Những ngày tết khó quên

PHẠM CHÍ HÒA 24/01/2013 08:03

Đến năm 1973, cuộc kháng chiến chống Mỹ lâu dài, gian khổ của dân tộc ta đã giành được những thắng lợi to lớn. Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết ngày 27.1.1973. Quân đội Mỹ và các nước đồng minh phải rút khỏi Việt Nam… Tại chiến trường Quảng Đà, quân và dân đã mở nhiều cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang để mở rộng vùng giải phóng, đẩy mạnh công tác binh - địch vận, lôi kéo, cô lập, từng bước làm tan rã hàng ngũ binh lính địch. Ta tiến hành tổ chức phát thẻ công dân cho cả bà con ở các vùng còn đang tranh chấp, khẳng định là công dân của cách mạng. Cùng lúc, ta tiến hành vận động nhân dân lâu nay theo cách mạng, lên các vùng căn cứ để làm ăn, sinh sống, lánh địch đưa vào các khu đồn, trại tập trung. Đồng thời vận động, kêu gọi quần chúng còn trong các khu dồn, trại tập trung, ở các vùng đang tranh chấp đấu tranh với địch, đòi về làng cũ.

Bà Nguyễn Thị Bình ký kết Hiệp định Paris ngày 27.1.1973.Ảnh tư liệu
Bà Nguyễn Thị Bình ký kết Hiệp định Paris ngày 27.1.1973.Ảnh tư liệu

Tôi được cơ quan Đặc khu Đoàn phân công tham gia đoàn công tác do anh Năm Dừa - Ủy viên Ban Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà làm Trưởng đoàn, vận động quần chúng ở các xã vùng B (giáp ranh núi Đại Lộc “Hạ Sơn”) về lại quê cũ làm ăn sinh sống. Quá trình tiếp xúc vận động bà con, ai cũng khẳng định, cách mạng đi đâu dân chúng theo đó, nhất quyết không về lại quê cũ sống với địch. Ngồi nhìn anh Năm trầm ngâm lắng nghe, tôi ngẫm, chắc lần này tài vận động quần chúng của anh cũng “đuối”. Bà con nói xong, anh chậm rãi: “Thưa bà con, bà con nói một lòng, một dạ theo cách mạng; ơn sâu, nghĩa nặng của bà con, cách mạng không bao giờ quên. Bác Hồ dạy dễ mười lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Rồi anh rút văn bản Hiệp định Paris, đọc một số điều khoản và phân tích, giải thích những nội dung quan trọng cho bà con nghe. Anh nói, đây là kết quả mà biết bao nhiêu chiến sĩ, bà con đồng bào ta phải hy sinh xương máu, công sức, của cải mới có được. Anh nêu ra một số việc cần làm, thiết tha kêu gọi bà con nghe theo cách mạng, vì sự nghiệp của cách mạng và cũng chính là quyền lợi của bà con mà trở về lại quê cũ trụ bám, làm ăn sinh sống, đấu tranh mạnh mẽ với địch, đòi chúng phải nghiêm chỉnh thi hành hiệp định. Anh bảo chúng tôi lấy các văn bản Hiệp định Paris, Nghị định thư mà đoàn công tác đã chuẩn bị gửi cho đồng bào.

Lần này trong thi hành Hiệp định Paris, ta sớm nhận ra bản chất ngoan cố của kẻ thù; chúng ra sức phá hoại hiệp định, phá hoại hòa bình, ta quyết lãnh đạo nhân dân đứng lên đấu tranh đánh trả. Thời gian đầu, nhiều đoàn công tác của ta triển khai xuống bám lại địa bàn gặp không ít khó khăn, tổn thất, hy sinh nhưng với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, tất cả nhanh chóng bám lại địa bàn, xây dựng cơ sở, nắm dân, nắm tình hình âm mưu hoạt động của địch.

Trong thời gian ngắn trước, trong và sau Tết Quý Sửu 1973, chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Đại Lộc, công tác đấu tranh chính trị, công tác binh - địch vận của ta đã thu được những thắng lợi to lớn. Tại xã Lộc Hưng và một số xã giải phóng ở vùng ven, dựa vào điều kiện làm ăn, sinh sống hợp pháp, đồng bào đã có nhiều hình thức sáng tạo trong đấu tranh, tấn công, lôi kéo binh lính và bọn tề ngụy địa phương, đòi chúng phải cho đồng bào được tự do đi lại, giao lưu buôn bán giữa các vùng. Không những thế, bà con còn vận động vợ con, gia đình binh lính tề ngụy cùng buôn bán và được ta gặp gỡ, giải thích về chính sách hòa hợp dân tộc của cách mạng. Từ đó, họ về thuyết phục chồng con đào ngũ, rã ngũ. Phong trào “lính trốn” trong anh em binh sĩ và phong trào “trốn lính” trong thanh niên ngày càng nhiều.

Mùng 3 Tết Quý Sửu, lính Sư đoàn 3 ngụy nống ra vùng giải phóng, bà con ta vừa đấu tranh vừa hăm dọa: “Đây là vùng giải phóng, du kích gài mìn rất nhiều, các anh ra họ sẽ đánh cho không kịp trở tay, đi vấp mìn mà thiệt mạng”. Ngày mùng 4 Tết, đồng bào ở các khu dồn, Đá Nác, Thạnh Xuyên, quận Đức Dục tổ chức đua ghe vui tết. Ta huy động bà con ra bờ sông Vu Gia ở vùng giải phóng cổ vũ. Anh em trong đội công tác binh - địch vận của ta cũng đem loa ra phát thanh cổ vũ, tuyên truyền về Hiệp định Paris và chính sách hòa hợp dân tộc của cách mạng; kêu gọi anh em binh sĩ, bà con vui tết, đón xuân, cùng nhau thi hành hiệp định, giữ gìn hòa bình. Bà con phía bên kia và anh em binh sĩ kéo ra bờ sông nghe mỗi lúc một đông.

Trong dịp tết, ở một số khu dồn, đoàn viên cơ sở mật của ta đã huy động học sinh và số thiếu nhi chăn trâu tổ chức đánh trận giả, vờ vây đuổi nhau chạy vào các khu gia binh, trại lính, dùng mo cau, bìa giấy cuốn lại thành loa tay kêu gọi “Hiệp định Paris đã có hiệu lực thi hành, không nên đánh nhau nữa”. Các em còn đọc Hiệp định Paris cho binh sĩ và gia đình họ nghe. Ở nhiều địa phương, bà con có điều kiện gặp gỡ, thăm hỏi các gia đình binh lính kêu gọi họ cùng đấu tranh, níu kéo không cho chồng con đi lính.

Đã 40 năm trôi qua nhưng trong tôi còn mãi hình ảnh những con người, những mẩu chuyện và việc làm của họ trong Tết Quý Sửu năm 1973. Chiến công của bà con như một kỳ tích, làm thay đổi tình thế, chuyển hóa con người trên mảnh đất Đại Lộc anh hùng, để lại trong tôi biết bao kỷ niệm về những bài học quý báu trong quá trình công tác. Những phong trào cách mạng từ chỗ bị động, yếu thế trở thành lớn mạnh, tiến công áp đảo kẻ thù. Cách mạng đã thực hiện được: “Nắm dân, nắm lính, nắm tề”, tranh thủ được binh lính đồng tình, ủng hộ. Những thắng lợi này đã góp phần to lớn vào thắng lợi chung để làm nên chiến thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

PHẠM CHÍ HÒA

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những ngày tết khó quên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO