Cơn bão số 9 vừa qua gây thiệt hại nặng nề, những san sẻ trong khó khăn càng thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm...
1. Những ngày bão số 9 đi qua, anh Hà Công Hiệp (Trưởng thôn Lộc Tây, Quế Lộc, Nông Sơn) gần như không có thời gian ở nhà. Trước bão, anh Hiệp cùng các thành viên đội xung kích của thôn đi từng xóm, gõ cửa từng nhà để thông tin tình hình bão; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng chống bão, hỗ trợ di dời các hộ sống ở vùng xung yếu đến nơi an toàn để trú bão. Sau khi bão qua, anh Hiệp không quản mưa gió, dọn cây ngã đổ, đảm bảo giao thông thông suốt ở tuyến đường chính của thôn.
Bà Hà Thị Bảy (thôn Lộc Tây, Quế Lộc) kể, mặc dù nghe thông tin bão to nhưng gia đình có người già 80 tuổi, bệnh nằm liệt giường đã lâu, chồng bà Bảy lại đau bệnh nan y, sức khỏe yếu nên không đi sơ tán được. Sáng đó, anh Hiệp đội mưa đến nhà vận động gia đình, khiêng giúp bà cô đến Trường Mẫu giáo Hoa Sen điểm trường thôn Lộc Tây tránh bão. Bà Bảy cảm kích: “May nhờ có anh Hiệp và thanh niên trong thôn đến giúp tôi di chuyển người thân đến nơi an toàn. Chúng tôi rất cảm kích và biết ơn anh Hiệp”.
Bà Hà Thị Minh Châu - Bí thư Chi bộ thôn Lộc Tây chia sẻ, năm 2003, thôn phát động xây dựng thôn văn hóa. Trong thôn, hơn 90% hộ đạt gia đình đạt chuẩn văn hóa, 3 thôn đăng ký tộc họ văn hóa, có tộc ước. Những kết quả đó một phần nhờ tinh thần làm việc hết mình của anh Hiệp trong việc gương mẫu, đi đầu, làm tốt công tác vận động nhân dân tham gia, thực hiện các phong trào ở địa phương. Lộc Tây có 530 hộ dân, trong khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành, rồi lụt, bão liên tiếp, anh Hiệp đã trực chiến, hỗ trợ làm tốt công tác tuyên truyền phòng chống lụt bão cũng như khắc phục hậu quả sau bão...
Ông Hồ Chánh Lập - Chủ tịch UBND xã Quế Lộc cho biết, anh Hiệp là một trưởng thôn trẻ có tâm huyết với công việc của địa phương và nhân dân. Trong đợt mưa bão vừa qua, anh luôn năng nổ, đi đầu trong công tác ứng phó; phối hợp giúp người dân sửa chữa nhà cửa, thông các tuyến đường, dọn vệ sinh môi trường... để người dân ổn định đời sống và sản xuất trở lại.
2. Sau đợt bão số 9 vừa qua, phần lớn trên địa bàn tỉnh bị mất điện. Anh Phạm Hai, còn gọi là Phạm Tin (SN 1977, thôn Phú An, Đại Thắng, Đại Lộc) đã dùng máy phát điện mini gia đình vừa sắm, đổ dầu, rồi chở đi quanh xóm giúp bà con phát điện, bơm nước để sinh hoạt. Sau mấy ngày phát điện, chiếc máy nổ của gia đình anh cũng bị hư do hoạt động quá công suất song anh vẫn vui vẻ.
“Sau bão lũ, khó khăn nhất là không có điện, may nhờ có anh Tin giúp đỡ nên nhiều người có điều kiện để duy trì sinh hoạt, khắc phục hậu quả bão lũ” - chị Kim Lạc, một người dân thôn Phú An chia sẻ. Anh Lê Huy Phương - Phó Bí thư Đoàn xã Đại Thắng nhận xét: “Việc làm của anh Phạm Tin rất đáng trân quý. Không chỉ vậy, bình thường hễ trong thôn xóm ai cần việc gì mà có thể giúp được thì vợ chồng anh Tin không nề hà”.
Tương tự, nhìn thấy làng quê Thái Chấn Sơn (Đại Hưng, Đại Lộc) hoang tàn sau bão lũ và chịu cảnh mất điện lâu ngày, anh Nguyễn Kim Lanh, một thanh niên trong thôn đã chở máy phát điện của gia đình đi khắp thôn bơm nước hỗ trợ cho bà con dọn vệ sinh sau lũ, có nước để sinh hoạt, giúp bà con sạc pin điện thoại, đèn pin… Hành động cao đẹp của anh Lanh đã nhận được sự cảm kích của bà con trong thôn xóm và cộng đồng.
Ông Đỗ Xin, người dân thôn Thái Chấn Sơn chia sẻ: “Lanh là một thanh niên giàu tình làng nghĩa xóm, hết mình giúp đỡ bà con xa gần. Cũng vì thế mà nói tới Lanh ai cũng quý yêu là vậy”...