Cuộc đời Phan Châu Trinh là một trường đấu tranh cách mạng vì thế ta không ngạc nhiên khi biết chuyện ông đã từng “rèn luyện” ở “trường học thiên nhiên Côn Đảo” và “thử sức” với “địa ngục Santé”.
Trong nhà ngục Santé
Khi rời Côn Đảo bị đưa về “giam lỏng” ở Mỹ Tho, Phan Châu Trinh đã tranh đấu quyết liệt đòi một là trả tự do hoàn toàn cho ông, hai là cho ông đi Pháp. Nếu không ông xin quay lại Côn Đảo.
Thấy không thể an trí lâu dài, lại nghĩ với một nhà Nho “mù tiếng Pháp” sẽ rất khó hoạt động trên đất Pháp và “may ra” có thể “lợi dụng” được ông, nên thực dân Pháp đồng ý cho ông sang Pháp. Đầu tháng 4.1911, Phan Châu Trinh cùng con trai Phan Châu Dật lên tàu sang Pháp, ngày 27.4 đến Paris.
Vừa đến Pháp, ông lao vào hoạt động, nào là cùng Roux viết và dịch Trung Kỳ dân biến thỉ mạc ký gửi Bộ Thuộc địa, gặp Messiny (Bộ trưởng Thuộc địa), Albert Sarraut (vừa nhậm chức Toàn quyền Đông Dương), nào là tiếp xúc giới báo chí, gặp mặt những nhân vật quan trọng trong Hội Nhân quyền và giới chính trị như Moutet, Bonyfacy, các giáo sư ở Đại học Sorbon như Deloustal, Aulard. Phan Châu Trinh cùng Phan Văn Trường thành lập và sinh hoạt công khai trong Hội Đồng bào thân ái.
Uy tín của ông ngày càng tăng. Từ chỗ nặng về công kích chế độ phong kiến thối nát của An Nam ông chuyển sang “tấn công” chế độ cai trị của người Pháp tại Đông Dương.
“Như vậy chỉ sau một năm hoạt động ở nước Pháp, nhờ sự giúp đỡ của những người Pháp tiến bộ, sự cộng tác và giúp đỡ đắc lực của luật sư yêu nước Phan Văn Trường, cộng với tài ứng phó của bản thân, Phan Châu Trinh đã từ một tử tù biệt xứ, nhảy lên vị trí người đại diện bất khả xâm phạm và đầy uy tín của lực lượng yêu nước Việt Nam ngay tại thủ đô của nước đô hộ” (TS. Thu Trang, Những hoạt động của Phan Châu Trinh trên đất Pháp, Nxb TP.Hồ Chí Minh, trang 53).
Không lợi dụng được ông trong khi ông ngày càng tỏ ra nguy hiểm, người Pháp tìm cách “triệt hạ” ông.
Đầu tiên họ định đưa ông đến một nơi xa xôi hẻo lánh để tách ông ra khỏi những người Pháp tiến bộ trong Hội Nhân quyền và cộng đồng Việt kiều. Ông cương quyết “bám trụ” tại Paris. Bước tiếp theo họ định đưa ông vào quân đội để vừa cách ly vừa dễ quản lý. Ông từ chối với lý do là dân An Nam nên không bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ quân sự .
Cuối cùng họ quyết đưa ông vào tù bằng cách vu khống cho ông tội thông đồng với Đức âm mưu chống lại nước Pháp. Ngày 14.9 họ lục soát phòng trọ và bắt giam ông vào nhà ngục Santé với mưu đồ làm cho ông “chết mòn, chết rục, chết vắng, chết thầm” trong ngục hoặc “đợi cho đến khi Paris có lộn xộn thì đem đến chỗ vắng mà giết”.
Trong ngục ông phải chịu cảnh khổ cực: “Lúc lính nó lại xét đồ trong mình tôi, đứa thì ôm tôi mà vật, đứa thì đánh vả tát tai tôi…” (Thư ngày 27.4.1915). “Tôi không tội gì mà bắt tôi phải nằm một giường sắt, ngủ một cái nệm rơm, trùm một chiếc chăn rách trống đầu trống đuôi mua từ năm 1881, mai húp một chút nước sôi, chiều uống một chút nước rau luộc, mỗi ngày ăn một ổ bánh mì đen mà người ta quăng lên liệng xuống dưới cái sàn dơ nhớp, cả ngày lăn lộn trong một cái xó, vừa ăn vừa ngủ vừa ỉa vừa đái một chỗ… (Thư ngày 2.5.1915).
Đấu tranh quyết liệt
Trong tù, Phan Châu Trinh đã đấu tranh kiên cường, quyết sống chết với kẻ thù. Ông đã viết bốn lá thư gửi Curon, chủ ngục Santé. Những thư đầu lời lẽ tuy cương quyết nhưng còn mềm dẻo, những thư sau ngày càng quyết liệt, “sắt máu”: “Quan lớn bảo thằng nào buộc quan lớn phải hành hạ tôi cực khổ bảy tháng nay, nó đem gươm súng tới mà nó giết tôi tại buồng giam 6-21 nhà giam Santé đi. Quan lớn bảo nó đừng có khêu gan chọc tức thằng Phan Châu Trinh này. Thằng Phan Châu Trinh này thà chết thì nó xách cái đầu của nó, nó quăng xuống đất như chơi, nó chẳng sợ giam đâu, nó chẳng chịu làm thân trâu ngựa cho người ta cỡi lên đầu lên cổ nó đâu… Tôi thề chết, chết tại giữa buồng giấy quan lớn. Tôi thề lấy máu tôi bôi đầy mặt, đầy cổ, đầy mình quan lớn. Tôi bôi cho đỏ cả một buồng giấy gian dối, không công bằng của quan lớn ra thôi. Tôi chẳng chịu chết mòn, chết rục, chết vắng, chết thầm ở cái buồng giam 6-21 nhà giam Santé đâu” (Thư gửi ngày 2.5.1915).
Bên cạnh việc đấu tranh trực diện, Phan Châu Trinh còn viết thư gửi Hội Nhân quyền nhờ can thiệp, nhờ Luật sư Moutet, dân biểu Hạ Nghị viện thụ lý vụ án. Ông còn hướng dẫn cho Phan Văn Dật dịch và in hàng ngàn bức thư của ông gửi cho Curon để phân phát trên đường phố nhằm tố cáo với dư luận Pháp.
Dư luận tiến bộ Pháp cũng phản đối việc bắt giam, đối xử vô nhân đạo với nhà cách mạng Việt Nam, làm hoen ố danh dự nước Pháp, nên cuối cùng vào giữa tháng 7.1915, phải thả ông ra.
Viết Santé thi tập
Suốt 10 tháng trong ngục Santé, ngoài việc đấu tranh để được tự do với 4 lần viết thư “máu lửa” gửi chúa ngục Curon, mấy lần viết thư cho J. Roux, cho luật sư Mutet và cho Phan Châu Dật, Phan Châu Trinh còn… làm thơ. Hai việc xem có vẻ đối nghịch nhau nhưng khi đọc những bài thơ ông viết vào thời điểm đó mới thấy hết được tính cách và sự nhất quán trong quan điểm của ông, một con người “ngang tàng” không sợ bất cứ một thứ cường quyền nào kể cả cái chết nhưng không bao giờ quên nhiệm vụ “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.
Sau khi ra tù ông đã tập hợp các bài thơ đã làm thành Santé thi tập.
Năm 1961, ông Lê Ấm, rể Phan Châu Trinh đã sao lục các di thảo của cha vợ và cho in thành một tập có nhan đề là: Tây Hồ và Santé thi tập. Sách gồm 2 phần, phần Tây Hồ gồm 69 bài, phần Santé thi tập gồm 226 bài. Sách do Nxb Lê Thị Đàm xuất bản.
Theo Nguyễn Văn Dương, trong Tuyển tập Phan Châu Trinh thì Santé thi tập hiện còn 2 di cảo do tác giả viết dưới dạng chữ quốc ngữ. Di cảo thứ nhất gồm 3 trang. Trong di cảo này, Phan Châu Trinh ghi nhan đề tập thơ là Santé thi tập và chép 7 bài thơ quốc âm luật Đường. Di cảo thứ hai, Phan Châu Trinh chép hơn 200 bài thơ quốc âm, thể thất ngôn luật Đường. Trong cả hai di cảo, ngoài việc chép thơ, tác giả còn chú thích các từ, các câu khó hiểu bằng cách dẫn tục ngữ, ca dao hay điển tích trong sử sách Tàu.
Santé thi tập là một tác phẩm đặc biệt, ra đời trong nhà ngục với không khí đấu tranh “ngẹt thở” cận kề cái chết, nhưng lại rất điềm tĩnh, đầy tính nhân văn, đúng như nhận định của nhà giáo Châu Yến Loan: “Ra đời trong chốn lao tù nhưng rất ít nói chuyện lao tù mà nặng về giáo dục. Mỗi bài thơ là một lời giáo huấn rất sâu sắc, thiết thực, khoa học, tiến bộ được diễn tả bằng tất cả tấm lòng chân thành, thiết tha của Phan Châu Trinh, dựa trên nền tảng đạo lý dân tộc…” (Phan Châu Trinh, nhà giáo dục qua Santé thi tập, báo Thanh Niên số ngày 17.11.2005).