Abe Toru (77 tuổi), mang đôi geta - một loại guốc truyền thống của người Nhật, với những âm thanh lộc cộc vui nhộn bước vào gian nhà cổ được bày biện khá nhiều hình ảnh về xứ sở của mình. Ông nói “Kon-ni-chi-wa” (xin chào), và đồng thanh đáp từ ông là những cô cậu học trò nhỏ…
Ở lớp học tiếng Nhật miễn phí tại Hội An. Ảnh: H.N |
Những ông giáo già…
Ở căn nhà cổ số 39 Nguyễn Thái Học (Hội An), chừng hơn tháng nay dựng lên tấm biển hiệu “Lớp học tiếng Nhật miễn phí”. Và đứng lớp là những người khá đặc biệt… Họ là người Nhật tuổi đã ngoài 60, nhiều trải nghiệm, và yêu không gian phố Hội. Như Abe Toru chọn niềm vui tuổi già là những tíu tít từ các em học sinh nhỏ của phố cổ Hội An. Chiều thứ Sáu hằng tuần, người đàn ông này lịch thiệp trong bộ đồ Âu, nhưng chân vẫn mang guốc gỗ geta, mở cửa đón học trò bằng một nụ cười tươi. Tóc điểm bạc và đôi mắt tinh anh ẩn sau gọng kính, ông luôn là người đến sớm nhất, tự tay sắp xếp bàn ghế và cũng là người về muộn nhất, trở về khi đã thu dọn mọi thứ. Abe Toru cho biết, ông vốn là một kỹ sư. Cách đây 13 năm ông đến Việt Nam và bị thu hút bởi cảnh đẹp và con người Việt nên quyết định mở công ty và ở lại làm việc tại TP.Hồ Chí Minh. Nay đến tuổi nghỉ hưu, ông giao lại công việc cho những người trẻ và chọn niềm vui cho mình. “Tôi muốn làm một điều gì đó có ích chứ không phải là những ngày nhàn rỗi nhàm chán. Và tôi được một anh bạn giới thiệu công việc này” - Abe Toru chia sẻ.
Anh bạn mà Abe Toru nhắc đến là Hyrorata - Trưởng đoàn nghệ thuật Tokyo Shirubakai. Lớp dạy tiếng Nhật miễn phí khởi đi từ ý tưởng của các thành viên đoàn nghệ thuật trong chuyến thăm Hội An nhân sự kiện Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản năm 2015, với hy vọng sẽ có một thế hệ tương lai ở Hội An tiếp tục xây dựng mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai dân tộc. Mục tiêu đặt ra là sẽ duy trì lớp học trong 10 năm. “Ngoài dạy tiếng Nhật và các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, các em học sinh tham gia lớp học được khám phá, tìm hiểu văn hóa, đạo đức, lễ nghi của người Nhật Bản, là nét giao thoa văn hóa đẹp ở giữa lòng phố cổ” - ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hội An nói. Khi lớp học tiếng Nhật miễn phí cho thiếu nhi được mở, các thầy giáo người Nhật thay phiên nhau đảm nhận. Abe Toru, Hyrorata hay Suzuky đều có những cách dạy đặc biệt. Lớp học lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười nói, bởi những bài học phần lớn nghiêng về kỹ năng giao tiếp cũng như sự trao đổi của vốn văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản. Không cần đến những cuốn giáo trình cứng nhắc, bài học truyền lại cho các em là cách cầm đũa, cầm bút, gấp giấy, xem bản đồ, những câu chào hỏi, học bài hát Nhật…
Và câu chuyện kết nối cộng đồng
Những người bạn nước ngoài chúng tôi muốn nhắc đến, như một sự trân quý với tấm chân tình các bạn dành cho vốn văn hóa Việt, đều chung tính cách cởi mở. Những hoạt động của họ đa số thường không có lợi nhuận, chủ yếu hướng đến việc làm sao để giữ tốt nhất môi trường cũng như những giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng rộng lớn của xứ Quảng. Bà cụ tóc trắng phơ Reiko Usada, chủ quán cà phê sinh học “U café” là một trong những người ở dài lâu với Hội An vì câu chuyện môi trường của thành phố du lịch này. Thực nghiệm về làm sạch môi trường, bắt đầu từ việc xử lý nước thải với kết cấu thông minh của một không gian sinh hoạt, đã truyền cảm hứng đến những người bạn Nhật của bà lão này. Kana Furuya là một tình nguyện viên của JICA hay lui tới “U café” của Reiko, cũng như bà chủ quán, Kana chọn việc làm sạch môi trường từ các dự án thu gom rác thải đến dự án giáo dục cho học sinh tiểu học về những tác động của môi trường lên chất lượng cuộc sống. Cùng với Kana còn có Yuki Hirukawa, Genta Miyagawa…, những người bạn Nhật luôn sẵn lòng và nhiệt tâm với các hoạt động của không gian di sản.
Không chỉ có những người bạn Nhật, phố cổ Hội An may mắn khi có rất đông bạn bè quốc tế tìm đến và yêu mến xứ này. Một nhóm những người bạn chuyên về các hoạt động văn hóa, mang tính khảo cứu như nhà khảo cổ học Federico Barroco cùng những người bạn đã từng làm việc ở Mỹ Sơn của anh, từ chuyên gia Patricia Zollegie đến những nhà thiết kế nước ngoài muốn tìm một môi trường làm việc mới, đều chọn Hội An. Cũng như vậy, nhóm bạn người nước ngoài định cư ở Hội An tập hợp với nhau và làm thành những câu chuyện vì cộng đồng đặc biệt. Chúng tôi may mắn tham gia cùng Rico một buổi họp bạn, và trong câu chuyện của họ, lại biết thêm những việc làm ý nghĩa mà “những người bạn di sản” dành cho Việt Nam. Và đã thật sự thán phục khi biết rằng nhiều người ngoại quốc tổ chức vận động giúp đỡ trẻ em mồ côi Việt Nam, bảo tồn những giá trị văn hóa Việt Nam bằng nhiều cách khác nhau. Rudy van Bork (người Hà Lan) và các cộng sự của mình tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm gây quỹ giúp đỡ trẻ em nghèo và quảng bá du lịch tại Quảng Nam, đã từng rất nổi tiếng với câu chuyện “MONSTER SWIM VIETNAM” - tuần lễ bơi vì trẻ em bất hạnh. Hiện tại, người đàn ông này đang có rất nhiều dự án quảng bá du lịch phố cổ, tại chính quán cà phê của mình ngay trong lòng phố…
Có được những tấm chân tình như vậy, phải chăng vì sự cuốn hút của những giá trị văn hóa đặc biệt khởi đi từ những con người Việt Nam chân chất…
LÊ QUÂN - HOÀI NGUYỄN