Để chuẩn bị tư liệu cho một bộ phim tài liệu, tôi đi tìm bà Đặng Thị Lan. Hầu như lớp người còn trẻ ở tổ dân cư Phú Sơn phường An Phú, Tam Kỳ đều biết bà từng là cơ sở cách mạng trung kiên của ông Đỗ Thế Chấp (thường gọi Mười Chấp). Những năm tháng đen tối sau Hiệp định Giơnevơ, bà Lan là giao liên đặc biệt tin cẩn của ông Mười Chấp và Huyện ủy Tam Kỳ. Bước chân thoăn thoắt của bà đã góp phần ủ ấm hòn than cách mạng ở vùng đông, đợi ngày bùng lên thành cao trào Đồng khởi.
Bà Đặng Thị Lan chụp hình lưu niệm cùng ông Đỗ Thế Chấp (ngoài cùng bên phải) sau ngày quê hương giải phóng. Ảnh tư liệu |
Gia đình bà Lan ngày trước sống ở thôn Thượng Thanh, xã Tam Thanh bây giờ, đàn ông quen với nghề biển giã, phụ nữ thì buôn bán cá mắm. Cha bà là ông Đặng Khiêm, trong kháng chiến chống Pháp làm chủ tịch Mặt trận Liên Việt xã. Sau Hiệp định Giơnevơ, ông Khiêm tập kết ra Bắc. “Nhà tôi thuộc loại nghèo khổ. Bà Lan kể - Tôi thường lên Trường An, Kỳ Bích, nay là xã Tam Xuân 1 bán cá mắm, cũng vì dòng họ Đặng tôi có một nhánh trên ấy. Tôi thành người quen của cả làng, trong đó có gia đình bà Nghị một gia đình cách mạng rất trung kiên. Con gái bà Nghị là chị Nguyễn Thị Tiến, đẹp người đẹp nết, lúc này là cơ sở tin cẩn của ông Mười Chấp. Ông Mười Chấp vừa được trên cử làm Phó Bí thư Huyện ủy Tam Kỳ, sau đó làm Bí thư. Sau thời gian điều tra biết rõ hoàn cảnh gia đình tôi, ông Mười Chấp giác ngộ tôi làm cơ sở. Nghĩ đến ông già mình đang ở miền Bắc tôi nhận lời và tích cực tham gia”.
Những năm 1955-1957, ở Quảng Nam chính sách tố cộng của chính quyền Ngô Đình Diệm đã đánh bể vỡ phần lớn lực lượng cách mạng. Huyện ủy Tam Kỳ chỉ còn 5 - 7 người, bám vùng núi giáp ranh phía tây để hoạt động. Ở vùng đông, người được phân công trụ bám là ông Nguyễn Mại, quê ở Quý Thượng, Tam Thăng bây giờ. Nhiệm vụ của ông là móc nối cơ sở, truyền đạt chủ trương của trên đến với những đảng viên và quần chúng trung kiên còn lại. “Anh Nguyễn Mại tính tình rất nhẹ nhàng, tình cảm. Địch săn lùng khắp nơi, anh phải rút vào hoạt động bí mật, ngày ẩn nấp đêm đi hoạt động, chỗ ở thay đổi liên tục. Tôi đi buôn cá mắm, một phần lo gia đình, một phần lấy tiền chu cấp cho anh. Anh Mại nắm tình hình vùng đông, định kỳ hoặc đột xuất viết thư đưa cho tôi chuyển lên Trường An cho anh Mười Chấp”. Để giữ bí mật, bà Lan thường gói tài liệu vào bao ny lon chọn con cá lớn rồi nhét vào bụng nó qua đường mang cá. Dọc đường nếu có người hỏi mua, bà “hét giá trên trời” hoặc bảo có người dặn rồi để không ai có thể mua được. Lên tới Trường An, bà dạo bán loanh quanh một số nhà quen rồi gặp bà Tiến trao tài liệu. Sau này ông Mại, ông Mười còn bày cho bà cách liên lạc qua hộp thư chết. Thư, tài liệu được chôn tại một gốc cây hay ngôi mộ nào đấy ven đường, định kỳ bà đến đó lấy hoặc cũng chôn tài liệu vào đấy. Trong thư từ trao đổi, ông Mại bí danh là Công, bà Lan tên là Xuân. Tất nhiên để đảm bảo an toàn, hộp thư chết không tồn tại lâu một chỗ. Và cũng để tránh địch theo dõi đâm sinh nghi, bà Lan cũng đổi vùng bán mắm. Năm bữa nửa tháng, bà lại quảy đôi bầu đựng mắm dạo lên bán vùng Tư Yên Ngọc Nha, Kỳ Quế (nay đã chìm dưới hồ Phú Ninh) hay lên vùng xã Tam Dân huyện Phú Ninh bây giờ. Thấy bà hoạt động hăng hái, ông Mười Chấp giới thiệu bà vô Đảng. Ngày 2.1.1957, bà Lan được kết nạp Đảng. Bữa đó các ông Mười Chấp, Võ Ngọc Hải, Nguyễn Mại cùng về. Nói lễ kết nạp Đảng nhưng rất đơn giản, không cờ không ảnh gì cả. Bên cái mương nước ở xóm Cồn, Tân Phú, trước sự chứng kiến của 3 cán bộ Huyện ủy Tam Kỳ, bà Lan bứt chiếc lá giơ lên, thề sẽ phấn đấu, hy sinh cho lý tưởng của Đảng, chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Rồi một lần đi công tác ban đêm, ông Nguyễn Mại bị bọn địch vây bắt tại Quý Thượng. Trong người mang súng ngắn nhưng tuân thủ chủ trương không đấu tranh vũ trang nên ông vẫn cố chạy. Bọn hương dũng đuổi kịp, chặt vào bắp chân khiến ông ngã và bị bắt. Lục soát người ông Mại chúng thấy được bức thư ký tên Xuân. Về phần bà Lan, nghe tin ông Mại bị bắt, biết tình thế gay go, thay vì viết chữ nghiêng như lâu nay bà bỏ mấy ngày ngồi tập viết chữ tròn. Rồi một bữa tay Thảo, công an xã đến nhà bà, ngồi dò hỏi tình hình, rằng lâu nay có nhận được tin tức gì của ông già tập kết ra Bắc không, bà Lan bảo phận nghèo lo làm ăn chứ biết gì. Thế rồi hắn bảo bà viết cam đoan không dính líu gì đến cộng sản. Bà hiểu ngay thâm ý của tên này, liền viết chữ tròn như đã luyện tập. Hắn xem, không nói gì rồi cầm giấy về. Mấy hôm sau bọn chúng tập trung những người tên Xuân ở Tam Thanh lại để đọ chữ nhưng không phát hiện được gì. Tiếp sau đó công an quận Tam Kỳ bắt bà Lan lên nhận mặt ông Mại. Ông lặng im nhìn rồi lắc đầu. Thấy người lãnh đạo thân thiết của mình thân hình bị đánh tơi tả bà Lan thương lắm nhưng phải cố cầm lòng. Ông Mại sau bị đày ra Côn Đảo mãi đến giải phóng năm 1975 mới về.
Ông Mại bị bắt, ông Mười Chấp phải thường xuyên về vùng đông để nắm cơ sở, xây dựng phong trào. Xóm Cồn nằm gần đò Ba Bến, nay thuộc thôn Tân Phú, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ, là nơi ông trụ bám nhiều nhất. Ở đây có những cơ sở như ông Lũa, bà Cảnh. Họ nghèo nhưng rất trung kiên với cách mạng. Nhà mẹ Cảnh là nơi bà Lan hay ghé lại khi qua đò Ba Bến đi buôn bán cá mắm. Bà Lan nhớ lại: “Anh Mười rất bạo và nhanh trí. Gặp nhiều tình huống địch vây bắt rất nguy hiểm nhưng anh lanh trí xử lý và luôn thoát khỏi vòng bố ráp, không làm tổn hại đến cơ sở nên cơ sở chúng tôi rất tin tưởng”. Mỗi lần ông Mười chuẩn bị xuống công tác vùng đông, bà Lan lại về gặp ông Hòe hoặc ông Niệm ở xóm Cồn, nói rõ ngày giờ, điểm đón, ám tín hiệu để họ biết, tối đó đưa xuồng ra quãng đò Ba Bến, giả đánh cá tôm để đón ông Mười đi cơ sở. “Mỗi khi nghe tin anh Mười sắp xuống vùng đông, ai cũng trông và chuẩn bị cá tôm ngon nhất để đãi anh” - bà Lan nhớ lại.
(Còn nữa)
DUY HIỂN