Những mô hình nuôi thủy sản hiệu quả

NGUYỄN QUANG VIỆT 16/10/2013 13:42

Mô hình nuôi hàu và nuôi tôm càng xanh trong thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh đã giúp các nông hộ cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống.

Mô hình nuôi hàu giúp cải thiện sinh kế cho nhiều hộ dân.Ảnh: Q.VIỆT
Mô hình nuôi hàu giúp cải thiện sinh kế cho nhiều hộ dân.Ảnh: Q.VIỆT

Nhân rộng mô hình nuôi hàu

Những ngày qua, tại vũng An Hòa (xã Tam Hải, Núi Thành), nhiều gia đình ngư dân vào vụ khai thác hàu tự nhiên. Ông Ngô Bá Lai (thôn Long Thạnh Tây, Tam Hải) cho biết: “Dầm mình trong nước từ sáng đến chừ, hai vợ chồng chúng tôi bắt được chừng 300 con hàu, thu được khoảng 300 nghìn đồng. Không biết điều kiện sông nước ở đây phù hợp thế nào mà hàu sinh trưởng rất nhanh. Nghề sông nước nhọc nhằn nhưng nguồn thu nhập này giúp chúng tôi đủ chi tiêu trong gia đình”. Ông Lai kể, cách đây khoảng 10 năm, gia đình ông nuôi tôm nước lợ tại các diện tích rừng ngập mặn nhưng do nguồn vốn ít, đầu tư không hiệu quả nên bỏ ao nuôi. Từ đó, gia đình chuyển sang khai thác nguồn lợi ven biển. Mặc dù thu nhập không cao nhưng mỗi ngày thu hoạch được chừng 15 - 20kg hàu cũng giúp gia đình ổn định cuộc sống.

Ở các khu vực Cửa Lở và An Hòa (huyện Núi Thành), hàng ngày có hàng trăm người dầm mình dưới nước để bắt hàu. Mỗi ngày, một gia đình gồm 2 người có thể khai thác được 15 - 25kg. Nhờ khai thác hàu tự nhiên nên thu nhập của chúng tôi cũng đủ sống. Nguồn lợi ở đây khá phong phú nhưng nhiều nhất vẫn là hàu” - ông Bùi Xuân Phải (thôn Xuân Mỹ, Tam Hải) nói. Theo ông Nguyễn Đình Sơn - Phó phòng NN&PTNT huyện Núi Thành, nguồn lợi tự nhiên ở các vũng An Hòa hay Cửa Lở giúp nhiều người dân cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, nguồn lợi này có thể sẽ bị suy giảm do tác động xấu của con người và tự nhiên. Để ổn định cuộc sống cho các hộ dân, có thể tận dụng thành công của các mô hình nuôi hàu được triển khai trong thời gian gần đây trên địa bàn huyện, giúp họ học tập, tham khảo để triển khai nuôi hiệu quả trong thời gian đến. Thực tế đã cho thấy, các mô hình nuôi hàu của gia đình ông Bùi Ngọc Hoành (thôn Xuân Mỹ, Tam Hải) và ông Lê Tấn Ích (thôn Long Thạnh Tây, Tam Hải) đem lại lợi nhuận không dưới 50 triệu đồng/năm.

Tại hội thảo “Thực hiện mô hình nuôi hàu đơn tại Quảng Nam” do Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam tổ chức tại xã Tam Hòa mới đây, cả những hộ triển khai mô hình và những nông hộ sinh kế bằng nghề khai thác hàu tự nhiên đều đề nghị ngành chức năng cần có cách thức phù hợp giúp họ nuôi bền vững loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ này. Còn ông Võ Văn Năm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng thực tiễn sản xuất đã cho thấy, nuôi hàu phù hợp với các đặc điểm tự nhiên của sông ngòi Quảng Nam nên cho hiệu quả kinh tế tương đối cao. Việc giúp các nông hộ, các hộ ngư dân tiếp nhận quy trình nuôi hàu để triển khai trong thời gian đến là rất cần thiết. Điều này vừa mở rộng các đối tượng nuôi thủy sản, tận dụng diện tích mặt nước vừa ổn định sinh kế cho người dân ven biển.  

Triển vọng nuôi tôm càng xanh

 Tôm càng xanh xuất hiện trở lại tại các dòng sông trên địa bàn tỉnh là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy loài thủy sản có giá trị kinh tế cao có thể sinh sống được tại các môi trường sông nước Quảng Nam. Tôm càng xanh giống được ươn thành công tại Quảng Nam tạo điều kiện nuôi đại trà loài thủy sản này. Lần đầu tiên, tôm càng xanh được nuôi tại các ao trên địa bàn tỉnh là vào tháng 4.2013 bởi các gia đình ông Ngụy Liền và Võ Hường (cùng trú tại thôn Đồng Nà, Cẩm Hà, TP.Hội An). Ông Ngụy Liền cho biết: “Qua tìm hiểu, tôi được biết nuôi tôm càng xanh giống như nuôi tôm thẻ chân trắng nhưng dễ hơn bởi quy trình nuôi không khắt khe. Tôm càng xanh có giá trị kinh tế cao (600 nghìn đồng/kg) nên gia đình chúng tôi quyết tâm nuôi thử nghiệm”.

Bắt tay nuôi tôm càng xanh, gia đình ông Ngụy Liền thả “chà” khắp ao nuôi bằng lá dừa để tôm trú ẩn, đồng thời tránh trường hợp tôm ăn thịt lẫn nhau khi lột xác. Sau khi thả chà, ông Liền thả 2.400 con giống (cỡ 70 - 80 con/kg) trên 0,2ha ao nuôi. “Sau 6 tháng thả nuôi, gia đình chúng tôi thu hoạch được xấp xỉ 100kg tôm, bán được hơn 50 triệu đồng, trừ chi phí lãi hơn 20 triệu đồng. Từ kinh nghiệm tích lũy được, sang năm chúng tôi sẽ nuôi sớm hơn, quản lý môi trường nước tốt hơn để tôm phát triển” - ông Liền nói.  

Giống như gia đình ông Ngụy Liền, tháng 4.2013, gia đình ông Võ Hường cũng thả nuôi 2.400 con giống tôm càng xanh trong ao nuôi 0,2ha với quy trình nuôi tương tự. Gia đình ông cũng thu nhập được hơn 20 triệu đồng sau 6 tháng thả nuôi. “Tôm càng xanh là đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế rất cao. Tôm phát triển rất nhanh khi độ mặn trong ao nuôi dao động từ 0 - 5 phần nghìn. Do yêu cầu về độ mặn khi nuôi nên thời điểm thích hợp nhất để thả nuôi là cuối năm. Để tôm sinh trưởng tốt, rất cần đầu tư kỹ cho nguồn nước. Nguồn nước càng đảm bảo thì càng rút ngắn được thời gian thu hoạch” - ông Hường nói.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những mô hình nuôi thủy sản hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO