1. Giữa năm 1955, để chuẩn bị cho cuộc đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử, thống nhất nước nhà, cơ quan Tỉnh ủy được thống nhất một đầu mối, về tại Châu Bí, xã Điện Tiến (Điện Bàn).
Việc biên soạn và in tài liệu của Tỉnh ủy nói chung, tài liệu công tác tuyên huấn rất khó khăn. Máy đánh chữ lúc này chưa được trang bị, do đó mọi văn bản đều viết bằng tay, dùng một loại mực hóa học để bình thường không thấy chữ và khi cần đọc thì hơ trên lửa. Đây là công việc rất vất vả, ảnh hưởng đến sức khỏe vì phải tiếp xúc thường xuyên với hóa chất, lại phải viết nơi kín đáo, nhiều lúc trong buồng kín và phải viết thành nhiều bản, không để lộ màu lên mặt giấy nên phải viết trên các giấy dễ ngụy trang như giấy vàng bạc, viết xen kẽ trên sách, vở học sinh; vì vậy, văn bản lúc này được viết rất gọn và đề cập ngay nội dung cần thiết.
Tháng 10.1955, ta tập trung tuyên truyền chống lại âm mưu của địch trong tổ chức “Trưng cầu dân ý” nhằm hợp thức hóa việc phế truất Bảo Đại, đưa Ngô Đình Diệm lên làm Thủ tướng. Để đẩy mạnh tuyên truyền, yêu cầu phải có một tờ báo. Tỉnh ủy chủ trương ra báo “Quyết Tiến”, chỉ đạo chung là đồng chí Phan Tốn - Bí thư Tỉnh ủy. Số báo ra đầu tiên vào ngày 1.5.1955. Báo ra không có ngày cố định, lúc đầu chỉ ra được khoảng 200 tờ/kỳ, sau tăng lên 500 tờ/kỳ. Một điều đáng chú ý là khi chuẩn bị ra báo “Quyết Tiến”, bọn Quốc dân đảng sau thời gian ly khai đã đầu hàng Ngô Đình Diệm. Đồng chí Phan Tốn đưa vấn đề này ra bàn trong Ban biên tập, thống nhất tuyên truyền nhằm từng bước làm suy yếu kẻ thù về mặt tư tưởng cũng như tổ chức. Đồng chí Phan Tốn nhận viết bài đầu tiên về đối sách với Quốc dân đảng trên báo “Quyết Tiến”. Loạt bài viết về vấn đề này đã có tác dụng giúp cán bộ, đảng viên hiểu bản chất phản động của Quốc dân đảng, làm phân hóa nội bộ kẻ thù. Tuy tình thế cách mạng trong thời gian này rất khó khăn nhưng báo “Quyết Tiến” vẫn ra đều đặn. Đồng chí Phan Tốn còn chỉ đạo mỗi tuần phải ra cho được một bản tin để thông báo kịp thời chủ trương của ta cũng như âm mưu của địch cho các địa phương. Lúc làm bản tin tuần, cơ sở in đã được trang bị máy đánh chữ. Cuối năm 1957, báo “Quyết Tiến” đã in được 2.000 tờ/kỳ.
2. Trong khi đó, phong trào cách mạng ở miền núi cơ bản được giữ vững và phát triển. Ban Cán sự miền Tây Quảng Nam, sau đó là Đoàn cán bộ miền Tây, tổ chức cho nhân dân học tập nội dung điều khoản Hiệp định, chủ trương của Đảng nhằm giữ vững lòng tin của đồng bào đối với Đảng và Bác Hồ, củng cố khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, ra sức giữ vững miền núi, bảo vệ cán bộ, bảo vệ thành quả cách mạng. Ở miền núi lúc này, để nâng cao đời sống văn hóa và đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho đồng bào các dân tộc, để chủ trương của Đảng đến nhiều hơn với quần chúng, Ban cán sự miền Tây Quảng Nam tổ chức phiên âm tiếng Cơ Tu và tổ chức cho nhân dân học tập, bộ phận tuyên huấn lo việc in. Năm 1958 in tài liệu chuyển sang li-pô nên nhanh hơn và in được số lượng lớn hơn.
Cuối năm 1959, trên cơ sở thành công của việc phiên âm tiếng Cơ Tu, Ban Cán sự miền Tây ra tờ “Gung Dưr” (Đứng lên), in cả chữ phổ thông và chữ Cơ Tu. Tờ “Gung Dưr” do đồng chí Quách Xân trực tiếp phụ trách, nội dung tập trung phổ biến chủ trương đường lối của Trung ương Đảng, Liên Khu ủy 5, Tỉnh ủy và Ban cán sự miền Tây, vận động đoàn kết, tăng gia sản xuất, phòng và chữa bệnh, học chữ, hạn chế các tập tục lạc hậu, biểu dương các địa phương, cá nhân điển hình thi đua xuất sắc. Từ thành công đó, năm 1960 Ban Cán sự miền Tây tiếp tục phiên âm chữ Ca Dong và cuối năm 1960 phát hành bản tin thứ hai mang tên “Pru Dương” in bằng tiếng Ca Dong, tập trung phản ánh tình hình phong trào kháng chiến ở 2 huyện miền núi Phước Sơn và Trà My.
Có thể thấy, những năm đầu kháng chiến chống Mỹ vô cùng ác liệt, nhưng nhờ sự nỗ lực phi thường của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công tác tuyên huấn vẫn giữ được vị trí của mình và góp phần tích cực “giữ lửa”, đưa phong trào cách mạng của tỉnh Quảng Nam vượt qua khó khăn, thử thách để bước sang một thời kỳ đấu tranh mới theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II.