mới, giúp tháo gỡ rào cản tư duy cũ, kết nối hạ tầng giao thông, tạo cơ hội “mở đường” cho cộng đồng bán buôn, trao đổi hàng hóa...
2. Phía tây có quá nhiều điều lạ. Cũng mười năm trước, để lên đến nóc Kon Bin (xã Trà Linh, Nam Trà My), chúng tôi đã phải gò lưng băng bộ, có nơi đầu gối chạm mặt dốc. Một ngôi làng xanh thắm giữa trời mây.
Như kiểu một ban - công chìa ra từ độ cao hơn một ngàn mét, nhìn xuống thung lũng mây trời trắng xóa... Chuyến đi đó, chúng tôi gặp những người đàn bà đeo gùi, nối nhau băng theo con đường mòn qua một đồng cỏ rộng, về làng.
Thanh vắng và yên bình. Giản dị nhưng xinh đẹp. Ngôi làng ấy đã nằm vắt vẻo trên sườn núi Ngọc Linh, chỉ có gió núi Ngọc Linh và tiếng cồng, tiếng chiêng ngân vang trong những đêm hội làng. Có những người Xê Đăng trong trẻo và say mê, với rượu cần, với vũ điệu và âm nhạc của dân tộc mình...
Lần này trở lại, cánh đồng cỏ đã mất dấu. Con đường bê tông mới mở dẫn vào tận làng. Những nhà kho trữ lúa không còn, thay vào đó là nhà dân mới vừa dựng lại, sáng màu tôn. Kon Bin quá nhiều đổi thay.
Những mong chờ khao khát của người dân ở núi, rồi cũng đã chạm đến: từ ước mơ có thể đi xe máy vào tận làng, hay có một mái nhà kiên cố, vơi bớt những lắng lo mỗi khi mùa dông gió về. Trà Linh thành thủ phủ sâm Ngọc Linh, cơ cực cũng dần lui khi bà con tự biết cách làm giàu bằng thứ báu vật ở rừng.
Nhiều thứ tiện nghi có mặt ở góc núi này, thay cho yên vắng của những ngày tháng cũ. Một cuộc “đổ bộ” của văn minh. Tất nhiên, là thứ “văn minh” rộn ràng, thậm chí mang hơi hướng ồn ào của máy hát, của xe cộ, của điện thoại thông minh, loa kẹo kéo... Họ có quyền thụ hưởng, bằng chính nhu cầu rất thật của mình.
Không ai cấm cản, mà có muốn cấm cản cũng không được. Cư dân hào hứng với cuộc sống mới. Tất nhiên rồi, miễn là vui, và mê mải trong chút gì đó hồn nhiên như chính họ của ngày cũ. Chỉ khác, là đã vắng đi những đêm hoan ca, cồng chiêng rộn ràng bên đống lửa lớn giữa làng...
3. Hôm trước, chúng tôi nghe câu chuyện từ Bí thư Huyện ủy Tây Giang Bhling Mia về phát triển hệ thống giao thông vùng cao, mà xen giữa niềm vui lẫn sự lo ngại. Ông Mia nói, lần này là mở đường về Aur, một ngôi làng từng được ví như một “thiên đường hoang dại” giữa đại ngàn.
Ngôi làng nhỏ được phát hiện vào những năm 2000, tọa lạc ở vị trí giáp ranh giữa huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế) và Tây Giang (Quảng Nam). Sau này, Aur được xác lập tên làng, nhập về A Vương theo nguyện vọng của cộng đồng Cơ Tu bản địa.
Vài năm trở lại đây, giới “phượt thủ” mê Aur không khác gì điểm du lịch nổi tiếng. Chỉ trừ mùa mưa, hầu hết các tháng còn lại, Aur vẫn là lựa chọn số 1 cho những người thích khám phá, trải nghiệm.
“Sau nhiều cân nhắc, lo ngại phá vỡ không gian tự nhiên “quý hiếm” của làng, chúng tôi sẽ chỉ mở 2/3 đường về Aur, đoạn còn lại vẫn để như lâu nay giúp không gian sống cộng đồng không bị phá vỡ. Mở đường là để phát triển kinh tế - xã hội, giúp rút ngắn khoảng cách giữa làng với xã hội bên ngoài theo nguyện vọng của người dân Aur” - ông Bhling Mia nói.
Aur là một trong số 5 ngôi làng hẻo lánh, xa xôi nhất ở miền núi mà chúng tôi đã đặt chân đến trong những chuyến hành trình dài vào mười năm trước. Đó cũng là ngôi làng duy nhất còn giữ được nguyên hình hài, giữ được nếp sống và cả sự xinh đẹp ban sơ của mình, mặc cho ngoài kia, cuộc sống rùng rùng biến động.
Họ vẫn có cho mình một ngôi làng xanh mát, một con suối rất trong, khi nào cũng đầy ắp cá, và cuộc sống trong lành. Thứ đang hiện hữu ở Aur, mới chính là văn minh. Họ có một khu chăn nuôi tập trung, cách xa khu dân cư, mỗi sáng người làng lại lặng lẽ gùi thức ăn sang khu chăn nuôi để cho heo, trâu bò ăn.
Có khách, họ chỉ cần xuống suối, giăng một mảnh lưới nhỏ, bắt vừa đủ để đãi khách. Một tháng, có khi là vài tháng, họ mới lặn lội trở ra trung tâm xã, đổi mật ong, đổi gừng, đổi nghệ, mua lấy vài thứ cần thiết, rồi trở vào.
Họ có một cánh rừng bạt ngàn, nguyên thủy ôm ấp, chở che cho ngôi làng qua bão dông. Từ rừng, họ có mọi thứ... Nhưng liệu thứ văn minh ấy có đủ sức đề kháng trước những biến động của cuộc phát triển, khi một con đường lớn sẽ được mở, tiến dần về phía làng?
Nhiều ngôi làng, đã chỉ còn là ký ức. Vẫn có chút tiếc nuối khi nhớ về khoảng xanh mê mải bên đồi cỏ Kon Bin, hay những mái nhà tranh ám mùi khói bếp ở Atu... Để biết, phát triển, đôi lúc lại mang đến những mất mát mơ hồ...