Ngoài liên kết làm ăn, vận động sáng tạo ra nhiều mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác…, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều gia đình, nhóm hội, chủ yếu là những người trẻ đã tận dụng nguồn đầu tư của các tổ chức nước ngoài để xây dựng những mô hình hiệu quả.
“Thỏi nam châm” từ thanh niên
Trong quá trình lập thân lập nghiệp, nhiều thanh niên không chỉ vươn lên làm giàu chính đáng mà đã biết chủ động liên kết, thành lập các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) để cùng giúp nhau làm ăn lớn.
Ở thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình nhiều người biết đến HTX Thanh Niên, nơi tập hợp làm ăn kinh tế của 39 thanh niên trên địa bàn. HTX được thành lập vào đầu năm 2014 với hy vọng tập hợp được nhiều thanh niên cùng chí hướng để cung cấp nhiều sản phẩm sạch, an toàn đến tay người tiêu dùng như nước uống đóng bình, cà phê, các loại nấm… và trên hết là giải quyết việc làm cho nhiều lao động thanh niên đang thất nghiệp tại địa phương.
Thanh niên làm việc tại cơ sở của HTX Thanh Niên. Ảnh: L.T.N |
Anh Trần Hữu Tịnh (Bí thư Chi đoàn thôn 3, chủ nhân giải thưởng Lương Định Của của Trung ương Đoàn năm 2014), Giám đốc HTX cho biết trong số 39 xã viên thì có 22 người là bí thư chi đoàn thôn với tổng vốn góp được 600 triệu đồng. Ở tuổi 33, anh Tịnh ra dáng ông chủ nhiệm HTX. “Mình thích gọi là chủ nhiệm hơn. Giám đốc nghe “ghê gớm” quá, nhưng Luật HTX mới quy định phải là… giám đốc” - anh Tịnh cười nói. Anh Tịnh nói thêm: “Toàn huyện có 150 bí thư đoàn thôn, nếu vận động hết thảy cùng góp vốn thì sẽ có số vốn lớn để làm ăn, vừa giúp các bí thư có thu nhập, đoàn cơ sở có kinh phí hoạt động”.
Để tạo thêm nguồn thu, HTX đầu tư hệ thống sản xuất nước đóng chai mang thương hiệu Sức sống mới, công suất 250 bình/ngày, đạt tiêu chuẩn cho phép. 39 xã viên của HTX chính là chủ các đại lý phân phối sản phẩm. Với cách làm này, ngoài nước uống, các sản phẩm cà phê rang, dầu phụng, nấm… của HTX đã phủ khắp địa bàn huyện, giúp các thành viên có thêm thu nhập và các chi đoàn thôn có thêm kinh phí hoạt động. “Làm ăn phải có sự khác biệt, không nên thấy người ta làm rồi bắt chước làm theo. Thành lập HTX Thanh Niên với đa hình thức kinh doanh lấy ngắn nuôi dài, vừa tránh được rủi ro vừa tạo ra kết nối đoàn viên thanh niên tham gia, đưa sản phẩm về tận ngõ làng”- anh Tịnh tâm sự. Anh Trương Ngọc Anh, làm việc tại HTX cho biết: “HTX thành lập, từ một người không có việc làm ổn định, đến nay tôi đã có một công việc phù hợp, với mức thu nhập hằng tháng 3,5 - 4 triệu đồng, đủ trang trải cho cuộc sống”. Hiện, các xã viên tiếp tục vận động cán bộ, chi đoàn các thôn tiếp tục tham gia, huy động góp vốn để mở rộng quy mô hoạt động sản xuất và thị trường cho HTX.
Sự thành công từ mô hình HTX Thanh Niên đã tạo nên cảm hứng lập nghiệp cho không ít bạn trẻ. Mới đây nhất, cũng ở huyện Thăng Bình, anh Ngô Thanh Phong (chủ nhân giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng năm 2015) đã thành lập HTX nông nghiệp Phú Phong. Hiện HTX có trụ sở làm việc tại thôn Vĩnh Long, xã Bình Trung; kinh doanh các ngành nghề: dịch vụ thức ăn gia súc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản xuất, thu gom, cung cấp nông sản, cơ giới nông nghiệp. HTX gồm có 8 xã viên đều trong độ tuổi thanh niên với vốn điều lệ gần 2,5 tỷ đồng. HTX đang được Liên minh HTX tỉnh thẩm định dự án để tiến hành hoàn tất thủ tục giải ngân nguồn vốn. Anh Ngô Thanh Phong tỏ rõ quyết tâm: “Chúng tôi đều có tinh thần cầu tiến và biết phát huy sức mạnh tập thể để vươn lên trong cuộc sống. Đây là tiền đề quan trọng giúp mỗi thành viên làm chủ được mình trong quá trình lập thân lập nghiệp”.
Còn tại Điện Bàn, trong năm qua, các cơ sở đoàn đã vận động, tập hợp các mô hình kinh tế tương đồng nhau về cách thức làm ăn để thành lập mới 4 THT, gồm: THT nuôi thỏ Thành Đạt (xã Điện Hòa), THT thanh niên Điện Dương Vitank (phường Điện Dương); THT nấm rơm Quốc Huy (xã Điện Hồng); THT nuôi thỏ Hà Hải (phường Điện Ngọc). Đây là địa phương thành lập mới nhiều nhất các THT trong năm 2015. “Đây là kết quả bước đầu đáng phấn khởi, khẳng định vai trò của tổ chức Đoàn trong quá trình đồng hành với thanh niên lập thân lập nghiệp, làm giàu chính đáng. Những mô hình hiệu quả như thế này được ví như thỏi nam châm thu hút thanh niên tham gia tổ chức Đoàn - Hội” - Phó Bí thư Thị đoàn Đặng Hữu Tú nói.
Tính đến nay, toàn tỉnh xây dựng và duy trì 132 mô hình kinh tế thanh niên; 52 THT, HTX và câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Anh Phan Văn Bình - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh khẳng định: “Các mô hình câu lạc bộ, THT, HTX thanh niên hình thành, bước đầu đem lại hiệu quả, giúp họ có điều kiện chia sẻ kinh nghiệm, khuyến khích cá nhân, hộ gia đình tham gia phát triển kinh tế, tạo ra việc làm và nâng cao thu nhập. Trong điều kiện còn khó khăn, những mô hình liên kết như thế này đã chứng tỏ vai trò xung kích của thanh niên nông thôn, cổ vũ, khuyến khích họ lập nghiệp, làm giàu trên quê hương”.
LÊ THIÊN NGÂN
Nuôi heo kiểu Pháp
Từ những kinh nghiệm học được trong những năm bôn ba xứ người, anh Đỗ Quang Diên Khánh (thôn Vĩnh Quý, xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh) quay về quê hương để làm giàu. Trời không phụ lòng người, Khánh đang từng ngày vươn lên mạnh mẽ, là tiêu biểu của một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Năm 2003, sau khi tốt nghiệp trung cấp thú y, Khánh vào Đồng Nai xin làm việc tại một trang trại chăn nuôi lớn. Sau 3 năm, có chút kinh nghiệm và đồng vốn trong tay, anh quay về quê nhà xây dựng chuồng trại nuôi heo. Trang trại của Khánh nằm ở khu rừng Vàng, đây là 7 khu chăn nuôi riêng biệt với diện tích trên 5.000m2 với những hệ thống chuồng trại được xây dựng rất bài bản. Khánh cho biết, cách đây ít lâu anh được hội đồng tỉnh Côtes d’Amor (Cộng hòa Pháp) hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi heo siêu nạc đảm bảo an toàn sinh học. “Chăn nuôi theo cách của người Pháp rất nghiêm ngặt, giống nhập về phải nuôi riêng biệt từng loại như heo sinh sản, cai sữa, vỗ béo hay heo đến thời kỳ xuất bán. Giữa các khu đều phải xây dựng đường dẫn (như mương bê tông) để thuận tiện cho việc chăm sóc cũng như cho heo vào từng khu chuồng trại hợp lý…” - Khánh giải thích.
Mô hình nuôi heo theo công nghệ Pháp của anh Đỗ Quang Diên Khánh đang mang lại hiệu quả cao. Ảnh: NG.DƯƠNG |
Cũng theo Khánh, cách người Pháp chăn nuôi rất khoa học nên đảm bảo an toàn dịch bệnh. Khi heo giống nhập về, sẽ được nuôi nhốt một khu tách biệt, tại đây tiêm các loại vắc xin cần thiết cho heo. “Sau quá trình chăm sóc, theo dõi chừng 2 tháng, heo phát triển tốt, không có dịch bệnh thì lúc này mới đưa vào khu chăn nuôi. Hay heo con được sinh ra, sau khi tách mẹ sẽ nuôi một khu vực khác, con heo ở cùng độ tuổi, cách thức chăm sóc giống nhau nên rất dễ dàng. Cứ qua các công đoạn như trên, heo được di chuyển dần từ nhỏ cho đến lúc xuất bán ra khu vực dành cho việc cân và đưa lên xe” - Khánh nói thêm.
Nuôi heo theo phương cách của người Pháp đòi hỏi rất cẩn thận từ khâu chuồng trại cho đến khâu chăm sóc. Khi quyết định hỗ trợ, hướng dẫn Khánh nuôi heo theo công nghệ của mình, họ đã lên tận nơi để khảo sát từ hướng gió cho đến quy hoạch các khu vực chăn nuôi. Sau đó, họ vẽ bản thiết kế chuyển giao từng chi tiết cụ thể cho chuồng trại của Khánh. Thấy phù hợp nên sau khi nắm bắt được các công nghệ, anh bố trí lại chuồng trại.
Cũng từ đó, anh bắt tay vào nuôi heo theo công nghệ mới này. Từ 5.2015, anh nhập về 30 con heo nái siêu nạc, đến nay đã sinh sản. “Mỗi năm, 1 con heo mẹ sinh ra 20 con heo con, mình tiếp tục nuôi heo thịt. Do đó mình tự chủ động được từ con giống nên giảm được giá thành rất lớn. Với quy mô này, mỗi năm có đến 600 con heo thịt xuất chuồng. Tính ra, nguồn thu trừ chi phí tôi thu gần 1 tỷ đồng” - Khánh cho hay.
Bên cạnh hiệu quả mang lại từ đàn heo, công tác xử lý nước thải, đảm bảo môi trường cũng được chú trọng. Như trang trại của anh, xây dựng đến 2 hầm biogas, bao nhiêu chất thải được gom vào nên không ảnh hướng đến môi trường.
Từ những thành quả đạt được, Khánh và những người cùng chí hướng thành lập một tổ hợp tác (THT) chăn nuôi gia súc Kiên Dũng. “Trong xu thế hội nhập hiện nay, nếu người nông dân không liên kết với nhau thì khó có thể giữ vững được những thành quả đã đạt được. Từ những kinh nghiệm được chia sẻ, giúp nhau tạo đầu ra cho sản phẩm, chúng tôi có thể cùng nhau phát triển bền vững hơn” - Khánh nói.
Thành viên trong THT là anh Đoàn Ngọc Phước, thôn Vĩnh Quý, xã Tam Vinh và Hà Văn Tín, thôn Kỳ Phú, xã Tam Phước, huyện Phú Ninh. Hiện trang trại chăn nuôi mỗi người đặt mỗi chỗ, quy mô chăn nuôi trên 300 con heo nạc/người. “Từ ngày vào THT, thành viên nào cũng đều có phương thức khép kín từ con giống đến lúc xuất bán. Mỗi người đều nuôi heo sinh sản, mỗi lần heo con ra đời thì nuôi lớn bán heo thịt. Do đó tiết kiệm được khoản tiền rất lớn từ con giống. Cả 3 thành viên mỗi năm xuất trên 1.000 con, doanh thu 3 tỷ đồng, trừ chi phí, mỗi thành viên có lãi trên 300 triệu đồng” - anh Đoàn Ngọc Phước cho hay.
Theo anh Hà Văn Tín, trước đây khi chưa tham gia THT chăn nuôi này, gia đình anh cũng như các thành viên trong tổ chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ nên không có kinh nghiệm chăm sóc và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi. Do đó mỗi năm chỉ nuôi được 2 lứa, mỗi lứa nuôi từ 50 con đã là quá đạt. Từ khi vào THT, bản thân anh được tham gia các lớp tập huấn, được tư vấn về con giống, quy trình kỹ thuật chăm sóc, cách phòng bệnh, giúp cho đàn heo lớn nhanh.
“Mỗi khi xuất bán cho những đơn vị cần chứng từ, hóa đơn mình không còn lo lắng. Còn trước đây, phải thông qua thương lái để họ lo thủ tục, giờ mình bán trực tiếp, nên có được một khoản thu nhất định. Hiệu quả kinh tế từ THT đã mở ra hướng chăn nuôi hiệu quả cho các thành viên, từ đó có cuộc sống từng bước ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững. Sắp tới, THT gia nhập thêm nhiều thành viên, qua đó để chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau” - anh Tín cho hay.
“Ngoài ra việc được cung ứng vật tư, giống đầu vào cũng rẻ hơn so với khi chưa tham gia THT. Việc đưa khoa học kỹ thuật, thực hiện sản xuất kinh doanh theo quy trình cũng mang lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao hơn so với trước đó. Hơn nữa, khi tham gia THT muốn vay vốn đầu tư sẽ được ưu đãi về lãi suất” - anh Phước nói.
NGUYỄN DƯƠNG