Những ngọn cờ đầu

TÂM AN - THỤC ANH 10/08/2013 08:45

Trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở Núi Thành đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân được nêu gương sáng…

“Cát đã nên thành”

“Cát đã nên thành” là câu đùa vui của người dân xã Tam Hiệp (Núi Thành) khi nói về Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở địa phương. Sâu xa trong đó còn nhắc tới sự đồng lòng của Đảng bộ và nhân dân xã Tam Hiệp trong việc xây dựng, thực hiện di dời khi quy hoạch vùng cát thành đất công nghiệp. “Người có công đầu trong câu chuyện giải tỏa ở xã Tam Hiệp không ai khác là ông Nguyễn Văn Ngươn, nguyên Chủ tịch UBND xã” - ông Đoàn Ngọc Thi, Phó Bí thư Huyện ủy Núi Thành nhận xét.

Nhộn nhịp công trường tại cảng Tam Hiệp. Ảnh: M.ĐỨC
Nhộn nhịp công trường tại cảng Tam Hiệp. Ảnh: M.ĐỨC

Tam Hiệp là xã vùng cát, hiện nằm trong vùng trọng điểm Khu Kinh tế mở (KTM) Chu Lai với hơn 3.100 hộ dân và 11.000 nhân khẩu, được chia thành 9 thôn. Bí thư Đảng bộ xã - ông Nguyễn Văn Ngươn bộc bạch: “Trước đây, vùng giải tỏa trắng hầu như nằm hết ở Tam Hiệp. Chuyện di dời, bố trí dân cư không phải đơn giản. Những khó khăn ban đầu rất nhiều, nhưng nhờ vào sự đồng thuận của ý Đảng và lòng dân, mọi việc được thực hiện thuận lợi. Bên cạnh đó, còn là sự gương mẫu của các cán bộ thôn, xã; nhiều khi cán bộ chịu “thiệt” một chút để vì công việc chung”. Huyện vận động xã, xã tập hợp đến từng thôn, thôn đến từng hộ, nối dây chuyền thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng khi xây dựng Khu KTM Chu Lai. Tính đến nay, Tam Hiệp đã giải tỏa được gần 1.000ha đất các loại, trong đó có gần 2.000 hộ bị ảnh hưởng, có 976 hộ giải tỏa trắng phải vào khu tái định cư mới, chiếm gần 30% số hộ toàn xã đã bàn giao lại mặt bằng hình thành khu công nghiệp. “Hơn 2.000 lao động địa phương đang tham gia làm việc tại các nhà máy xí nghiệp mà không phải ly hương là kết quả cụ thể nhất. Đời sống nhân dân Tam Hiệp theo đó cũng đã ổn định dần, các hộ nghèo qua các năm giảm rõ rệt, điều đó đã tạo ra động lực cho chúng tôi” - ông Ngươn chia sẻ.

Từ sự “thành hình” đó, các hoạt động xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và đoàn thể ở Tam Hiệp cũng đạt những kết quả tích cực. Có thể thấy qua sự thống kê về số lượng và chất lượng gia đình văn hóa, tộc họ văn hóa, thôn văn hóa ngày một tăng cao. “Riêng trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ Tam Hiệp đặc biệt chú ý đến việc phát triển đảng viên gắn với Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Rõ ràng, yếu tố tích cực của cuộc vận động tác động mạnh mẽ đến các phong trào hoạt động xã hội, tạo sự chuyển biến tích cực trong phong trào xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh. Chính vì thế Đảng bộ xã Tam Hiệp đã tạo được niềm tin trong nhân dân” – ông Ngươn khẳng định.

Với những thành tích tiêu biểu trong nhiều năm liền, Đảng bộ và nhân dân xã Tam Hiệp vừa được đề nghị trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. “Bệ phóng” đã có, cơ hội càng không ít khi Khu KTM Chu Lai đang có những bước chuyển biến vững chắc, thế nên xã Tam Hiệp có quyền mơ ước phấn đấu xây dựng xã anh hùng trong thời kỳ đổi mới, xứng đáng với vùng đất lửa Núi Thành.

Ông già “đặc biệt”

Đã hơn 70 tuổi, ông Trần Ngọc Chuẩn (thôn Đông Thạnh Tây, xã Tam Hòa) là một ông già rất “đặc biệt” trong lòng thế hệ trẻ ở Núi Thành. Cách nghĩ, cách làm của ông khiến họ không chỉ thấy ngưỡng mộ mà còn phải tự soi rọi lại bản thân mình. Những việc làm của ông già hưu trí này rất đơn giản: thăm hỏi một người neo đơn ở cạnh nhà mình, nấu một nồi cháo nóng ban sáng mang đến trước cổng bệnh viện, hay giúp một đứa trẻ mồ côi bất hạnh… Ông Chuẩn cứ thế “túc tắc” làm. Và gia tài lớn nhất mà ông tự liệt kê là 1 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 2 bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, hàng trăm giấy khen của huyện, xã, thôn, hội và tình cảm của người dân dành cho ông.

Ông Trần Ngọc Chuẩn chia sẻ, năm 1965 ông thoát ly tham gia kháng chiến, nghỉ hưu rồi sống ở Đà Nẵng. Cũng vì vậy mà nhớ cái vùng quê “cáy trắng chua phân”, mỗi lần về thăm quê chứng kiến bà con quê nhà khó khăn mà đắng lòng. Ông dọn về Tam Hòa sống, gầy dựng nuôi tôm sú, phát triển kinh tế đồng thời thực hiện mong muốn về đây chung tay giúp đỡ bà con. “Tôi nghĩ cái gì cũng túc tắc mà làm, từ việc nhỏ thôi. Vận động gia đình chi tiêu hết sức tiết kiệm, cứ dành những đồng lương nhỏ, rồi thêm sự ủng hộ của nhiều nơi nữa là có thể xây được cái nhà tình thương, hay ủng hộ bà con ăn tết, hay có thể tặng những đồ dùng sinh hoạt nhỏ cho họ” – ông nói. Thế là ông làm gương giúp tiền gạo cho những gia đình neo đơn, nấu cơm mỗi tháng 2 ngày cho bệnh nhân ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam. Tự nguyện bỏ tiền làm đường bê tông liên tổ. Ông dường như không nghĩ đến tuổi già, cứ thế cùng bà con lao động làm đường cổ vũ nhau lại thấy mình trẻ khỏe ra nhiều. Ông Chuẩn tâm sự: “Tôi luôn nghĩ rằng, đảng viên, đặc biệt là cựu chiến binh cần phải giữ gìn lối sống trong sạch, lành mạnh, nói thì phải làm, gương mẫu trước quần chúng, trước nhân dân. Gần 20 năm về cư trú Tam Hòa, điều tôi thấy vui là tạo ra được sự đồng thuận của nhiều người hợp tác với mình để lo cho nhiều người khác. Tôi luôn tự nhủ mình, cứ túc tắc làm đi, nếu làm tốt ắt hẳn sẽ có nhiều người theo cách của mình và đó cũng là cách giáo dục không cần lý thuyết gì cả dành cho con cái và lớp trẻ sau này”.

TÂM AN - THỤC ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những ngọn cờ đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO