LTS: Mái ấm gia đình được ví như những chiếc nôi ôm ấp, vỗ về cuộc đời mỗi con người. Từ chiếc nôi ấy, người ta trưởng thành và đi muôn ngả… Liệu rằng trong cuộc sống hiện đại, gia đình - hạt nhân xã hội có bị thay đổi? Nhân ngày Gia đình Việt Nam 28.6, Quảng Nam Cuối tuần điểm vài mảnh ghép của chủ đề này.
SỨC MẠNH GIA ĐÌNH
Mô hình và cấu trúc gia đình truyền thống đang có những đổi thay, nhưng không vì vậy mà mất đi ý nghĩa hai tiếng gia đình... Trong đó, phần nào từ sự hưởng ứng phong trào xây dựng gia đình văn hóa.
Đường về có nhau
Đã có nhiều nghiên cứu về sức mạnh gia đình tác động lên mỗi cá nhân. Cuộc đời mỗi người, có thể có rất nhiều thứ, nhưng duy chỉ “Một ngôi nhà, bão dừng sau cánh cửa” (Bằng Việt) ý thơ rất nhiều người tâm đắc, bởi đúc kết rằng nhà - gia đình luôn là nơi bình yên nhất để chở che con người trước mọi bão dông cuộc đời.
Xây đắp một ngôi nhà “bão dừng sau cánh cửa” và “bên trong chỉ có ấm áp” để giữ cho mình một nơi mà trái tim luôn hướng tới, mong muốn được trở về sau những mỏi mệt là mơ ước của đời người. Hẳn vậy, nên trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH), gia đình văn hóa (GĐVH) được xem là nội dung cốt lõi, nhân tố tích cực quyết định chất lượng của phong trào.
Gia đình không chỉ giữ vai trò nền tảng, là “tế bào” của xã hội mà còn có vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng, giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách con người. Đó còn là nơi tiếp thu, giữ gìn và lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, hình thành môi trường văn hóa lành mạnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.
Ông Tào Viết Hải - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, danh hiệu GĐVH bao hàm rất nhiều nội dung, từ việc xây dựng gia đình gương mẫu, gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng, tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập đạt chất lượng và hiệu quả.
“Đối với Quảng Nam, phong trào xây dựng GĐVH đã tạo chuyển biến trong nhận thức của cộng đồng, xây dựng gia đình thực sự là nơi hội tụ những giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập. Bình đẳng giới, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được đề cao. Quyền trẻ em được bảo vệ và thực hiện” - ông Tào Viết Hải nói.
Có thể có nhiều nơi để đi nhưng nơi duy nhất chúng ta luôn hướng về, đó là gia đình. Hạnh phúc là sau giờ tan ca, gia đình được quây quần bên nhau ăn bữa cơm tối. Hay đó, là sự tin tưởng, sự tôn trọng, yêu thương, bình đẳng, sẻ chia và “đồng vợ đồng chồng” trong cuộc sống hôn nhân. Họ cùng nhau xây dựng gia đình nhỏ từ tình yêu, hạnh phúc, cùng trải qua những khó khăn, giải quyết mâu thuẫn gia đình để vững vàng nắm tay nhau tiếp tục hành trình phía trước. Con người ta dù tài giỏi mạnh mẽ tới đâu thì cũng có lúc cần một bến đỗ bình yên để lấy lại sức lực sau những phong ba của cuộc đời. Dù khỏe mạnh, thành công, giàu có, xinh đẹp, hẳn sẽ có lúc nào đó khó khăn, con người ta cũng sẽ nghĩ đến gia đình.
Những lúc đó người ta dựa vào niềm tin và tình yêu thương gia đình để có động lực vượt qua và đi tới. Vì những lẽ đó mà gia đình đã, đang và sẽ tiếp tục là một thiết chế tối quan trọng đối với từng cá nhân cũng như quyết định sự phát triển của xã hội.
Ông Nguyễn Tấn Lân (Đại Lộc) đạt danh hiệu GĐVH tiêu biểu 5 năm liên tiếp, chia sẻ, rằng phải biết san sẻ cùng nhau, dù là việc lớn nhỏ. Nếu người phụ nữ bận chuyện xã hội hay công việc thì người đàn ông sẵn sàng lăn vào bếp, để duy trì những bữa cơm sum họp. Hoặc khi gặp những khó khăn về kinh tế gia đình thì vợ chồng con cái cùng san sẻ gánh vác. Chính quan điểm như vậy đã giữ cho những gia đình dù cho bao nhiêu thế hệ sống chung đi nữa vẫn có được nền nếp riêng, sống ấm cúng, hạnh phúc cùng nhau.
Giữ lửa yêu thương
Nhiều năm liền, chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” được lựa chọn để kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28.6). Cuộc sống hiện đại, khi các thành viên phần lớn đều bận bịu với những mối quan hệ xã hội, công việc, việc duy trì bữa cơm gia đình cũng như xây đắp những khoảnh khắc gắn kết hằng ngày, đòi hỏi sự nhiệt tâm từ tất cả thành viên. Cùng với đó, Ngày gia đình không chỉ xây dựng ý thức cho mọi người về hai chữ “gia đình”, cũng đồng thời là hồi chuông nhắc nhở người lớn nói riêng về trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ trẻ em trong xã hội. Năm 2020, chủ đề “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình” được lựa chọn nhằm khơi gợi các giá trị nền tảng của gia đình. Song song đó, Tháng hành động Phòng chống bạo lực gia đình cũng được triển khai như một cách báo động về hiện trạng này. Năm 2019, Quảng Nam có 168 vụ bạo lực gia đình với tổng số 187 hộ có bạo lực gia đình.
Rất nhiều mô hình câu lạc bộ (CLB) như CLB Gia đình hạnh phúc, CLB Gia đình phát triển bền vững, CLB Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, CLB Gia đình trẻ, CLB Gia đình Nông dân văn hóa, CLB Gia đình không sinh con thứ ba trở lên... đã cung cấp các kiến thức, kỹ năng sống, từ việc làm cha, làm mẹ, kỹ năng ứng xử giữa các thế hệ, thành viên trong gia đình và cộng đồng. Quảng Nam hiện có khoảng hơn 337 nghìn gia đình đạt danh hiệu GĐVH. Con số này không thể nói lên đầy đủ môi trường sống hiện tại, nhưng ít ra, cho thấy một niềm tin về giá trị gia đình tại Quảng Nam đã không bị nhiều gãy đổ như ở nhiều nơi khác.
Ông Nguyễn Sinh (TP.Hội An) với một gia đình “tứ đại đồng đường” hòa thuận, cho rằng, cốt lõi của gia đình là sự yêu thương, chia sẻ, đáp ứng nhu cầu của nhau, cùng dựa vào nhau, bổ sung cho nhau, chấp nhận lẫn nhau và hỗ trợ cho nhau. Gia đình là trường học đầu tiên nơi người ta bắt đầu học nhận thức về mình như một cá nhân, học cách dung hòa những nhu cầu của mình và của người khác, học cách cho và nhận. Gia đình còn là nơi người ta học tôn trọng lẫn nhau, học tha thứ và bao dung với lầm lỗi của người khác.
Và không chỉ có vậy, nền tảng gia đình còn góp phần tạo nên thành tựu cho mỗi con người trưởng thành. Giáo sư Buchanan ở University of Oxford đã khảo sát 1.600 đứa trẻ tuổi từ 11 - 16 sống thời thơ ấu hạnh phúc, cho thấy những thành tựu mà đứa trẻ đạt được có mối liên quan chặt chẽ với những thành tựu của cha mẹ chúng, nói cách khác, phụ thuộc vào nền tảng gia đình. Nhưng ảnh hưởng đó không chỉ diễn ra trong hai thế hệ, mà khả năng tiến lên trên những bậc thang xã hội còn nằm trong những truyền thống gia đình từ thời ông bà truyền lại. Nghiên cứu này thực hiện trên 39 quốc gia/vùng lãnh thổ, cho thấy trình độ học vấn của cả ông bà lẫn cha mẹ ảnh hưởng tích cực đến thành tựu học hành của bọn trẻ.
Trong cơn lốc của nhiều thay đổi, những giá trị sống đảo vòng, thì may thay, gia đình vẫn ở yên đó với thương yêu, trân trọng và hạnh phúc.
GIỀNG MỐI GIA ĐÌNH MIỀN NÚI
Tập tính gắn kết, đùm bọc giữa các gia đình thành viên như một giềng mối quan trọng tạo nên sự tồn tại của cộng đồng các dân tộc miền núi.
Như những món quà của cuộc sống, họ tặng nhau bất kể thứ gì mình có, chia nhau từng mảnh vườn, dòng nước và thậm chí là cả… quan tài. Bên ché rượu cần nồng say, câu chuyện gia đình được kể bằng lời hát lý đầy hình ảnh ẩn dụ, chất chứa niềm thương yêu đong đầy.
Như anh em một nhà
Vốn rất coi trọng tình cảm, xem sự hào phóng của cá nhân như một cách đóng góp công sức với cộng đồng, đồng bào vùng cao luôn duy trì mối quan hệ tình thân, xem nhau như anh em một nhà. Điều đó, càng thấy rõ nhất trong một tộc họ - nơi giềng mối giữa các gia đình vùng cao.
Già làng Bh’riu Thiện - Trưởng tộc Bh’riu xã Sông Kôn (huyện Đông Giang) cho biết, người Cơ Tu dù ở bất kỳ nơi đâu vẫn coi nhau như anh em một nhà. Suốt hàng trăm năm qua, cuộc sống cộng đồng nơi đây luôn thuận hòa, gắn kết với nhau đầy tình nghĩa. Như ở làng Bhơ Hôồng (xã Sông Kôn), sau gần 50 năm chung sống, đồng bào dành cho nhau tình cảm sâu đậm, cùng vượt qua gian khó, vươn lên trong cuộc sống sinh tồn. Những cuộc hội làng diễn ra hàng năm đều có sự góp mặt của tất cả tộc họ, như một dịp tổng kết cộng đồng, tạo không gian kết nghĩa ấm cúng.
“Trong hương ước của tộc họ, chúng tôi xác định, ngoài việc hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, tất cả thành viên đều phải cam kết phát huy tinh thần đoàn kết với tất cả tộc họ trong làng. Không để phát sinh mâu thuẫn cá nhân làm ảnh hưởng đến uy tín, cũng như tình cảm tốt đẹp của cộng đồng. Điều đáng mừng, trong nhiều năm qua, bà con luôn sống đoàn kết, thuận hòa, chung sức bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, cùng phát triển kinh tế, làm du lịch giúp nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống” - già Thiện nói.
Không chỉ đoàn kết trong dòng tộc, ở nhiều nơi, đồng bào còn kết thân, kết nghĩa với những tộc họ khác ở vùng lân cận. Thậm chí, việc kết nghĩa còn lan rộng cả thôn, xã giữa các địa phương miền núi. Theo già làng Cơlâu Nhấp, ở thôn Pơr’ning (xã Lăng, Tây Giang), người vùng cao đã thôi nhắc lại câu chuyện buồn đau của quá khứ về brâu. Tục brâu (săn đầu người) giờ đã được chôn sâu tận trong ký ức ngày cũ. Người Cơ Tu nơi nào cũng đều là anh em, cùng chung dòng sữa, cùng chung bóng mát mẹ rừng Trường Sơn.
“Ở các làng, bà con sống chung với nhau, chia sẻ từng miếng đất canh tác, giúp nhau từng lon gạo, hạt muối. Gươl trở thành mái nhà chung, cất dấu những kỷ niệm đẹp, truyền nối cho thế hệ con cháu sau này. Đó như một đại gia đình” - già Nhấp chia sẻ.
Nơi giáo dục con cháu
Bằng rất nhiều cách, người vùng cao tạo dựng nên “hình ảnh” đẹp vừa để vun đắp cho hạnh phúc gia đình, vừa giáo dục con cháu về đạo lý truyền thống. Tiếp nối bao thế hệ, họ giữ vững nếp sống cộng đồng, xem đó như một giá trị chung giữa các tộc người, mang giá trị tinh thần cố kết cộng đồng.
Ông Hồ Văn Nhun (ở khối 3, thị trấn Khâm Đức, Phước Sơn) cho hay, từ xa xưa, người Bh’noong luôn duy trì và phát huy vai trò của gia đình tộc họ trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Lễ hội tết mùa hàng năm vừa là dịp để tạ ơn thần rừng, thần núi sau tháng ngày làm lụng nương rẫy, vừa tạo không gian gắn kết giữa các gia đình, tộc người trong làng.
“Tết mùa, bao gồm rất nhiều thứ bậc, từ tết riêng gia đình, tộc họ cho đến tết chung của cả làng. Giữa nhịp trống, tiếng chiêng rộn rã, các chàng trai, cô gái hòa theo vũ điệu múa hát truyền thống, quây quần bên nhau cùng cầu chúc mọi điều tốt lành, an vui” - ông Nhun bộc bạch.
Theo ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, văn hóa kết nghĩa, kết thân giữa các tộc người vùng cao từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa cộng đồng riêng biệt. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm, người Cơ Tu vẫn giữ được tục pơr’ngoóch gương yên (ăn thề kết nghĩa anh em) giữa cộng đồng làng này với làng khác, giữa tộc họ này với tộc họ khác, gia đình này với gia đình khác… Những tập tục này, thể hiện giá trị nhân văn, giáo dục và nhắc nhớ cho cháu con về tình đoàn kết dân làng. Sau những lần kết nghĩa, đồng bào coi nhau như anh em trong nhà, giúp nhau vượt qua khó khăn, cùng xây dựng đời sống mới tốt đẹp hơn.
BÁO ĐỘNG BI KỊCH GIA ĐÌNH TRẺ
Khó có thể gọi tên những mất mát sau tan vỡ gia đình, những vết thương cũng muôn hình vạn trạng. Sau tiếng thở dài len lén, sau những mâu thuẫn tưởng chừng nhỏ nhặt, đã có biết bao bi kịch xảy đến, mà họ - những người trẻ không thể nào lường được. Đằng sau cánh cửa gia đình, vẫn còn hiện hữu những mảnh đời đang chắp vá, mà hạnh phúc cứ chực vỡ vì đủ thứ lý do.
Bi kịch sau những bản án
Vụ án rúng động xã An Phú (TP.Tam Kỳ) vào giữa tháng 5 vừa qua đã dần khép lại, khi cơ quan điều tra chính thức khởi tố, bắt tạm giam đối tượng Phạm Văn T. (SN 1989, trú cùng địa phương), cũng chính là chồng của nạn nhân. Cả hai đều là người câm điếc, đã có chung với nhau một mặt con, nhưng từ những mâu thuẫn lặng lẽ nhen mầm, bi kịch xảy đến khiến người ra đi mãi mãi, người vướng vào vòng lao lý. Thêm một cái kết buồn, mà chắc chắn thiệt thòi lớn nhất vẫn thuộc về đứa con nhỏ của hai vợ chồng.
Những rạn nứt trong gia đình, nhất là ở các vợ chồng trẻ đưa đến không ít cái kết buồn. Tháng 10.2019, câu chuyện của Hồ Văn Ch. (SN 1990, trú tại xã Đại Đồng, Đại Lộc) được kể lại tại phiên tòa xét xử. Thức dậy sau giấc ngủ trưa, đi lục tìm đồ ăn nhưng không thấy vợ nấu cơm, Ch. buông lời thắc mắc. Chỉ vì câu nói có vẻ “hờn dỗi” của vợ, Ch. quay ra dọa đốt vợ. Bị vợ thách thức, trong cơn nóng giận, người chồng trẻ này lạnh lùng lấy xăng đổ lên người vợ rồi châm lửa. Sau bi kịch, người vợ thương tích 49%, TAND huyện Đại Lộc tuyên phạt Ch. 3 năm tù. Vết thương không thể lành, nỗi ám ảnh có lẽ còn nặng nề hơn với người vợ, chỉ từ một phút nóng giận, mất kiểm soát của người chồng.
Lưu Văn T. (SN 1990, trú xã Tam Xuân 2, Núi Thành) cũng là người phải lĩnh án 15 năm tù về tội giết người, mà nạn nhân may mắn còn sống chính là người vợ. Suốt phiên tòa xét xử, vợ của T. liên tục ngoái nhìn về người chồng, nước mắt chảy dài. Sau giờ tuyên án, cả ba mẹ con ùa đến bên T., phút đoàn tụ ngắn ngủi ấy neo trong lòng không ít người tham dự tòa một niềm thương xót. Bản án nghiêm khắc là cái giá rất đắt mà các bị cáo phải trả cho hành động nông nổi của mình. Nhưng đắt hơn cả những bản án, là nỗi đau cho những người ở lại, cho biết bao đứa trẻ thiếu vắng sự chăm sóc của người cha, người mẹ. Hồi chuông cảnh tỉnh cứ rung lên sau những câu chuyện, cho nhiều gia đình trẻ.
Cảnh báo ly hôn ở gia đình trẻ
Thống kê mới nhất của TAND TP.Tam Kỳ cho thấy, chỉ sau 6 tháng đầu năm, đơn vị này đã thụ lý đến 214 vụ án hôn nhân và gia đình, trong đó đã công nhận thuận tình ly hôn cho 92 vụ, có 63 vụ hòa giải đoàn tụ thành. Nguyên nhân xin ly hôn phổ biến được nêu ra là do tính tình không hợp, do mâu thuẫn trong quan hệ hôn nhân, trong đó, nữ đứng đơn ly hôn chiếm tỷ lệ hơn 90%.
Tình trạng ly hôn gia tăng đang là thực trạng cần cảnh báo trong các gia đình trẻ. Một cán bộ làm công tác hòa giải ở đơn vị này kể, nhiều trường hợp được tòa từng hòa giải thành, song sau đó lại vẫn xảy ra mâu thuẫn cũ, lại gửi đơn xin ly hôn.
Vị cán bộ này kể: “Có trường hợp người chồng làm công nhân, người vợ chưa có việc làm, cả hai vợ chồng cùng con nhỏ ở nhờ nhà ba mẹ vợ. Chỉ vì tuổi đời còn trẻ, cái tôi cá nhân quá lớn, khó khăn về tài chính dẫn đến rạn nứt tình cảm. Những lời nói hàng ngày vô tình làm dấy lên mâu thuẫn, âm ỉ rồi bục vỡ, cả hai vợ chồng dắt nhau ra tòa ly hôn. Cũng có trường hợp tài chính khá giả, vợ làm ngành ngân hàng, chồng là cán bộ sĩ quan, nhưng đặc thù nghề nghiệp khiến cả hai vợ chồng xa cách, không có thời gian tâm sự, chia sẻ những vấn đề chung của cuộc sống, dẫn đến nghi ngờ, xúc phạm, cãi vã. Hòa giải viên đã dành thời gian nghe câu chuyện của từng người, tháo gỡ từng khúc mắc, từ đó tạo cơ hội để họ đối thoại, hòa giải đoàn tụ thành công cho những trường hợp này. Song, nhiều trường hợp không được may mắn như vậy. Vợ đâm đơn vì chồng nghiện ma túy đá, ảo giác, thường xuyên đánh đập. Chồng đâm đơn vì vợ ngoại tình. Có trường hợp, hai vợ chồng mới cưới nhau vào tháng 6.2019, đến tháng 5.2020, tức là chưa đầy một năm chung sống đã ly hôn, cả hai chỉ trong độ tuổi đôi mươi, đều tự lập về kinh tế nên sẵn sàng “dứt áo ra đi” nhanh chóng”.
Ông Đinh Tấn Long - Chánh án TAND TP.Tam Kỳ cho biết: “Số lượng vụ ly hôn có xu hướng tăng ở các gia đình trẻ. Đa số các vụ án hôn nhân và gia đình có độ tuổi xin ly hôn dưới 30 tuổi. Nguyên nhân nhiều nhất là do bạo lực gia đình, tập trung ở các gia đình vùng nông thôn, có trình độ văn hóa thấp, người chồng thường xuyên rượu chè, sống vô trách nhiệm với gia đình. Ngoài ra, còn có nguyên nhân do ngoại tình, do thời gian tìm hiểu trước hôn nhân quá ngắn, lập gia đình khi tuổi còn quá trẻ, chưa có công ăn việc làm ổn định, chưa có kỹ năng ứng xử hay xử lý tình huống khi mâu thuẫn xảy ra”.