Những nếp nhà Việt…

SONG ANH 25/10/2014 14:56

Hàng cau, ngõ trúc, đôi quang gánh, thấp thoáng sau cổng tam quan là mái nhà tranh vách đất… Cảnh làng quê Việt thuở xa xưa đủ sức níu chân người dừng lại ở đất La Qua (Điện Bàn) - nơi nối kết cung đường di sản Hội An - Mỹ Sơn, để ghé vào quan chiêm Bảo tàng kiến trúc nhà cổ...

Khơi dậy nếp nhà Việt

Anh Lê Văn Vĩnh - người nuôi ý tưởng thành lập một bảo tàng nhà cổ, và đi đến cùng với nó, đã mang về mảnh đất La Qua xưa những câu chuyện kể từ nhà cổ. Tham vọng về một “bảo tàng nhà cổ” đầu tiên tại Việt Nam của anh đã thành công, khi cuối tuần qua, Không gian Nhà Việt Nam (Vinahouse Space) vừa mở cửa khai trương Bảo tàng kiến trúc nhà cổ lớn nhất Việt Nam. “Khơi dậy nếp nhà Việt”, đúng như cái cách mà cha con anh Lê Văn Vĩnh làm lâu nay, mục đích cuối cùng vẫn là nối tiếp bảo tồn, gìn giữ những giá trị cổ xưa của nếp nhà Việt được vun đắp từ bao đời. Câu chuyện về những mái nhà trăm năm, Vĩnh thuộc nằm lòng. Bởi 18 nếp nhà cổ đang có mặt tại khuôn viên bảo tàng là từng ấy cuộc hành trình tìm kiếm, thuyết phục chủ nhân, để bây giờ, những nếp nhà này vẫn được gìn giữ nguyên vẹn. Anh Lê Văn Vĩnh chia sẻ: “Tất cả chủ nhân nhà cổ đều muốn giữ lại nhà của mình, tuy nhiên do điều kiện tự nhiên cũng như kinh tế mà họ không thể nào giữ gìn nguyên vẹn được. Có những căn nhà chúng tôi chỉ mất có một tiếng đồng hồ thương lượng, nhưng cũng có nhưng ngôi nhà phải mất hơn năm trời mới xong”.

Một nếp sinh hoạt trong nhà cổ. Ảnh: S.ANH
Một nếp sinh hoạt trong nhà cổ. Ảnh: S.ANH

Hơn 15 năm, anh Lê Văn Vĩnh nuôi mơ ước về không gian nhà cổ của mình, của cha mình. Và bây giờ, khi giấc mơ trở thành hiện thực, anh mới kể về cuộc hành trình của mình. Đó có thể là ngôi nhà được xem như lớn nhất hiện nay trong khuôn viên Bảo tàng kiến trúc nhà cổ tại Vinahouse. Ngôi nhà có 108 cột của cụ Trần Thị Thao (Đại Nghĩa, Đại Lộc), được anh Lê Văn Vĩnh - đại diện Công ty Nhà Việt mua lại với giá 2,4 tỷ đồng. Theo lời anh, khi mua về, ngôi nhà còn nguyên vẹn cỡ 90%, được xây dựng theo kiến trúc 7 gian 2 chái, với 76 cột trong nhà, 32 cột đỡ mái che quanh nhà làm bằng đá sa thạch chỉ có ở Quảng Nam. “Điều đặc biệt là những cột đỡ này đều là cột hình vuông chứ không phải hình tròn như thường thấy. Sở dĩ cột đá làm tròn sẽ yếu nên chủ nhân làm vuông. Ngôi nhà này, chủ nhân phải mất 9 năm chuẩn bị gỗ và 6 năm thi công mới hoàn thành được” - anh Vĩnh nói - “Nó có niên đại hơn 200 năm, trải qua 6 đời trước khi bán lại, được trùng tu 2 lần, lần gần nhất vào năm 1982 được thay rui, lợp ngói lại”. Theo nguyện vọng chủ cũ, anh sẽ giữ nguyên vẹn ngôi nhà này đến chừng nào có thể, bởi hằng năm con trai bà Trần Thị Thao ở miền Nam về đều ghé thăm. Ngày 18.10 vừa qua, ngôi nhà này được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng công nhận là ngôi nhà tam gian tứ hạ Quảng Nam được phục dựng có kích thước lớn nhất và nhiều cột nhất.

          Một số cấu kiện gỗ được trưng bày.
Một số cấu kiện gỗ được trưng bày.

Anh Lê Văn Vĩnh cùng cộng sự đã giữ nguyên trạng 18 nếp nhà cổ, đại diện cho các phong cách nhà Việt ở các vùng miền Bắc - Trung - Nam tại bảo tàng kiến trúc nhà Việt, đã khẳng định đây là nơi lưu giữ những công trình kiến trúc, văn hóa đặc sắc thuần Việt. Người dân xứ Quảng cứ mãi nhắc nhớ về thời “nhà tranh, vách đất”, nơi nong nia, giần sàng… ngẫu nhiên xếp đặt đầy trong nhà. Anh Lê Văn Vĩnh kể câu chuyện về nhà tranh tre thuần Việt có tuổi hơn 100 năm của cụ Phạm Thị Số (Điện Minh, Điện Bàn). Tất cả đều làm bằng tre (đã ngâm nước), mái lợp tranh, xung quanh nhà được che chắn bằng các tấm phên tre với tổng diện tích trên 70m2. Nền nhà bằng đất sét đầm chặt, ngoài sân lót gạch. Đặc biệt, các vật dụng trong nhà như giường, bàn, thúng, mủng, cối xay, cối giã, bồ, ghe và bếp nấu củi còn lưu giữ nguyên vẹn. Đến cái vuông sân, hàng giậu tre, cổng ngõ bằng tre, cũng được chăm chút để ai bước vào đều ngỡ ngàng với khung cảnh của làng quê xứ Quảng thời xa xưa.

Lối vào Bảo tàng kiến trúc nhà cổ.
Lối vào Bảo tàng kiến trúc nhà cổ.

Lưu giữ bản sắc văn hóa

Ngày 18.10, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao Bằng công nhận 5 kỷ lục được xác lập tại Vinahouse, bao gồm: Bảo tàng kiến trúc nhà cổ Việt Nam - Vinahouse Museum lớn nhất Việt Nam; Ngôi nhà sinh thái theo mô hình chiếc nón có mái lợp bằng gáo dừa lớn nhất Việt Nam; Hồ khảm sành có kiến trúc độc đáo nhất được khảm trên 5.000 chiếc đĩa thời Nguyễn; Nhà tranh tre thuần Việt cổ; Nhà tam gian tứ hạ Quảng Nam được phục dựng có kích thước lớn nhất và nhiều cột nhất.

Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, người đã có những khóa đào tạo về nghiệp vụ dành cho những thuyết minh viên của Bảo tàng kiến trúc nhà cổ, chia sẻ: “Trong quá trình làm, anh Vĩnh đưa tất cả cấu kiện gỗ có được về phân loại ra. Mỗi phong cách nhà ở của mỗi vùng miền đều khác nhau, đến ngay cả công cụ, phường thợ và kỹ thuật cũng không giống nhau. Cái quý nhất ở bảo tàng này là sự tôn trọng tính nguyên gốc của mỗi loại phong cách nhà. Về lâu dài, đây là một nơi rất tốt để các nhà nghiên cứu, sinh viên kiến trúc, mỹ thuật muốn tìm hiểu về kỹ thuật phục dựng nhà cổ hay cả vốn văn hóa thể hiện trong những nếp nhà cổ xưa này”. Tiêu chí đầu tiên mà anh Lê Văn Vĩnh tiến hành đó là bảo tồn nguyên trạng, tiến đến phục hồi dần các giá trị gốc. Trong 33 căn nhà cổ đại diện cho phong cách nhà của ba miền Bắc - Trung - Nam, Quảng Nam đã có 7 căn. “Mua và phục dựng nhà cổ phải có duyên và phải mất thời gian khá lâu cho ý tưởng phục dựng” - Lê Văn Vĩnh nói. Cũng theo anh Vĩnh, phục chế nhà cổ phải chính xác, còn khi đã trùng tu thì không nên lẫn lộn bất cứ chi tiết nguyên bản nào. Rất nhiều nhà có đủ khả năng bảo quản và trùng tu, nhưng vì chủ nhân căn nhà muốn giữ chúng ở lại Quảng Nam, không muốn mang đến địa phương khác trong hành trình lập nghiệp của mình. Nhà Việt ra đời cũng từ tiêu chí đó”.

Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, Bảo tàng kiến trúc nhà Việt Nam ra đời được ghi nhận là công trình kiến trúc, văn hóa đặc sắc, nối liền quá khứ và hiện tại, góp phần giúp người dân, du khách hiểu hơn về truyền thống văn hóa, giá trị kiến trúc, nghệ thuật, mỹ thuật về nhà ở của con người Việt Nam qua bao thế hệ. “Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa và du lịch, thời gian tới sở sẽ đề xuất với Bộ VH-TT&DL cùng các cơ quan chức năng có cơ chế, chính sách và tạo điều kiện thuận lợi để Vinahouse tiếp tục mở rộng quy mô kinh doanh gắn với nghiên cứu sưu tầm, bảo tồn, gìn giữ và khai thác, phát huy có hiệu quả giá trị di sản văn hóa cùng các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương” - ông Đinh Hài nói.

Thử một lần đặt chân vào không gian này, lắng nghe và cảm nhận ý niệm thời gian, nghe những hoài niệm của mình cứ trở đi trở lại trong chiều muộn, khi nắng vừa tắt trên mái tranh xưa, chắc cũng đủ để trong ta thức dậy những xúc cảm quê nhà…

SONG ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những nếp nhà Việt…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO