Những ngày ở Champasak

HÀ AN 22/10/2023 06:38

Được xem bộ phim “Mê Kông ký sự” do NSND - đạo diễn Phạm Khắc, nhà biên kịch Trần Đức Tuấn do Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh thực hiện, tôi ước ao được một lần tận mắt ngắm dòng sông mang lại sự sống cho con người suốt dải đất rộng - dài Đông Nam Á. Và nay, tôi được ngắm Mae Nam Khong (người Lào gọi là Sông Mẹ), lặng lẽ mang dinh dưỡng bồi đắp cho vùng đất này...

Múa Lamvong - tiết mục văn nghệ chào mừng 78 năm Quốc khánh Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tại Công ty Hữu nghị Nam Lào.
Múa Lamvong - tiết mục văn nghệ chào mừng 78 năm Quốc khánh Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tại Công ty Hữu nghị Nam Lào.

Tuy hai mà một

Champasak tiếng Lào là cây hoa champa. Chuyện xưa kể lại, người Việt sang đây lập nghiệp từ khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 khi các phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp lan rộng khắp ba nước Đông Dương…

Họ đã tạo xóm, lập làng, trở thành một phần máu thịt của đất nước Champa. Không hiểu vì sao dọc theo sông Mê Kông rất nhiều người Việt sinh sống, chắc bởi nguồn nước, thực phẩm dồi dào và nền văn hóa có sự đồng điệu chăng?

Hôm chúng tôi vào xóm Tân An, con đường dẫn vào xóm cũng giống như làng quê Việt Nam, có đình làng, có nhà văn hóa, bảng quảng cáo song ngữ Lào -Việt. Đang vào mùa Vu lan báo hiếu, các phật tử tụ tập về chùa Trang Nghiêm tổ chức tắm Phật, rước kiệu, thả hoa đăng trên sông Mê Kông.

Trong chùa, có cây bồ đề 100 tuổi và một cây nữa rước từ xứ Phật (Ấn Độ), được Lãnh sự quán Việt Nam tại Pakse trồng. Đại đức Thích Phương Ngân cho biết, đây là ngôi chùa Việt có mặt đầu tiên tại xứ Hạ Lào, thành lập vào năm 1938. Vị khai sơn chùa có tên là Đấu, từng công tác tại Lãnh sự quán Việt Nam ở Lào.

Hướng dẫn viên tên Bảo - tên tiếng Lào là Bao Bouppha, cho biết, ông bà của anh bị bắt đi phu cho Pháp, lập nghiệp sinh sống ở đất Lào đến đời con anh là đời thứ 5. Anh và các con được học ở Trường Tiểu học Hữu nghị Lào - Việt, được học tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 5, theo sách giáo khoa Việt Nam. Ngôi trường được thành lập từ năm 1978, từ trường này, nhiều người đã thành đạt và cống hiến cho đất nước.

Trên con lộ, các tuyến đường có hàng chục nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, các tiệm ăn, buôn bán vật tư, thực phẩm, các nông trường trồng cây công nghiệp do người Việt làm chủ.

Ở đâu có chợ là ở đó có người Việt, chợ Pakse, chợ Paksong, chợ Đào Hương - ngôi chợ quy mô nhất nằm ngay vị trí trung tâm thành phố Pakse do Việt kiều Lê Thị Lượng bỏ vốn đầu tư với hơn 1.000 sạp, 80% tiểu thương là bà con Việt kiều, bà xây chợ không phải để kiếm tiền, mà tạo sinh kế cho người Việt có chỗ buôn bán.

Chị Chung Mai, thành viên của BCH Hội người Việt Nam tỉnh Champasak, cho biết thêm, Champasak là nơi có người Việt sinh sống nhiều nhất với khoảng 5.000 người, riêng ở Paske đã có bảy xóm người Việt: xóm Tân An, Nhà Đèn, Tân Phước, Xuống Đá, Sân Bay, Tà Hín và Bản Thung.

Với truyền thống người đến trước giúp đỡ, chăm lo cho những người sang sau, nhờ đó cộng đồng người Việt ngày càng lớn mạnh và no ấm trên đất khách. Hằng năm, vào các ngày lễ lớn như Quốc khánh hai nước, ngày thống nhất đất nước, ngày 27/7…, Hội tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như tri ân, thăm hỏi, tặng quà gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, văn nghệ, thi trang phục áo dài, thi môn tiếng Việt…

“Tình hữu nghị giữa hai nước đã bền chặt từ bao đời, nay có sự đóng góp tích cực của cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở đất bạn lại càng thêm thắm thiết, chúng tôi luôn tự hào là cộng đồng đoàn kết nhất và giữ gìn văn hóa Việt nhất” - chị Mai nói.

Việt Nam - Hồ Chí Minh

Ở Pakse có nhiều điều đặc biệt. Tại xóm Tân Phước, cộng đồng người Việt cùng chung tay xây dựng nên đền thờ Trần Hưng Đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh và sau này thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bà con quan niệm rằng đây những bậc anh hùng lỗi lạc của dân tộc đáng được tôn thờ.

Còn ở chùa Kim Sơn thờ Bác Hồ, kiến trúc ngôi chùa này rất giống chùa Việt, nhưng có rất nhiều tháp, những ngôi tháp này thờ di cốt của thân nhân Phật tử trong vùng, người khai sơn ngôi chùa này chính là hoàng tử Nguyễn Phước Ly, con vua Thành Thái và bà Võ Thị Đức.

Nơi thờ tự, bức ảnh chân dung và ảnh Bác mặc áo cà sa đi khất thực, dưới ảnh chú thích “Chơn dung Hồ Chí Minh năm 1919 (29 tuổi) là một nhà sư hành Đạo (hoạt động cách mạng) tại Xiêm (Thái Lan) có tên THẦU CHÍN”.

Không ai hiểu rõ xuất xứ bức ảnh, chỉ biết rằng tấm lòng của bà con Việt kiều xa xứ luôn luôn hướng về Bác, hướng về nước Việt. Hằng năm đến ngày 19/5, ngày 2/9… bà con trang trí nơi thờ Bác thật trân trọng, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Pakse, Hội người Việt Nam tại Champasak tổ chức lễ dâng hương để tưởng nhớ công ơn Người.

Hôm tôi đến bản Thông Kà Lổng, huyện Paksong có nghĩa “Đồng rừng hoang vắng” nơi đứng chân của Công ty Hữu nghị Nam Lào. Đơn vị đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 78 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh Nước CHXHCN Việt Nam 2/9, đặc biệt chương trình giao lưu “Âm vang tình hữu nghị” giữa công ty với Sư đoàn BB5 - Quân đội Nhân dân Lào, nhìn các chàng trai, cô gái chắp tay hình búp sen trước ngực, múa Lamvong không phân biệt đâu là người Việt, người Lào.

Từ năm 2006, xây dựng cụm bản phát triển trên tuyến biên giới Việt - Lào, những người lính quân y như Vũ Xuân Hiền, Lê Trọng Nam có mặt từ ngày thành lập. Nhớ lại những tháng năm gian khó, bà con của bộ tộc Lào còn nghèo, còn khó, đau ốm không có nơi để chữa bệnh.

Nay bản làng đã khởi sắc, ngay cạnh đơn vị, thành lập mới một cụm của người Việt. Khu bệnh xá 206 (người dân gọi là bệnh viện Việt Nam) cơ sở vật chất được trang bị hiện đại, thường xuyên khám và điều trị bệnh, cấp thuốc cho cán bộ, nhân dân 4 tỉnh Nam Lào.

Chị Phoiphailin, bập bẹ đôi câu tiếng Việt “Bộ đội Việt Nam đã cứu sống bố mình. Các thầy thuốc Việt Nam thật “Tủi ngam” (tuyệt vời). Cũng ở nơi đây xây dựng Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - Chủ tịch Kayxon Phomvihan, tượng đài Liên minh chiến đấu Lào - Việt để khẳng định mối tình Lào - Việt “Mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”!

Ngày cuối cùng, chúng tôi đến viếng chùa Wat Phusalao, mà người Việt gọi là chùa Phật Vàng, thử sức leo khoảng hơn 100 bậc thang, đứng trên núi ngắm chiếc cầu Hữu Nghị bắc qua sông Mê Kông uốn lượn quanh thành phố.

Trụ trì ngôi chùa mỉm cười vẫy tay chúng tôi lại, cột những sợi chỉ đủ màu sắc đã được làm phép vào tay, vẩy một ít nước thơm từ những bông hoa champa trắng ngần với lời chúc phúc - sợi chỉ đó rất mỏng manh nhưng tận sâu thẳm đó sự bền chặt giữa người với người - và cười hiền hậu, lặp lại đi lặp: VIỆT NAM - HỒ CHÍ MINH!

Giây phút đó thật gần gũi và thiêng liêng.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những ngày ở Champasak
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO