Trong liên hoan “Âm vang cồng chiêng” lần thứ 3 năm 2015 vừa diễn ra tại thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang), các “nghệ sĩ chân đất” đã làm cho người xem mãn nhãn với những tác phẩm mỹ thuật mang đậm nét của đồng bào Cơ Tu.
Nếu cuộc thi dệt thổ cẩm là sự đua tài của các chị, các cô gái thể hiện sự đảm đang, cần mẫn để sáng tạo nên những sản phẩm rực rỡ hoa văn, sắc màu thì cuộc thi điêu khắc là cuộc trình diễn của các già làng, trai tráng về nghệ thuật tạc tượng gỗ, chạm khắc phù điêu. Đó là loại hình nghệ thuật mà nghệ nhân Cơ Tu sáng tác để trang trí cho nhà làng truyền thống của mình. Với những dụng cụ nghề mộc đơn sơ như cưa, rìu, dùi, đục... các nghệ nhân đã biến những khúc gỗ, tấm ván vô hồn thành tác phẩm nghệ thuật đặc sắc.
Bốn nghệ nhân Zơrâm Vuôn, Zơrâm Vệm, Zơrâm Niên, Zơrâm Cường đến từ thôn Đắc Tà Vâng, xã Đắc Tôi với các tác phẩm phù điêu đẹp mắt vừa sáng tác. Ảnh: T.VỊNH |
Cuộc thi điêu khắc lần này đã tập hợp các nghệ nhân tài giỏi ở các làng Cơ Tu. Nhiều nghệ nhân của 7 thôn của xã Ta Bhing đã tích cực tham gia dự hội thi. Nghệ nhân Cha Răng Bhan ở thôn Ba Ia có nhiều tác phẩm đẹp mang đến trưng bày như: Chim công, Trâu cày ruộng, Lò rèn. Các nghệ nhân đến từ các thôn Bà Tôi, thôn Vinh, thôn 2, Bà Păng (xã Tà Pơơ) giới thiệu nhiều tác phẩm thú vị như: Khỉ, Già làng, Gà, Chim Ma lai ăn thịt người (Gơjing Gơjooh). Các nghệ nhân Pơling Hạnh, Pơ Nươk Gruông, Aviết Trọng, Zơrum Mấu ở thôn Công Dồn, Ba Đí, Barum A, Barum B đã tâm đắc với tác phẩm như: Chim tring trang trí trên đầu hồi, Hoa văn trang trí nhà mồ. Các nghệ nhân dân tộc Ve đến từ thôn 57, thôn 58 (xã Đắc Pre) trình làng những tác phẩm như Con hổ, Con cá, Con chó, Mồ côi, Phụ nữ, Ma Lai (cmôch chmoc). Nghệ nhân thôn A Ding, thôn Tà Ul xã Chà Vàl với tác phẩm điêu khắc như: Con trâu, Con gà trống.
Các nghệ nhân trẻ xã Ta Bhing giới thiệu tác phẩm tham gia dự thi. |
Đặc biệt nhất là 4 nghệ nhân trẻ là Zơrâm Vuôn, Zơrâm Vệm, Zơrâm Niên, Zơrâm Cường đến từ thôn Đắc Tà Vâng, xã Đắc Tôi là đồng tác giả của nhiều bức phù điêu như: Đi săn, Uống rượu cần, Đánh cồng chiêng, Giã gạo, Thổi đing tút, Dệt vải. Các bức phù điêu này đều có kích cỡ bằng nhau, rất đẹp mắt, chúng được trau chuốt như tác phẩm hội họa của các họa sĩ đích thực. Đến với hội thi, các nghệ nhân này còn chung tay sáng tác tại chỗ bức tượng gỗ: Uống rượu tà vạt và tác phẩm Trang trí hoa văn trên quả bầu và ché rượu. Điều đó cho thấy họ đã biết sáng tác theo chủ đề, đề tài, làm hấp dẫn cho người thưởng ngoạn, cho dù đó là tác phẩm trang trí ở gươl hay đi dự thi.
Trong số hơn 50 tác phẩm điêu khắc gỗ mang đến cuộc thi người xem thường tìm thấy những chủ đề nổi trội như lễ hội, các con vật gần gũi với cuộc sống của con người như con trâu, con gà trống... Hình ảnh con trâu trong lễ hội được các nghệ nhân Cơ Tu huyện Nam Giang miêu tả khá ấn tượng. Con trâu vốn là đối tượng nghệ thuật đầy cảm hứng của nghệ sĩ dân gian dành để trang trí cho ngôi nhà làng thêm xinh đẹp, ấm cúng, trang trí nơi nhà mồ để an ủi người quá cố. Với người Cơ Tu, con trâu và cặp sừng của nó còn là biểu tượng cho sự hoàn hảo, mong ước vươn đến cuộc sống an lành, giàu sang, no ấm. Song song với đó, con gà gắn bó mật thiết với người Cơ Tu, cả trong đời sống vật chất thường nhật lẫn sinh hoạt lễ nghi; là vật hiến sinh không thể thiếu, tạo nên các mối quan hệ tâm linh giữa con người với các thế lực siêu nhiên; con vật báo hiệu sự chuyển đổi thời khắc ngày và đêm. Ở làng, hình ảnh chú gà trống (a tưch) thể hiện ngay trên tấm “ga râm” (tấm ván thưng ở trước gươl) hay trên drươp (đầu hồi gươl) là biểu tượng của cuộc sống ấm no, thanh bình. Và khi đi thi, các nghệ nhân đã lựa chọn những tác phẩm điêu khắc về chú gà trống đẹp nhất để giới thiệu cho các nghệ nhân làng khác.
Điều đáng nói là trong cuộc thi này có sự tham gia tích cực của các nghệ nhân trẻ tuổi như nghệ nhân Zơrâm Thông - 21 tuổi ở thôn Tơ Lan, nghệ nhân Viết Hiệu - 30 tuổi, nghệ nhân Pơloong Tiết - 28 tuổi ở thôn Tà Ooi, xã La Êê. Đặc biệt, nghệ nhân trẻ Pơloong Hấp - 28 tuổi ở thôn Blăng, xã Chơ Chun tham gia dự thi với hai bức phù điêu mà anh dành nhiều tâm huyết để sáng tác, trong đó anh tâm đắc nhất là tác phẩm: Cảnh về nhà sau một ngày làm việc trên nương rẫy.
Trong những năm gần đây, huyện Tây Giang, Nam Giang đã sáng kiến tổ chức các hội thi điêu khắc dành cho nghệ nhân trong huyện. Đó là nỗ lực gìn giữ, trao truyền, tiếp nối truyền thống mỹ thuật cổ truyền của các thế hệ đi trước cho thế hệ trẻ. Đây còn là cơ hội tốt để điều tra, nắm danh sách nghệ nhân dân gian, kiểm kê di sản điêu khắc gỗ - một loại hình nghệ thuật khá độc đáo, nổi trội của đồng bào Cơ Tu nói riêng, các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây nguyên nói chung.
TẤN VỊNH