Vào một buổi chiều tháng Tư, trời vừa tắt nắng, sau một trận bom mịt mù khói lửa giữa thôn làng Gò Nổi, khói cứ ùn ùn bốc lên, gió tỏa đi khắp vùng, mùi thuốc bom khét lợm, vừa rúc ra khỏi cái hầm ven đường, cô giao liên hối chúng tôi chạy. Chừng hai mươi phút sau, cô giao liên bảo, đến rồi. Tôi và Vũ Thành Lê vừa bước vào đến sân một ngôi nhà thì một người đàn ông bước ra. Cô giao liên bàn giao hai chúng tôi cho người đàn ông rồi đi liền. Người nhận chúng tôi là anh Trần Văn Anh - phụ trách Báo Giải phóng Quảng Đà. Nhà là nhà của ông Sỏi, thôn Châu Lâu, xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, Báo Giải phóng Quảng Đà vừa di chuyển từ Phú Thuận xuống xin đóng cơ quan. Một ngôi nhà mà chủ vừa cùng gia đình sơ tán ra vùng tranh chấp ở Vĩnh Điện vì những trận bom pháo dữ dội của những cuộc phản kích ác liệt của quân đội Sài Gòn sau chiến dịch xuân Mậu Thân - 1968. Đã biết trước nên từ dưới nhà bếp, thấy cô giao liên bước vào thì anh Trần Văn Anh lên nhận người mà anh đã ‘‘chấm’’ do Ban Tổ chức Tỉnh ủy giới thiệu. Anh Trần Văn Anh cười bắt tay rồi mời hai chúng tôi vào nhà trên. Anh chỉ tay về phía cái giường tre, nói: Để đồ đạc, nghỉ chút, tắm rửa rồi chuẩn bị ăn cơm. Không chút khách sáo, đặt lên cái bàn cạnh giường một xấp báo, rồi xuống bếp tiếp tục vai... đầu bếp.
Đoàn Văn công Giải phóng Quảng Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ảnh tư liệu |
Mới chân ướt chân ráo về cơ quan Báo Giải phóng, hôm ấy chỉ có 4 người, tôi chưa biết ai là thủ trưởng, ai phóng viên, ai nhân viên. Rồi lần lượt trước và sau bữa cơm thì biết. Khi anh Trần Văn Anh đang trong bếp thì thấy Hồ Hải Học, to béo, trắng trẻo, đang ngồi chễm chệ giữa sân gắp từng lát măng tươi vuông vức bỏ vào cái thẩu có ít mắm cái... Hải Học đang học thông tấn ở Liên Xô thì Trung Quốc lên án Liên Xô ‘‘xét lại’’, thế là tổ chức cho về Hà Nội, sau đó Hải Học xung phong vào chiến trường miền Nam - nơi có mẹ và các em. Trần Văn Anh thì đen sạm, gầy, dân xã Hòa Lương, huyện Hòa Vang. Hoàng Kim Tùng cũng đen, nhỏ con, một nhà giáo người Đông Hà - Quảng Trị. Và Hữu Mười, trông chững chạc, ít nói, cẩn thận từng lời, viết cũng nắn nót, còn gọi Mười Tùy, dân Điện Thọ, Điện Bàn.
Bữa ăn đầu tiên với anh em Báo Giải phóng Quảng Đà chiều hôm đó có măng tươi xào với thịt hộp, có rau dền luộc chấm mắm cái, một bát nước rau luộc màu xanh lục làm canh. Đêm đầu tiên về Báo Giải phóng Quảng Đà ngủ chưa trọn giấc thì bị đánh thức. Anh Tùng đập đập chân tôi: Dậy! Dậy. Khi tôi thức dậy thì các anh đang vội vã thu xếp đồ đoàn: muối vào lon, mắm vào lọ, gạo vào ruột nghé, mấy cái soong xâu một xâu. Mỗi người một cái gùi cá nhân phải nhận thêm một trong những thứ của chung, mang thêm được bao nhiêu thì quý bấy nhiêu. Anh Tùng phân cho tôi một ruột nghé gạo và một đùm soong nồi lỉnh kỉnh, lơ mơ là bị dính nhọ, nhưng lẽ nào không nhận, mà thoái thác cho ai, khi ai cũng lưng gùi, tay xách, vai mang. Người trên lưng mang nặng nhất, hai tay cũng không ở không là anh Hoàng Kim Tùng - người Bí thư chi bộ mà sau này, vào lúc 1 giờ sáng ngày 21.5.1972, cơ quan của Ban Tuyên huấn Quảng Đà đóng trên núi Hòn Tàu bị một loạt bom B.52 làm chết 10 người, làm bị thương 5 người, mãi đến năm 2012 đồng đội còn sót lại mới tìm được hài cốt anh Hoàng Kim Tùng và đồng đội đưa về quê nhà.
Độ 3 giờ sáng thì bắt đầu đi chống càn. Mò mẫm trong đêm tối trời, tôi vừa đi vừa chạy lúp xúp, bất kể mương nước, ruộng lầy, gai, mảnh, cố bám theo các anh, thỉnh thoảng giật thót người vì những quả pháo bất ngờ xè... xè... ùm sau lưng. Hừng sáng hôm sau thì đến một ngôi nhà ở trên lưng đồi, sau đồi là mờ mờ núi thấp. Đó là thôn Hai xã Xuyên Khương. Ban Tuyên huấn Quảng Đà có một bộ phận đóng ở khu vực này, trong xóm nhà ông Trùm Diễn, nhà bà Trùm Tính... Thời bấy giờ Ban Tuyên huấn Quảng Đà bao gồm các Tiểu ban: Huấn học, Tuyên truyền, Giáo dục, Trường Đảng, Đoàn văn công, Nhà in và Báo. Tất cả đều ở trong nhà dân, vùng này chưa bị đánh phá nặng nề như Gò Nổi. Sau đó mấy hôm, tôi biết thêm nhà chị Bảy ở thôn Thanh Châu, xã Xuyên Thanh cũng là nơi cơ quan Tuyên huấn Quảng Đà đóng. Cả hai nơi này là Trạm trung chuyển giữa đồng bằng và núi. Nơi đây gần khu dồn A Đông, đồn Gò Am, đồn Kiểm Lâm... Từ Xuyên Khương cũng như Xuyên Thanh đi chừng hai tiếng đồng hồ thì đến vùng chân núi Hòn Tàu. Đứng ở đồng bằng Duy Xuyên nhìn lên núi Hòn Tàu thấy một quả núi trông như cái đầu con chim cu, gọi là Hòn Quắp. Nhà in Báo lúc bấy giờ khoét một cái hang sâu vào sườn núi làm nơi đặt máy in báo. Báo Giải phóng Quảng Đà có căn hầm đào vào núi để tránh bom pháo và cái chòi lợp lá nón cạnh nhà in để treo võng nghỉ và đọc, viết. Xung quanh khu vực Hòn Quắp từng đóng cơ quan Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Đà, và có những cái hang làm nơi ở và làm việc của Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nghinh, của Chủ tịch UBND cách mạng Phạm Đức Nam.
Về Báo Giải phóng Quảng Đà thì tôi được mang danh phóng viên. Lúc đầu chưa được viết tin, bài mà chủ yếu đi gùi cõng lương thực, thực phẩm, đào hầm, dựng trại, quơ củi. Mấy tháng sau thì được kiêm giữ cái radio National 2 pin đại để hằng ngày ghi âm tin đọc chậm của Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải phóng. Ngày nào cũng phải ngồi ghi tin, nhưng một tháng thì các anh mới chọn một số tin tổng hợp đưa lên báo. Không bị bom pháo, không phải di chuyển cơ quan thì báo ra mỗi tháng một kỳ với số lượng trên dưới 1.000 tờ. Khi ra báo phục vụ cho một chiến dịch thì in nhiều hơn. Cuối năm 1968, tôi đi công tác Hội An. Nói Hội An, nhưng cơ quan của Thị ủy đóng ở Xuyên Thọ, có lúc ở Bình Dương. Tôi theo bộ đội C.2 về Cẩm Thanh, xã có 2 thôn giải phóng còn rất ít dân bám trụ với du kích. Ở Cẩm Thanh được mười hôm, tôi sống với bộ đội, trò chuyện với du kích, cán bộ xã... Nghe kể chuyện cô Liễu - Tổ trưởng xung kích dẫn đoàn quân tóc dài đi giành chính quyền trong Tết Mậu Thân, chuyện Tống Văn Sương và Đỗ Trọng Hường đột nhập nội thị, tả xung hữu đột, đánh bọn CIA, chuyện chiến sĩ Xong ôm B.40 bắn đỏ cả nòng súng... Ghi mấy chục trang tài liệu trong quyển sổ vậy mà tôi chỉ viết được một mẩu chuyện gửi về cơ quan, hơn một tuần sau tôi nhận được thư anh Trần Văn Anh khen bài viết khá, sẽ đăng cho số báo tới, tôi rất mừng. Tôi nghĩ anh động viên tôi - một phóng viên tập sự. Hồi đó, đi một chuyến công tác ít nhất một tháng, có khi 2 tháng mới về lại cơ quan nếu không bị hy sinh. Nhiều cán bộ của Ban Tuyên huấn Quảng Đà đi công tác rồi trở thành liệt sĩ như anh Hồ Hiến, anh Phan Quýt ở Tiểu ban Giáo dục, anh Trần Mậu Tý ở Tiểu ban Tuyên truyền... phóng viên Dương Tấn Nhường ở Báo Cờ Giải phóng Quảng Đà... Có lần đi công tác khi cơ quan đóng ở Gò Nổi, lúc về cơ quan ở trên Mặt Rạng - Hòn Tàu hoặc trên dốc Ông Thủ ở núi Đại Lộc. Đi và về đều phải bám theo giao liên. Đến nơi thì phải liên hệ với cán bộ xã để được bố trí chỗ ở, thường ở trong nhà dân, ăn với dân, nếu nơi đó còn dân, không có dân thì ở với du kích để có cái ăn và nhất là có hầm bí mật khi có địch càn có chỗ rúc. Giới thiệu là phóng viên thì đến đâu cũng được tiếp nhận một cách vui vẻ, không có chuyện từ chối với lý do không có chỗ ở, không có hầm bí mật. Nhiều cán bộ đi công tác xuống địa phương, gặp lúc khó khăn, họ từ chối thì khóc ròng. Nói là phóng viên, nhưng xuống địa phương thì làm việc như một cán bộ Tuyên huấn. Các anh chị ở xã nghe giới thiệu ‘‘phóng viên nhà báo” thì rất quý, làm như phóng viên phải là người ‘‘văn hay chữ tốt’’, cho nên có họp hành, kể cả họp chi bộ cũng đều mời anh phóng viên dự dù phóng viên như tôi bấy giờ chưa là một đảng viên. Cực nhất là mời anh phóng viên phát biểu ý kiến, sợ hơn là mời anh phóng viên nói chuyện thời sự trong nước và quốc tế, mời dự và nói chuyện trong các cuộc mít tinh gặp dân vùng yếu – vùng ban ngày có địch còn ban đêm thì cán bộ du kích đột nhập vào gặp dân.
Sau thiệt hại nặng nề của Đoàn Văn công 9 người hy sinh, thì Dương Tấn Nhường, phóng viên Báo Giải phóng Quảng Đà hy sinh, không lâu sau, phóng viên Đỗ Nhung, rồi đến phóng viên Nguyễn Trọng Định - nguyên là phóng viên Báo Nhân dân từ Hà Nội vừa tăng cường cho Báo Giải phóng Quảng Đà hy sinh. Những người dân kiên cường bám trụ trên đất giải phóng không còn nơi yên ổn để trồng tỉa. Nhà cửa tan hoang. Vậy mà vẫn còn các xóm dân kiên cường với tinh thần ‘‘một tấc không đi, một li không rời’’, thế là đâu chỉ du kích mà cán bộ Tuyên huấn, các nhà báo cũng bám trụ với dân, cùng đội ác liệt với dân. Một chiến trường khốc liệt như thế nhưng giới báo chí, văn nghệ từ miền Bắc chi viện vào cho khu V, nhiều người xin đi thực tế Quảng Đà, Quảng Nam như: Nguyên Ngọc, Nguyễn Chí Trung, Thu Bồn, Chu Cẩm Phong, Bùi Minh Quốc, Dương Thị Xuân Quý, Dương Đức Quảng, Nguyễn Khắc Phục, Thanh Quế, Nguyễn Bá Thâm, Đỗ Văn Đông... Ngày 8.3.1969, nhà văn Dương Thị Xuân Quý hy sinh, hơn một năm sau, ngày 1.5.1971, nhà văn Chu Cẩm Phong hy sinh. Cơ quan Báo dời về thôn Một xã Điện Thái vừa đào được cái hầm chữ A chống phi pháo ở chưa đầy một tuần, thì 9 giờ sáng ngày 29.12.1968, máy bay phản lực Mỹ ném bom trúng miệng hầm, anh Trần Văn Anh vừa vọt lên chạy được mươi mét thì trúng bom, hy sinh. Bây giờ anh Nguyễn Đình An là phóng viên của Báo cờ Giải phóng Trung Trung Bộ đang về công tác tại Quảng Đà. Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nghinh xin Bí thư Khu ủy Năm Công cho anh Nguyễn Đình An ở lại Quảng Đà, thay vị trí anh Trần Văn Anh.
Lúc bấy giờ, cái khó nhất không phải viết được báo, mà là có chịu đựng nổi gian khổ, thiếu thốn không. Liệu có sống sót trước sự ác liệt khủng khiếp của chiến tranh – một cuộc chiến tưởng chừng như không có ngày chấm dứt mà sự sống chỉ có thể tính từng ngày, còn cái chết thì luôn vây quanh, từ bom, pháo, sốt rét và rất dễ lọt vào tay quân thù. Xin cảm ơn những ngày gian khổ - những kỷ niệm - một thực tiễn quý giá - một nguồn tư liệu còn đọng lại trong ký ức, mỗi khi nhắc đến, nhớ lại là cho tôi cảm xúc để có thể ghi lại đôi điều.
HỒ DUY LỆ