Những món hàng riêng biệt

02/02/2014 17:02

 Có món hàng là sản vật riêng biệt vùng miền tạo nên hương sắc của chợ quê. Lại có loại chợ chỉ bán thứ hàng duy nhất. Ở góc nhìn ấy, chợ thể hiện những sắc màu độc đáo của vùng đất, con người xứ Quảng…

Nón

Những dân binh ở Thanh Hóa đầu tiên vâng lệnh vua Lê Thánh Tông, theo chân đề đốc Hùng Long Hầu Lê Quý Công vào lập nên làng Mỹ Xuyên, đã mang theo nghề chằm nón. Ban đầu nghề này chỉ giải quyết việc làm cho phụ nữ và trẻ em là chính, sản phẩm làm ra chưa thành hàng hóa như sau này.
Năm 1947, quân Pháp đánh vỡ tuyến phòng thủ phía nam sông Thu Bồn, nhân dân theo lệnh của Chính phủ Việt Minh thực hiện “vườn không nhà trống”, tản cư vào Quế Sơn, Hiệp Đức. Ở đó, đàn ông đi làm ruộng, làm rừng, phụ nữ và trẻ em làm nghề chằm nón. Quế Sơn có sẵn các loại vật liệu để làm chiếc nón lá như tre để chẻ vành, lá nón sẵn trên núi, có cây đoác để quấn vành và chằm thay cho chỉ tơ và dầu rái để đánh nón khi chằm xong. Quế Sơn có chợ nón là chợ Đụn ở Quế Thuận nên làm ra đến đâu bán ngay được đến đó, góp phần chống đói cho dân tản cư. Sau kháng chiến chống Pháp, đồng bào hồi cư và tiếp tục nhân rộng nghề chằm nón. Số người bán nón ngày một nhiều nên chợ nón Mỹ Xuyên ra đời.

Chợ nón Mỹ Xuyên (sau gọi là chợ Xuyên Mỹ) đông từ lúc sáng sớm hàng ngày. Người mua đã quen mặt nên biết nón của ai chằm đẹp, không cần coi kỹ mà chỉ đếm số lượng và trả tiền, cũng có khi người chằm nón mượn tiền trước chằm xong mới trả dần. Lúc nón lá ế ẩm có câu tục ngữ chua chát “nghề xỏ lá chẳng khá hơn ai”, nhưng có một điều phải ghi nhận là vào những năm còn khó khăn, nghề chằm nón là nghề kiếm cơm của người dân nghèo, thậm chí khi chạy giặc thì đầu đội chiếc khuôn, tay cầm cái mác, cái kéo, ôm bó lá vành, đi đến đâu cũng không sợ đói...(QUANG CÂN)

Củi

Những gùi củi oằn lưng các amế (mẹ), ati (chị) là hình ảnh đặc trưng cho vùng cao Đông - Tây Giang. Rong ruổi khắp các ngả đường, củi trở thành một đơn vị đếm đong cho bữa cơm, con cá, mớ rau... về làng, về bản. Thế nên, có hẳn một “làng gùi củi” ở thị trấn P’rao (Đông Giang), ngày nào cũng gùi củi rừng bán rong.

Ảnh: PHƯƠNG GIANG
Ảnh: PHƯƠNG GIANG

Mỗi gùi củi chỉ có giá từ 5 – 10 nghìn đồng, mỗi ngày vài ba lượt cũng đủ cho những người phụ nữ mang về khi thì con cá, mớ rau, khi thì vài ba tập vở cho con đến trường. Chị Alăng Thị K’dó, có hơn 20 năm bán củi ở thị trấn P’rao, chia sẻ: “Đi rẫy thì tranh thủ kiếm thêm bó củi mang về, sáng sớm lại ra chợ bán. Buổi chiều đi dọc các hàng quán cũng bán được vài gùi, đỡ lắm”.

Nói là sẵn, nhưng mang củi về cũng phải phơi khô, chẻ nhỏ, củi cũng phải lựa loại cây dễ cháy, than đượm... mới bán được. Thu nhập thấp, lại cần sự tỉ mỉ, chịu khó nên những người bán củi đều là phụ nữ. Được cái giá rẻ, lại là thứ hàng thông dụng nên hàng chục năm nay việc bán củi vẫn được duy trì. Sáng sớm họp chợ, amế, ati đã tranh thủ gùi củi đến, chiều về lại bán rong ở các hàng quán. Chẳng cần rao, chỉ thấy gùi củi cao quá đầu người là đã “nhận dạng” được người bán củi. Khách hàng cũng là những người đã quen, nhiều khi “đặt mua” luôn theo tháng, miễn cứ đến chiều giao củi để chuẩn bị bán buôn cho ngày hôm sau. Giản đơn là thế, nhưng cũng giúp vơi bớt nhọc nhằn, bếp lửa có thêm cá, thêm thịt cho người vùng cao.(PHƯƠNG GIANG)

Lòn bon

Hằng năm, vào cuối tháng 8 âm lịch, lòn bon - loại trái cây đặc sản của vùng quê Tiên Phước, tương truyền từng được vua Gia Long đặt tên là Nam trân, chín rộ. Và chợ lòn bon cũng hình thành và tấp nập người mua kẻ bán. Chỉ kéo dài chừng hơn một tháng nhưng chợ lòn bon ở thị trấn Tiên Kỳ trải cả thảm vàng tươi gọi mời khách vãng lai dừng chân ghé lại. Sau khi nếm thử, ai cũng mua mươi cân “trái quý phương nam” (giá chừng 20 - 25 nghìn đồng/kg) về làm quà cho bạn bè, người thân…

Chẳng rõ cây lòn bon có mặt tự bao giờ ở nơi gò đồi nhấp nhô có con sông Tiên hiền hòa thơ mộng với dòng chảy ngược từ đông sang tây. Tôi chỉ biết cây lòn bon hiện diện ở vùng quê Tiên Phước từ lâu lắm rồi. Nó là loại cây trái trồng để ăn chơi, bởi trước đây, ở quê tôi, trái cây ít người bán mua. Trái lòn bon có nhiều “ưu điểm vượt trội” so với các loại trái cây khác. Tính mát và lành. Hồi nhỏ, đến mùa lòn bon, đi học về, tôi leo tót lên cây lòn bon lúc lỉu những chùm quả vàng thu ở phía sau nhà, hái ăn thỏa thích, nhiều hôm bỏ cả cơm trưa. Không xót ruột. Không nặng bụng. Vì thế, ở quê tôi, hầu như nhà nào cũng trồng cây lòn bon. Nhiều, cả trăm cây. Ít, vài ba cây.

Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Mấy năm gần đây, cây lòn bon đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho các gia đình, vì vậy ai cũng trồng loại cây này. Chính quyền địa phương nhận thấy cây lòn bon đã góp phần giúp người nông dân thoát nghèo hiệu quả nên khuyến khích và tạo điều kiện cho họ mở rộng diện tích lòn bon. Ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết: “Cả huyện hiện có trên 240ha cây lòn bon, trong đó có 140ha đã cho thu hoạch. Các xã Tiên Châu, Tiên Mỹ, Tiên Cảnh, Tiên Kỳ… là những địa phương trồng lòn bon nhiều nhất”. Đặc biệt ở Tiên Châu có không ít gia đình trồng vài ba nghìn cây lòn bon trong vườn nhà, vườn đồi. Tất nhiên, khoản tiền do cây đem lại sau mỗi mùa thu hoạch cũng khá lớn.
Khi cơn gió heo may thay thế cho những ngọn gió Lào cũng là lúc lòn bon đến mùa quả ngọt. Các quầy trái cây dọc tuyến đường liên huyện Tiên Phước - Bắc Trà My tràn ngập sắc màu vàng tươi của loại “trái quý phương nam”. Vị chua ngọt với mùi thơm dịu nhẹ đặc trưng của trái lòn bon luôn có sức hấp dẫn mọi người. Và sự lành tính của loại trái cây này khiến tất cả yên tâm “ăn hoài mệt nghỉ”. Vì thế, chợ lòn bon Tiên Phước mở ra là dân buôn từ các nơi như Tam Kỳ, Đà Nẵng, Hội An, Quảng Ngãi… lại đưa xe tải về vùng quê Tiên Phước chở lòn bon đem đi tiêu thụ. Những chùm quả vàng thu đã đi vào thơ ca nhạc họa…(HỮU LÂM QUÊ)
Gạo

“Ai về Phong Thử là quê

Trước bàu sau chợ giếng kề một bên”

Câu ca xưa gắn liền với địa danh Phong Thử (Điện Bàn) mà cụ thể là chợ Phong Thử với những sản vật của một vùng quê trù phú ven sông Thu Bồn. Chợ Phong Thử có từ lâu đời, vốn tọa lạc ở vùng đất trũng thấp biền đất Ba Long như câu ca mô tả. Vào năm 1942, cử nhân Phan Thúc Duyện đã huy động sức người, sức của dời chợ về vùng đất cao ráo, thuận tiện cho việc đi lại, giao lưu buôn bán. Nơi ấy cách chợ mới Phong Thử được di dời lần thứ 3 vào năm 1995 khoảng 100m về hướng đông.

Theo ký ức của các bậc cao niên trong làng, tiền nhân vào khẩn hoang, lập ấp từ hơn 400 năm trước và sau đó vài đời thì hình thành chợ đông đúc. Chợ có gạo đặc sản của vùng đất trù mật Thu Bồn. Gạo Phong Thử là gọi chung thứ gạo được làng Phong Thử và các vùng tứ cận như Giáng La, Châu Lâu, Bì Nhai, Kỳ Lam (Điện Thọ), Hạ Nông, Bất Nhị, Nhị Dinh (Điện Phước), Cẩm Văn, Cẩm Lý, Giáo An, Giáo Ái (Điện Hồng) và cả vùng đất Giao Thủy, Đại Hòa (Đại Lộc) đem xuống bán tại chợ Phong Thử.

Gạo Phong Thử hạt đều, chắc mẩy, cơm ngon trắng dẻo để nguội không cứng còn chế biến bún mỳ thì hàm lượng tinh bột cao, dễ bảo quản… Trong ký ức tôi không bao giờ quên thời bao cấp mặt hàng gạo là lương thực chủ yếu do Nhà nước thống nhất quản lý, một ang gạo đem lọt ra khỏi chợ Phong Thử bán ở Đà Nẵng lên giá gấp rưỡi, gấp đôi. Những năm 80 của thế kỷ trước, những học trò xứ Quảng ra Huế học, các mẹ các chị thường rang gạo, xay gạo trộn với đường bát để con lót dạ trong những tiết trời mưa rét… Ngày đó chúng tôi chia nhau từng muỗng bột ở ký túc xá với bao kỷ niệm thân thương vui buồn của thời sinh viên gian khó. Mỗi khi xuân về, tết đến thì gạo nếp Phong Thử làm nên những bánh ít, bánh in, bánh nổ và không thiếu món bánh tét đậm đà hương quê.

Bây giờ sống xa quê, ở thành phố, ăn gạo đóng bao được chế biến, đánh bóng bằng công nghệ hiện đại từ vùng đất Cửu Long nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn về quê đem gạo vào ăn. Mỗi khi bưng bát cơm gạo quê trong tôi lại hiện lên nỗi nhớ tiếng kẽo kẹt nặng nề của chiếc cối xay tre theo nhịp tay quay rắn chắc, thấm đẫm mồ hôi của cha và điệu sàng sảy gạo của mẹ, của nhà “hàng xáo” để kịp làm ra sản phẩm bán cho những buổi chợ sớm mai...(QUANG MƯỜI)

Heo con

Trừ ngày tết và những đợt “cấm dịch”, từ hàng chục năm nay, chợ heo con Hà Lam hầu như chưa ngơi nghỉ. Cứ đều đặn từ 5 giờ đến 9 giờ mỗi sáng với mặt hàng duy nhất là heo con, những “cạp rọ” heo con theo chân lái buôn đi khắp mọi miền Tổ quốc, thậm chí “xuất ngoại”.

Nằm cách ngã tư Hà Lam chưa đầy 500m, là một khoảng đất rộng với la liệt những rơm rạ, lồng heo, chợ họp rất đông đúc. Mấy chục năm qua, chợ heo con Hà Lam trở thành đầu mối cung cấp heo sữa, heo giống tiếng tăm. Heo con mang đến chợ khoảng 25 ngày tuổi trở lại, thường được thả trong một chiếc quây tre, dưới lót rơm, người mua chỉ việc chọn bắt, kiểm tra trọng lượng và trả tiền. Có một quy ước mua bán đã thành “luật bất thành văn” ở chợ là heo con  chỉ cân nặng từ 2,6 ký đến dưới 4 ký. Giá của heo con cũng cố định trong khoảng quy ước, khoảng 140 nghìn đồng/con ở thời điểm hiện tại. Anh Ngô Văn Ngọc, (xã Duy Nghĩa Duy Xuyên), có hơn 27 năm làm nghề lái heo ở chợ, cho biết: “Nếu đem heo con lớn hơn đến chợ thì không những thiệt thòi vì giá đã quy ước, mà có khi còn phải chịu lỗ mang về vì người mua không thích. Heo con chỉ cần thiếu một lạng, lập tức tụt giá xuống 100 nghìn đồng/con ngay”.

Ảnh: THÀNH CÔNG
Ảnh: THÀNH CÔNG

Qua miền quê đất Quảng còn có ngôi chợ Bà Rén cũng bán heo nhưng không chuyên biệt một thứ heo con như ở Hà Lam.

Heo con ở chợ Hà Lam được bán mua chủ yếu theo từng “cạp rọ”, mỗi “cạp rọ” từ 6 đến 10 con. Nguồn heo cung ứng cho chợ là đội ngũ lái heo đông đảo tỏa đi khắp các huyện, nhỏ thì chở từng lồng bằng xe máy, lớn thì dùng xe tải. Trải qua nhiều lần xê dịch địa điểm, chợ heo con vẫn tồn tại đến tận ngày nay, là nét duyên cho một miền quê xứ Quảng.(THÀNH CÔNG)

Rau rừng

Sáu giờ sáng, chị Hồ Thị Hồng Tính cùng với một số bạn buôn đã chở hàng ra chợ rau sạch nằm đối diện trường THPT Nam Trà My để bán. Theo lời chị Tính, cách đây 3 tháng Hội Phụ nữ tới tận nhà thuyết phục rồi cho mượn 1 triệu đồng làm vốn mua rau, lại bố trí chỗ cho bán nên cũng liều nghe theo, giờ thì  mỗi ngày trừ chi phí xe cộ tiền lời được 150.000 – 200.000 đồng. Chị Tính cho biết thêm, lúc đầu chị cũng lo lắng vì sợ không bán được, nhưng không ngờ rau rừng và rau người dân trồng trên nương rẫy bán rất chạy. Ngày nào hàng rau rừng cũng đắt khách, nhất là vào thứ Sáu hằng tuần vì cán bộ tới mua để chở về xuôi.

Ảnh: THIÊN NGA
Ảnh: THIÊN NGA

Buổi chiều chúng tôi theo chân chị Tính đi thu mua rau tại thôn 1, Trà Don. Vừa nghe tiếng xe chị ngay đầu bản, bà con đã tự động đem một ít rau dớn, có người lại cõng một gùi măng, một mớ rau lủi, ngò gai… đến bán. Bán được 50.000 đồng măng đắng hái từ rừng về, bà Hồ Thị Tuyết phấn khởi: “Lúc trước rau rừng hay rau trồng chỉ để ăn, vì rất ngại đem xuống huyện bán, mà có đem xuống huyện thì không biết bán cho ai, phải cõng đi từng nhà rất mệt, bây giờ  có chị Tính lên mua tận nhà nên mình bảo gia đình trồng nhiều rau trên rẫy và bảo con đi hái măng, hái rau trong rừng về bán lấy tiền mua mắm, mua cá khô ăn mùa mưa”.

Bà Hồ Thị Minh Thuận, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Nam Trà My, cho biết: “Cả huyện có 7.000 hội viên phụ nữ, trong đó diện nghèo chiếm trên 80%. Phần lớn chị em là người đồng bào dân tộc Co, Xê Đăng, Ca Dong chưa biết cách buôn bán để tăng thu nhập cho gia đình. Trong khi đó nguồn rau rừng tự nhiên dồi dào, nhiều nhất là ở các xã Trà Tập, Trà Linh… đang được ưa chuộng mà không tìm được nơi bán hàng tập trung. Vì vậy, hội đã trích quỹ 20 triệu đồng xây dựng nhà gỗ làm nơi bán rau sạch, cho mỗi hội viên đăng ký bán rau tại chợ vay không lãi 1 triệu đồng để làm vốn ban đầu. Chúng tôi cũng hướng dẫn cách buôn bán cho chị em. Bước đầu, chợ đã thu hút khách, chị em có thu nhập hằng ngày, sắp tới chúng tôi dự định sẽ làm nơi bỏ rau lại cho các tiểu thương miền xuôi vì rau rừng rất được các nhà hàng dưới đó ưa chuộng”.

 Chị Nguyễn Thị Dung công tác ở huyện, nhà ở Bắc Trà My, cứ cuối tuần lại ghé đến chợ mua rau về cho cả nhà dùng, chị bảo: “Mua rau ở đây yên tâm, vì rau rừng không hề có thuốc bảo vệ thực vật. Rau rừng sạch, an toàn nên ăn lúc nào cũng ngon hơn là rau mua ngoài chợ từ dưới xuôi lên”.(THIÊN NGA)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những món hàng riêng biệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO