(QNO) - Đã quá một giờ, nắng như hắt lửa trên đoạn phố thưa bóng cây che. Tôi dừng xe trước quán cơm quen, vừa kéo ghế ngồi là mồ hôi đã lấm tấm trên mặt. Lại một ngày cắt điện ở đây khi chiếc quạt trần vẫn im ỉm, chị nhân viên đứng bên tủ thức ăn phe phẩy chiếc quạt để xoa bớt oi bức. Khách thưa, không cần hỏi, chị chủ quán vẫn biết tôi dùng gì bởi tôi là khách quen của quán chị. Bà mẹ của chị chủ quán mang phích trà đá từ phía nhà dưới lên rót cho tôi một ly. Tôi biết đây là món dành cho người nhà quán bởi cũng như nhiều quán ăn khác ở vùng này, chỉ khi nào thực khách yêu cầu nhà quán mới cho pha trà đá để thay cho món trà nóng, trà nguội. Đói và khát, tôi uống liền hai ly trà lạnh.
Cơn nắng nóng vẫn đang cao điểm. Nhưng tôi đã thoát dần cái oi bức và khoẻ ra nhờ những ly trà mát lạnh. Và chị chủ quán đã đưa phần cơm đến cho tôi. “Ủa, sao chị lại không cho cơm dĩa mà lại là cơm phần?” – tôi định nói thế bởi cách ăn quen thuộc của tôi ở quán chị là vậy, nhưng tôi chưa kịp nói thì chị đã lên tiếng trước: “Ngày “của các anh” qua đã lâu lắm rồi. Nhưng lâu ngày mới thấy anh đến, anh phá lệ, cơm phần một bữa cho “ngày ấy” nhé!”. “Xin cảm ơn chị!” – tôi đáp lời rồi tay chén tay đũa vào bữa.
Tôi hay ăn ở quán cơm của chị mỗi khi đến thị xã quê chị, đã mấy năm rồi, dù tôi không thổ lộ công việc của mình vậy mà chị vẫn biết. Quả là một ngày vui dù là một ngày cày cục với công việc. Trả tiền cơm xong là tôi phải đi ngay cho mớ việc còn lại.
Cũng trong buổi mai này, mới 6 giờ, vừa đặt ba lô lên xe tôi lại nhận được một tin nhắn. Mở tin xem, thì ra một người bạn ở xa gởi đến lời thăm hỏi. Tôi dong xe đi, con đường như êm ái hơn, tôi như vừa được một tách cà phê buổi sớm ngon lành. Tôi đã trải qua một buổi mai làm việc cật lực nơi vùng quê hẻo hút cũng là nhờ phần năng lượng từ lời thăm của bạn. Giữa cuộc sống trăm phần bận rộn, giữa những xô bồ, những nghiêng ngửa của tình đời, ai đó còn nhớ đến nhau bằng chút tình không vụ cầu, không giao đãi làm sao mà không quý!
Người làm báo nhiều khi phải đối mặt với những khoảng trống, những cảm giác đơn độc không cùng, nhất là ở những nơi xa nhà mình ngót ngàn cây số, hay những phức tạp của vấn đề chưa biết phải xử trí ra sao. Những lúc ấy, thật kỳ lạ, chỉ một cú điện thoại, một tin nhắn thăm hỏi bất chợt của bạn bè, của người quen sẽ giúp đổi thay tâm thế mình một cách tốt lành.
Cũng dịp 21.6, năm 2006, tôi đang trong ngày thứ ba ở một huyện vùng cao cho một đề tài tốn nhiều công sức. Lội rừng, vượt sông, và đói bụng, đến giữa trưa không ngờ tới được vùng phủ sóng khi đi đến một đồi cao, tôi bỗng nhận được lời chúc qua tin nhắn đến trễ của người bạn ở xa.
“Tình yêu nghề giúp vượt qua tất cả!” – lời chúc ngắn đó như cho tôi thêm sức xuyên rừng, vượt dốc, chịu đói, gần xế chiều thì đến nhà một thiếu phụ bị nhiễm bệnh mà tôi cần tìm đến cho phóng sự chuyên đề qua thông tin thu được từ người địa phương. Nhưng khi tôi đến nơi thì người thiếu phụ ấy vừa mới trút hơi thở bên túp nhà sàn chỉ có đứa con nhỏ ở trần, thi thể chị chỉ da bọc xương vì nhiễm bệnh nan y từ những người tứ chiếng giang hồ tạt qua quê chị trên bước làm ăn. Và bức hình người mẹ trẻ bất hạnh ấy đã gây xúc động mạnh người xem.
Lời chúc muộn! Có lẽ nhiều người cũng nhận được những lời chúc muộn từ bạn bè hay người quen biết vào những dịp lễ lạt cá nhân hay của ngành nghề, hội đoàn của mình. Chắc là mỗi người có cách cảm nhận riêng về những lời chúc đó. Với mình, tôi thích gọi những lời chúc như thế là những món quà muộn - chúng đến từ lắng đọng, hồi nhớ nhưng có thể ân tình hơn, nồng ấm hơn những món quà vật chất được trao gởi đến đúng hạn kỳ cốt mang tính thù tạc, đối đãi. Những khi gặp những ấm lạnh tình đời, những phút suy tư, hồi tưởng thì những kỷ niệm, những ân tình như thế lại giúp tôi nhẹ lòng, bồi bổ lại niềm tin tốt lành từ cuộc sống.
Tôi không muốn lạm dùng chữ “duyên”, nhưng tôi không thể không nói dường như mình luôn có duyên với khá nhiều những món quà muộn như thế trong suốt những năm dài ruỗi dong với nghề nghiệp, và có lẽ sẽ tiếp tục còn nữa. Thật nhẹ nhàng, thanh thoát, nhưng cũng thật sâu đằm, nồng thắm cái món quà chỉ bằng những lời đơn sơ đến muộn ấy! Và, nếu không nói ra, tôi lại như người mắc nợ – cái ân tình đã giúp mình thêm sức cho nghề nghiệp vốn thường trải mình đơn độc qua những miền đất xa xôi này!
HUỲNH VĂN MỸ