Năm mươi năm sau ngày giải phóng, ký ức về đất và người Hiệp Đức một thời lửa đạn vẫn hằn in trong tâm khảm những người lính, dù nơi đây cây đã nở hoa, đất đã phủ xanh màu bình yên...
Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Trí - nguyên Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ Bộ Quốc phòng, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 38 - đơn vị trực tiếp tham gia chiến đấu giải phóng Hiệp Đức vào ngày 30.4.1972 hỏi tôi: “Ở Hiệp Đức nhưng ở đoạn mô? Bình Lâm, Quế Thọ hay Phước Trà?”. Đúng y chất Quảng không lẫn vào đâu được. Tôi nói Quế Thọ. Ông lặng im một lát, rồi chợt à lên: “Điểm yết hầu mở màn chiến dịch đánh và giải phóng Hiệp Đức ngày nào, giờ đã nửa thế kỷ”...
Ký ức hào hùng
Nhớ lại hồi đó, theo kế hoạch lúc 0 giờ 15 phút đêm ngày 9 rạng sáng 10.4.1972, Tiểu đoàn Đặc công 409 Quân khu 5, Đại đội Đặc công Trung đoàn 31 nổ súng tấn công địch. Sau mấy mươi phút chiến đấu, quân ta đã tiêu diệt cứ điểm Liệt Kiểm, Chư Gan. Từ ngày 9 - 12.4.1972, địch đã nhiều lần đưa quân phản kích, hòng chiếm lại Chư Gan và Liệt Kiểm nhưng đều vấp phải sự chống trả quyết liệt của ta nên rút chạy.
Tiếp đó, chủ lực ta chủ yếu là Trung đoàn 38 cùng lực lượng bộ đội địa phương, du kích đánh và diệt gọn hai trung đội dân vệ, giải phóng ấp Phú Cốc (Quế Thọ) vào đêm 14.4. Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 31 từ Liệt Kiểm phát triển xuống làm chủ ngã ba Đồng Tranh, tiếp đó giải phóng luôn xã Bình Lâm.
Đêm 29.4.1972, trong khí thế bừng bừng xung trận diệt thù, quân ta tập kích chiếm cứ điểm Gò Chùa. Từ Gò Chùa khống chế Đồi Sơn, trực tiếp uy hiếp chi khu quận lỵ Hiệp Đức. Ngày 30.4.1972, quân ta làm chủ quận lỵ và Hiệp Đức hoàn toàn giải phóng, trước ngày miền Nam giải phóng 3 năm.
“Trước đó, để đáp ứng yêu cầu chiến trường, ngay từ tháng 11.1971, Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu quyết định thành lập Sư đoàn 711 gồm hai Trung đoàn 31 và 38, sau bổ sung thêm Trung đoàn 9 từ Quảng Trị vào tăng cường cho vùng tây của chiến trường Quảng Nam.
Từ năm 1972, thực hiện chủ trương của Trung ương, Khu ủy, ta quyết định mở mặt trận ở Tây Bắc Quảng Nam và Tây Nam Quảng Đà, gồm vùng tây Thăng Bình, Tiên Phước, Phước Lâm, Hiệp Đức (Quế Tiên cũ), Nông Sơn, An Hòa nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch để giải phóng Hiệp Đức” - Thiếu tướng Nguyễn Văn Trí cho biết thêm.
Giải phóng Hiệp Đức là sự kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại, tác động to lớn đến tình hình trên chiến trường Quảng Nam và cả Khu 5, góp phần xứng đáng cùng với nhân dân và lực lượng vũ trang miền Nam giáng cho địch đòn quyết định trong tổng công kích năm 1972, đập tan cánh cửa phòng thủ của địch ở tây Quảng Nam.
Những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hiệp Đức trở thành căn cứ vững chắc cho cả chiến trường Quảng Nam, Quảng Đà và là chỗ dựa vững chắc cho Căn cứ Khu ủy 5 đứng chân để tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến ngày toàn thắng. Căn cứ Khu ủy Khu 5 được chuyển từ Nước Oa, Trà My về Phước Trà, Hiệp Đức giai đoạn 1973 - 1975.
Sâu nặng nghĩa tình
Nhắc về kỷ niệm với Hiệp Đức, Thiếu tướng Nguyễn Văn Trí xúc động: “Tôi may mắn cùng những người đồng chí của mình sát cánh với nhân dân, lực lượng vũ trang huyện Quế Tiên (lúc đó) tham gia chiến đấu giải phóng Chi khu quận lỵ Hiệp Đức. Tuy thời gian không dài nhưng những tháng ngày gắn bó mảnh đất này làm sao quên được.
Để được sống, chiến đấu, hoàn thành nhiệm vụ của người lính không thể không nhắc đến biết bao tấm lòng sâu nặng nghĩa tình của những mẹ, những chị, những người em… đã cưu mang chúng tôi, đã cơm đùm cơm gói, che chở, chỉ đường. Bản thân tôi luôn coi đó chính là những mũi trinh sát tốt nhất, thọc sâu lòng địch nhất, hiệu quả nhất”.
Điều có thể nói vẫn day dứt trong ông là qua những trận giao chiến, không chỉ có binh lính thương vong mà những người dân thường cũng bị bọn ác ôn trong lúc tháo chạy đã xả súng một cách điên cuồng vào những ngôi làng, rồi bom đạn từ máy bay oanh tạc.
Phải chăng điều này đã nhắc nhớ, khi ông đưa quân vượt hơn 40km ra đánh căn cứ Non Nước (lúc đó ông là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1) khi ngang qua Điện Bàn thì nhận tin mẹ vừa bị giặc bắn chết hai ngày trước. Lòng quặn đau nhưng chặng đường hành quân không thể về nhà. Kể đến đây lời ông như nghẹn lại…
Biến đau thương thành hành động, trong trận đánh cứ điểm Non Nước, Tiểu đoàn 1 của ông đã tiêu diệt hơn 400/500 tên thuộc tiểu đoàn biệt kích của địch; phá 38 máy bay, 100 xe quân sự tại sân bay Nước Mặn.
Với thành tích đặc biệt xuất sắc này, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam và Quân khu 5 hai lần cử đoàn cán bộ xuống đặt vấn đề lập thủ tục phong anh hùng nhưng ông không nhận thành tích ấy về mình mà giới thiệu cấp dưới cũng rất ngoan cường, anh dũng trong chiến đấu là Đại đội trưởng Phan Hiệp (Phan Hành Sơn). Tháng 12.1969, Phan Hành Sơn được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lúc mới 22 tuổi.
Cùng với việc tham gia chiến đấu, giải phóng Hiệp Đức và trước đó là chiến trận Non Nước thì một chiến trận nữa ông bảo như là bước ngoặt đời lính. Đó là việc ông cùng đơn vị tham gia đánh gọn trung đoàn 5 ngụy ở căn cứ Cấm Dơi (Quế Sơn) và cứ điểm Hòn Chiêng cũng vào năm 1972.
Điểm Hòn Chiêng, được mệnh danh “con mắt thần’ của Cấm Dơi. Lúc triển khai phương án đánh, Tư lệnh Quân khu 5 lúc đó là Tướng Chu Huy Mân nghe xong đã “phán” với Trung đoàn trưởng 38, Thiếu tá Nguyễn Văn Trí: “Đơn vị đồng chí phải ngồi trên chảo lửa đấy”.
Nhưng rồi chảo lửa ấy cũng được hóa giải. Bảy ngày sau khi mất Hòn Chiêng, trung tướng ngụy Ngô Quang Trưởng trực tiếp vào chỉ huy chỉ một ngày đêm đã bay ra Đà Nẵng, với câu nói chua xót: “Vĩnh biệt Hòn Chiêng”, khi máy bay cất cánh.
Trước khi chia tay ông, rời căn nhà của vị tướng già trong con hẻm ở phố An Dương, phường Từ Liêm, quận Tây Hồ, Hà Nội, ông cứ tần ngần như chưa muốn khách quê đi vội. Tôi thầm nghĩ rồi mường tượng những con người như Anh hùng Nguyễn Văn Trí hay người Đại đội trưởng của ông là Anh hùng Phan Hành Sơn đã từng có sức lan tỏa cả một thế hệ đánh Mỹ.
Đâu phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Tố Hữu đã viết trong “Xuân 69”: “Ta tiến công với sức mạnh thánh thần/ Của những Phan Hành Sơn đánh tung núi Ngũ Hành, diệt Mỹ!/ Ôi ta biết cảm ơn ai đã sáng tạo cái tên người: dũng sĩ/ Vang tự hào giữa thế kỷ hai mươi/ Thước vàng đo mọi giá trị trên đời/ Miền Nam! Miền Nam! Sáng ngời, chói lọi”.