Tất tả ngược xuôi với những chuyến xe vận chuyển người đi cách ly hay cần mẫn khử trùng ở nhiều “điểm nóng” trong đại dịch Covid-19. Họ tình nguyện hành động, góp chút sức mình với mong muốn quê nhà rồi sẽ sớm qua cơn dịch giã.
“Người vận chuyển”
Thoạt nghe đến người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân Covid-19, trong cộng đồng, làng trên xóm dưới đã ít nhiều ái ngại, phập phồng. Nhưng với anh Nguyễn Trí Minh (37 tuổi) - Giám đốc Công ty vận tải Minh Travel (Hội An), việc tiếp cận với các trường hợp này dần trở thành “chuyện cơm bữa” khi anh trở thành “người vận chuyển”, đưa họ đến các điểm cách ly tập trung rồi đưa họ trở về nhà 14 ngày sau đó.
Tôi gặp anh đang trùm kín mít trong bộ đồ bảo hộ và lỉnh kỉnh xách giúp vật dụng sinh hoạt của người dân chuẩn bị đến nơi cách ly tập trung. Trước khi đóng cửa xe, chàng trai hoạt ngôn và dễ mến này không quên “lên giây cót” tinh thần cho những người sắp bước vào cuộc chiến với Covid-19 bằng câu pha trò vui vẻ. Rồi tất cả cùng nhau “selfie” trong một bức ảnh khi Minh giơ điện thoại lên. Nét mặt mọi người dường như giãn ra một chút sau mấy lớp khẩu trang bùng nhùng…
“Tiếp xúc với F1 miết ri có sợ không anh?” - tôi gặng hỏi. “Sợ thì ai không sợ. Có F1 còn bị ho, sốt nữa kia nhưng rồi cũng chở tuốt. Riết thành quen. Hồi đầu năm chúng tôi cũng chở nhiều khách nước ngoài đi cách ly rồi, huống chi chừ là dân quê mình nên anh em động viên nhau cố gắng góp một phần nhỏ vào cuộc chiến chống dịch” - anh Minh xởi lởi đáp.
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại hồi cuối tháng 7, anh Minh và những cộng sự của mình đã đóng vai trò “người vận chuyển” với hơn 60 chuyến xe đưa đón các trường hợp cần phải cách ly tập trung. Nào là F1 phải đi cách ly, F1 hoàn thành cách ly cho đến F0 đã được điều trị khỏi bệnh. Minh “chở tuốt”.
Phần lớn đón trả ở nhà, có khi chở ra Đà Nẵng, lúc đưa vào sân bay Chu Lai thậm chí còn phân công anh em chở ra tận Nghệ An để nhóm thợ xa quê bị thất nghiệp thôi nơm nớp với cái đói, cái dịch. Có F1 trong số đó đã tịnh tiến thành F0 (người nhiễm bệnh Covid-19) hay éo le hơn là phải vật vã cùng Ban chỉ đạo chống dịch TP.Hội An đưa F1 bị… ngáo đá đi cách ly giữa đêm khuya tịch mịch.
Trung tâm Y tế TP.Hội An chỉ có một ô tô công làm nhiệm vụ nhưng phải dành cho việc điều tra dịch tễ, khử trùng, vận tải thực phẩm chứ không thể chuyên dụng làm xe đưa người đi cách ly. Còn tại các bệnh viện, xe cấp cứu cũng chủ yếu dành chuyên chở bệnh nhân thông thường khác. Thế là những “người vận chuyển” tình nguyện như anh Minh trở nên cần kíp hơn bao giờ hết khi danh sách F1 cần cách ly tập trung cứ tăng thêm qua từng ngày.
Vừa rồi, để thơi sức cho Minh và bạn bè, Ban chỉ đạo chống dịch TP.Hội An đã điều phối bớt nhiệm vụ chở người hoàn thành cách ly tập trung cho một đơn vị khác. “Mình giúp được cái gì cho quê nhà bây giờ thì giúp thôi. Vui là khi nghe họ có kết quả xét nghiệm âm tính rồi lại hụt hẫng khi ai đó quê mình nhiễm bệnh, chỉ mong những ngày ảm đạm này mau chóng đi qua” - anh Minh bộc bạch.
Theo nghề vận tải du lịch từ lâu, việc rong ruổi trên đường, mọi thời khắc trong ngày dường như đã trở thành thói quen của những chàng trai ở Minh Travel nhằm nuôi sống gia đình. Nhưng suốt từ đầu năm đến nay, những chuyến xe đó không mang theo sinh kế của Minh cùng bao cộng sự nữa mà chỉ tập trung chuyên chở nghĩa tình.
Không để thời gian nhàn rỗi, trong lúc “chờ” vận tải các F1 tiếp theo, anh Minh lại lọ mọ kêu gọi rồi trực tiếp chuyển tải, lắp đặt buồng sát khuẩn, hàng hóa tiếp tế đến khu cách ly, trạm kiểm soát. Xen kẽ giữa hai đợt dịch, anh Minh và bạn bè còn kịp kết nối cộng đồng Hội An để “giải cứu” hàng tấn sầu riêng, dưa hấu, dứa… ứ đọng của đồng bào mọi miền Tổ quốc.
Tiếng tít tít reo vang làm đứt quãng những phút Minh tranh thủ trò chuyện cùng tôi. Chẳng bực bội, Minh nói chỉ thấy lòng mình chùng xuống khi đọc dòng tin nhắn nhóm anh em trong hội thiện nguyện Tươi Sáng báo về lại có thêm một mảnh đời khốn khó cần sớm được sẻ chia. Thế là chàng trai lại lao đi...
“Ong thợ” diệt khuẩn cho cộng đồng
Chiều giao mùa hanh hao. Các nẻo đường ở làng gốm Thanh Hà (Hội An) vắng lặng trong thời giãn cách, chỉ có những bóng người kín mít trong bộ đồ bảo hộ lầm lũi đi khử trùng. “Chậm lại”, “chậm lại”, tiếng của anh Phạm Công Định (33 tuổi) rổn rảng vang lên phía sau nhắc chừng người em đang đồng hành với mình để giảm thiểu từng khoảnh đường bị bỏ sót.
“Trong này phun chưa. Phun hết rồi hả anh?”. Phạm Công Định hỏi dồn một dân phòng đang trực chốt và chỉ tay về khu vực bên trong đã giăng rào cách ly do có nhà của bệnh nhân Covid-19 và yên tâm đi tiếp sau khi nhận được cái gật đầu đáp lại. Bóng chiều đổ xuống, trời không mưa nhưng mấy con hẻm bê tông trong làng thì ướt nhẹp dung dịch diệt khuẩn. Mấy anh em trong nhóm thì ướt sũng mồ hôi.
Tiết trời này, lọt thỏm trong bộ đồ bảo hộ đã bí bách, nóng nực rồi nói gì đến việc đeo thêm sau lưng bình phun mấy chục ký và cuốc bộ hàng tiếng đồng hồ vào từng ngõ ngách. Kinh nghiệm nhiều năm từng làm cán bộ đoàn đã trui rèn nhiệt huyết, sự cần mẫn cho Định để giúp ích cho cộng đồng dù trong hoàn cảnh nào. Thật trùng hợp, bây giờ Định vẫn đến với họ trong màu áo xanh nhưng là màu áo xanh của trang bị bảo hộ.
“Nếu vẫn còn làm công tác đoàn thì chắc bây giờ tôi cũng đang ở một trạm kiểm soát, một khu cách ly nào đó để tình nguyện hỗ trợ chống dịch rồi chứ cũng đâu ngồi nhà được” - Định cười, bộc bạch.
Quản lý một đơn vị chuyên về xử lý môi trường, Định có cơ hội để tham gia hỗ trợ cộng đồng ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo cách riêng và trong khả năng của mình. Năm giờ sáng, Định đã hối hả cùng cộng sự “lên đồ” để kịp đến khử khuẩn cho một đám tang trên địa bàn phường Cẩm Châu.
Phun khử trùng mọi ngóc ngách từ trong nhà ra ngoài ngõ rồi cả quan tài giúp người nhà, hàng xóm an tâm đưa tang rồi cả đoàn lại lặng lẽ ra về. Đây đã là đám tang thứ 8 mà Định thực hiện khử khuẩn miễn phí trên địa bàn Hội An và khu vực lân cận để góp một phần vào việc giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh.
“Phun khử trùng miễn phí cho các hộ dân khó khăn có trường hợp F1, F2 cũng chính là cách tự bảo vệ mình và cùng cộng đồng thôi. Họ được khử trùng thì mình tăng thêm phần an toàn” - Định nói.
Từ khi dịch bùng phát trở lại, đơn vị của anh Định đã hỗ trợ TP.Hội An phun khử khuẩn ở một số khu cách ly tập trung, chốt kiểm soát, khu vực nguy cơ cao ở một số xã, phường. “Các trường hợp F0, F1 ở địa phương hết cách ly về lại nhà nếu cần chúng tôi cũng sẽ phun khử khuẩn hỗ trợ. Xe chở người, xe chở thực phẩm, xe chi ra vô vùng có dịch của thành phố đơn vị cũng nhận phun giúp hết. Cứ alô, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ” - Định nói chắc nịch.
Nói rồi, Định mở cho chúng tôi xem những clip quay vội đợt rồi khi đang trên đường thực hiện công việc trở về ngang qua xã Duy Phước (Duy Xuyên), đơn vị của anh tranh thủ “tạt” vào hỗ trợ phun khử khuẩn tình nguyện cho trạm kiểm soát đang làm nhiệm vụ tại đây. Hay một hôm nọ, mấy anh em bám víu qua chiếc cầu khỉ lênh khênh để ra xịt khử trùng cho chiếc ghe của ngư dân Cẩm Kim là trường hợp F1…
Rồi mai, ở mọi nẻo quê nhà, khi có lời đề nghị những chú “ong thợ” sẽ lại tiếp tục cần mẫn lên đường.