Những năm tháng long lanh tỏa sáng (Tiếp theo và hết)

DUY HIỂN 27/04/2017 09:51

  • Những năm tháng long lanh tỏa sáng (Tiếp theo kỳ trước)
  • Những năm tháng long lanh tỏa sáng

Địch thay anh Trường bằng tên Th., người của chi cảnh sát Tam Kỳ. Tay Th. luôn sàm sỡ, cưỡng hiếp nữ tù nhân. Một lần nửa đêm hắn mở cửa xà lim vào phòng bà. Bà Lan im lặng đề phòng, chưa biết hắn sẽ giở trò gì thì tay Thùy hỏi: “Có thèm ăn chi không?”. Bà bảo: “Thèm đậu hủ”. Hắn đi một vòng rồi về bảo đậu hủ đêm hôm ai bán. Bà bảo ăn cháo cũng được. Hắn lại đi. Trong khi chờ đợi, qua khe nứt hẹp của buồng xà lim, bà báo động cho ông Hường, anh Truyền biết để la ó hỗ trợ khi cần. Tay Th. mang cháo quay lại nhưng không có hành động gì. Sáng hôm sau bọn chi cảnh sát lại kêu bà lên thẩm vấn. Thẩm vấn lần này là tên Huỳnh Giáo, chi trưởng cảnh sát Tam Kỳ. Thấy cơ hội tốt, bà Lan liền tố cáo: “Ban ngày các ông kêu lên kêu xuống hỏi đủ điều, rứa mà ban đêm sao còn mở cửa xà lim vào thẩm vấn?”. Huỳnh Giáo hỏi: “Ai mở cửa vào phòng mày ban đêm?”. “Ông Th.”. Lập tức tên Giáo kêu tay Th. lên đối chứng và sau đó đổi Th. đi nơi khác. Hôm bị đổi đi, tên Th. còn quay lại trước cửa xà lim gằn giọng nói vọng vào: “Rồi có ngày tau sẽ tìm mi để giết”. Không còn bóng dáng tên Th., tù nhân ở nhà lao quận Tam Kỳ ai cũng mừng.

Một năm rưỡi tù dài đằng đẵng, một buổi sáng, tên lính đến trước cửa  xà lim kêu: “Tên Đặng Thị Lan đâu? Chuẩn bị thu dọn quần áo, đi”. Các anh tù nam ở xà lim bên cạnh nói vọng qua: “Không chừng chúng nó đưa em đi thủ tiêu đó?” Thế nhưng chúng mở cửa rồi bảo hôm nay cho về. Ra khỏi cổng nhà lao quận, bà Lan vừa đi vừa để ý có những kẻ khả nghi nào bám theo không. Trong nhà lao mọi người đã được tổ chức bên ngoài báo tin rằng bọn địch thường giả bộ trả tự do nhưng cho người bám theo thủ tiêu. Đến chợ cũ Tam Kỳ (nằm ở phường Hòa Hương bây giờ), bà vào hàng cơm ngồi ăn, có ý đợi may ra gặp bà Tiến, vợ ông Mười Chấp đi bán củi chăng? Rứa mà gặp thiệt. Hai người nhìn nhau mừng mừng tủi tủi. Bà báo tin cho ông Mười là đã được thả về. Qua đò Ba Bến, bà Lan về lại con đường quê thân thuộc, thân hình lúc này chẳng khác gì bộ xương di động. Dọc đường nhiều cơ sở im lặng đứng nhìn bà, rồi quay mặt chùi nước mắt. Lòng bà Lan cũng xốn xang, bùi ngùi. Khi biết tin bà bị cảnh sát quận Tam Kỳ bắt, cả vùng quê biển Tam Thanh, Tam Phú rúng động. Rủi như bà không chịu nổi cực hình đòn roi mà khai ra, một mớ người sẽ tù mọt gông, cửa nhà tan nát. Nhưng một năm rưỡi qua, bà Lan nghiến răng chịu đựng hết mọi đòn thù để không phản bội cơ sở, nên giờ đây bà cảm thấy xứng đáng đón nhận giọt nước mắt thương cảm và tin yêu của họ. Được tha tù nhưng bà Lan bị quản thúc gắt gao. Năm bữa nửa tháng, bọn hội đồng xã lại kêu lên, bắt viết cam đoan không làm gì liên can cộng sản. Qua bà Mậu, ông Mười nhắn tin cho bà Lan bảo thôi thoát ly gia đình lên cứ luôn, nhưng bà Lan nhắn lại rằng mình chưa bị lộ nên không việc gì phải lên núi, các anh trong Huyện ủy Tam Kỳ nếu còn tin tưởng thì giao nhiệm vụ cho bà tiếp tục công tác, còn không thì bà cặm cụi làm ăn nuôi mẹ già, đợi ngày đất nước thống nhất.  

Tháng 1.1959 Trung ương ban hành Nghị quyết 15 chuyển cách mạng miền Nam sang thời kỳ đấu tranh vũ trang. Huyện ủy  Tam Kỳ chủ trương rút người lên cứ, đưa lên Trà My huấn luyện quân sự, rồi đưa về thành lập đội vũ trang tuyên truyền, diệt ác phá kèm phát triển lực lượng cách mạng ở địa bàn Tam Kỳ. Thế cờ đang dần lật ngược, bọn địch đã có phần rúng. Đến đầu năm 1964, phong trào Đồng khởi ở Quảng Nam nói chung, Tam Kỳ nói riêng bùng lên mạnh mẽ, ông Mười Chấp chỉ thị cho bà Lan về nắm tình hình thanh niên vùng đông. Mấy năm nay cơ sở cách mạng ở vùng đông Tam Kỳ tương đối mạnh. Qua nắm bắt của cơ sở, ta biết được phần lớn thanh niên gia đình cốt cán đều muốn nhảy núi, bởi địch bắt quân dịch liên tục, nên họ không có con đường nào khác nếu không muốn cầm súng cho kẻ thù. Thế là Huyện ủy chủ trương mỗi đợt rút khoảng năm đến bảy người, báo tin cho cơ sở làm khẩn trương. Phương án đưa ra là theo ngày giờ đã định họ vác đòn xóc giả làm người đi mua tranh tre về làm nhà, mua lá thị về nhuộm lưới. Tới gần nhà Thông Hòa gần đầu cầu Tam Kỳ (cũ), tức nhà Vĩnh Mậu sau này sẽ thấy một người đàn bà quảy đôi bầu, trên cổ tay cột chiếc khăn (có đợt cột trên đòn gánh) ngồi nghỉ ở đó. Thấy nhưng không được hỏi han gì, khi người ấy quảy đôi bầu đi thì đi theo nhưng phải giữ khoảng cách xa; nếu có ai hỏi thì trả lời như quy định. Bà Lan theo đúng phương án ấy, đưa họ qua Kỳ Bích, đến dưới chân đèo Dài thì ghé vào quán ông Sắt, nơi bà cũng thường ghé lại. Đám thanh niên hỏi han chủ quán chuyện tìm nơi mua tre pheo, lá thị… rồi kêu cơm ăn, kêu rượu uống. Họ cứ rề rà để kéo dài thì giờ, sau đó giả bộ đi loanh quanh một hồi rồi quay lại. Trong khi đó bà Lan quảy gánh đi tiếp lên Trường Cửu, ghé vô nhà bà Vân là cơ sở của ông Mười, nhắn ông ra để gặp. Độ 4 giờ chiều bà Lan quay lại, rủ họ ra đón ghe khách cùng về, nhưng rồi đưa họ một cái hố, ở đó ông Mười Chấp và vài người đã chờ sẵn. Trước khi chia tay ông Mười bảo cứ tiếp tục đưa thanh niên lên, sẽ có người đón. Đận ấy có non ba chục thanh niên vùng đông được bà Lan đưa lên căn cứ an toàn. Người cuối cùng bà đưa đi là anh Trực. Thấy bạn bè đi hết trơn, anh Trực dò hỏi manh mối rồi một buổi sáng sớm ra ngồi đợi ở đò Ba Bến. Nhác thấy bà, anh nói “dẫn tôi đi mua lá thị với”, bà hiểu ngay và đưa anh lên cứ.

Nhận thấy một loạt thanh niên vùng đông biến mất, địch nghi ngờ và càng theo dõi riết bà Lan. Bà cũng hiểu mối nguy đang đến gần nên cuối năm 1964 thoát ly lên căn cứ, làm việc tại Thị ủy Tam Kỳ. Đến năm 1967 ông Mười Chấp bảo bà ra Bắc học tập. Quyết định đã ký nhưng bà Lan lần chần không muốn đi vì thấy như thế mình thật ích kỷ, trong khi mọi người đang đội bom đội đạn chiến đấu. Thấy vậy ông Mười Chấp gắt: “Học tập cũng là nhiệm vụ cách mạng. Em phải chấp hành!”. Ra Bắc, bà Lan phấn đấu học tập rồi vinh dự được gặp Bác Hồ 3 lần. Mỗi lần gặp Bác, bà càng cảm nhận sâu sắc hơn tình yêu thương của Bác dành cho miền Nam… Sau ngày đất nước thống nhất, bà Lan trở về, công tác trong ngành nông nghiệp Tam Kỳ.

Năm nay bà Đặng Thị Lan đã ở vào tuổi 85, tù đày vẫn để lại trên cơ thể những cơn đau âm ỉ. Nhưng mỗi khi kể về ông Mười Chấp, tình đồng chí, nghĩa đồng bào sâu nặng, keo sơn một thời bà trở nên rất nhanh nhẹn và tươi tỉnh. Chắc hẳn trong tâm khảm bà Lan những năm tháng ấy luôn long lanh tỏa sáng.

DUY HIỂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những năm tháng long lanh tỏa sáng (Tiếp theo và hết)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO