Cứ ngỡ chuyện thay tên đổi họ chỉ xảy ra ở thời xa xưa, thế mà ngay thời hiện đại vẫn còn một số trường hợp cháu con không được mang đúng họ tộc của mình. Điều này đã dẫn đến một số hệ lụy không thể giải quyết một sớm một chiều.
Khi Trần Quang Diệu bị xử tử và chịu án tru di tam tộc, người họ Trần làng An Hải phải đổi sang họ Nguyễn. Trong ảnh: Mộ danh tướng Trần Quang Diệu trong khuôn viên Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu ở phường An Hải Tây, quận Sơn Trà thành phố Đà Nẵng. Ảnh: VTL |
Sinh Nguyễn tử Trần
Trong bài viết “Chuyện Đà Nẵng chưa ai kể” đăng trên đặc san Quảng Nam - Đà Nẵng, xuất bản ở Hoa Kỳ năm 2000, nhà nghiên cứu sử học Võ Văn Dật (còn có bút danh Võ Hương An) kể một câu chuyện lạ lùng ở làng An Hải, nay thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng.
Một bữa, trong lần đi thực địa trước năm 1975 đến làng An Hải tìm hiểu về “Quan lớn Bảo hộ” tức danh thần Thoại Ngọc Hầu, tác giả tình cờ được trò chuyện với cụ Ðỗ Trọng Khai (tự Bút), người ở làng. Cụ Bút cho biết, làng An Hải ngày trước có hai danh nhân đối nghịch nhau. “Quan lớn Bảo hộ” thuộc phe chiến thắng, tiếng tăm lừng lẫy, sử sách ghi chép nên ai cũng biết. Còn người kia cũng là danh tướng nhưng thuộc phe chiến bại, không ai dám nhắc tới, lâu ngày rồi quên luôn, đó là Trần Quang Diệu. Danh tướng Tây Sơn này cùng vợ là nữ tướng Bùi Thị Xuân đã một thời gian dài “gây khó khăn” cho kế hoạch tiêu diệt ba anh em Tây Sơn của Nguyễn Ánh (vua Gia Long sau này). Vì vậy, khi bắt được cặp vợ chồng anh hùng này, Nguyễn Ánh không những hành hình họ mà còn tàn sát thân nhân của họ bằng án tru di tam tộc.
Theo lời kể của con cháu họ Trần trong làng, lúc đó, khi nghe tin dữ từ kinh đô Huế, có người đã vội vã về làng An Hải báo tin. Do vốn có cảm tình với người họ Trần nên hương lý và dân làng đều tìm cách giúp đỡ, một số người đào thoát khỏi làng, thay tên đổi họ, lánh nạn phương xa; số còn lại vì nhiều lý do không muốn rời làng đều cải sang họ Nguyễn. Nhờ đó, lệnh truy nã ban ra đã không giết được ai là người họ Trần. Vì sự sống, bất đắc dĩ phải mang họ Nguyễn, nhưng khi chết tất cả đều lấy lại họ Trần để không mất gốc, tạo nên một tập tục mà hết thảy con cháu đều phải tuân theo gọi là “sinh Nguyễn, tử Trần”.
Khi Ðà Nẵng thành “nhượng địa” của Pháp, cái án treo lơ lửng trên đầu người họ Trần làng An Hải không còn nữa, một số đã phục hồi dòng tộc Trần của cha ông; số còn lại, vì nhiều lý do, vẫn giữ tục “sinh Nguyễn, tử Trần”.
Sinh Lê, tử Nguyễn
Cứ ngỡ chuyện thay tên đổi họ chỉ xảy ra ở thời xa xưa, thế mà ngay thời hiện đại vẫn còn một số trường hợp cháu con không được mang đúng họ tộc của mình.
Lần đi thực tế tìm tài liệu để viết về liệt sĩ Nguyễn Thị Cận (ở thôn Uất Lũy, Điện Minh, Điện Bàn), người viết gặp ông Lê Văn Khóa, sinh năm 1930, gọi bà Cận là thím dâu. Chuyện cải họ của ông tưởng như đã xảy ra đâu cả trăm năm trước.
Các ông Nguyễn Phước Hùng (trái), Lê Văn Khóa đọc lại Gia phả tộc Nguyễn làng Uất Lũy.Ảnh: V.T.L |
Ông Khóa nguyên họ Nguyễn. Ông tổ 5 đời của ông là Nguyễn Phước Thu (còn gọi là Theo), từng là Đội trưởng hộ vệ của phó bảng Nguyễn Duy Hiệu (Hường Hiệu), hội chủ Nghĩa hội Quảng Nam ngày trước. Sau khi Hường Hiệu bị thực dân Pháp bắt vì “tội” lãnh đạo Nghĩa hội và bị bêu đầu ở Bến Thuế, Vĩnh Điện, ông Thu phải chạy trốn từ Tân Tỉnh - căn cứ của Nghĩa hội ở thung lũng Trung Lộc (huyện Quế Sơn, nay là huyện Nông Sơn) - ra Vĩnh Điện, đến ở nhờ nhà người chị của mình là Nguyễn Thị Kiếm đang có chồng ở đó.
Để minh chứng điều này, ông Khóa mở Gia phả tộc Nguyễn Phước làng Uất Lũy, bản lập ngày 12.4 năm Quý Dậu (1993), đến đoạn chép nguyên văn bằng chữ Hán ở lời Tựa: “Hàm Nghi nguyên niên. Nguyễn Phước Thu (tức Theo), Nguyễn Phước Viết chi tử, tùng sự văn thân Nghĩa hội kháng Pháp lang. Cần vương bất thành, văn thân tứ tán, mai danh ẩn tích, trú Bình An (Uất Lũy Đông), thú Lê tộc chi nữ Thị Diêu, sanh hạ tử tôn ư thử địa”.
Tạm dịch: Năm Hàm Nghi thứ nhất (1884 – NV). Nguyễn Phước Thu (tức Theo), con của Nguyễn Phước Viết, theo Nghĩa hội của sĩ phu trí thức chống giặc Pháp. Phong trào Cần vương không thành, sĩ phu tan rã, (Phước Thu) chôn giấu tên tuổi, trú ở Bình An (Uất Lũy Đông), cưới con gái tộc Lê là Thị Diêu, sinh con cháu tại đất này.
Ông Nguyễn Phước Thu trốn trong nhà người chị ở Xóm Bàu, La Qua, lấy vợ và ở rể nhà một người tộc Lê tại đây như gia phả đã ghi. Lúc đó, tộc Lê là tộc lớn, có quyền thế ở địa phương, khuyên ông vô dân nhập cư, đổi Nguyễn thành Lê, bởi để họ Nguyễn dễ lộ thân thế. Ông nghe theo, đổi tên thành Lê Theo, vì thế, gia phả có chú thêm ở phần ông và con cháu là “sinh Lê, tử Nguyễn”.
Ông Thu sinh được một người con trai, người này sinh ra 3 người con trai nữa, đều mang họ Lê. Con trưởng là ông nội ông Lê Văn Khóa; con thứ là cha ông Lê Lâm (ông này là chồng liệt sĩ Nguyễn Thị Cận); con út là cha của Đại tá quân đội về hưu Lê Đạm Thủy (ông này hiện sống ở Hà Nội). Các ông Khóa, Lâm, Thủy là 3 trong 6 người trong họ tộc ngày trước từng bị thực dân Pháp truy nã.
Nguyên lúc đó, ông Lê Lâm nổi tiếng là người đánh Pháp đầy gan dạ, mưu lược. Phong trào kháng Pháp ở Uất Lũy bùng phát mạnh mẽ, gây nhiều thiệt hại cho địch, đến nỗi Pháp phải đưa ra cái “Avis de recherche” (thông báo tìm kiếm, lệnh truy nã), trong đó nêu tên 6 người là Kiệu, Lang, Sáng, Khóa, Lâm, Thủy.
Riêng ông Lê Lâm bị Pháp ra lệnh rằng bắt được là giết, ông bèn đổi tên thành Nguyễn Tấn Minh. Cũng chỉ là Nguyễn Tấn thôi, chứ không dám lấy lại họ gốc là Nguyễn Phước, sợ bị lộ thân thế. Riêng các con ông thì vẫn giữ nguyên họ Lê.
Mong trở về gốc tích
“Mượn” họ khác là việc vạn bất đắc dĩ. Nhưng khi bình yên trở lại, muốn quay về gốc tích của mình đâu phải dễ.
Thời chống Pháp, ở Hà Quảng - một làng ven biển nay thuộc phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn - có ông Đàm Văn Thân giỏi nho học, làm chức xã phó nên người trong làng thường gọi là Xã Thân. Hưởng ứng hịch Cần vương, ông vận động, tập hợp người trong làng đứng lên chống quân xâm lược, bị giặc Pháp bắt đem xử bắn. Làng lập lăng thờ ông ở xóm Nhất Đông, gọi là lăng Ông Lớn, hằng năm đến lễ Xuống nghề (bắt đầu đi biển) hoặc mở hội đua thuyền đều đến lăng cúng tế. Con cháu ông trong làng phải đổi thành họ Trần để tránh bị liên lụy.
Một hậu duệ của ông Xã Thân là ông Trần Minh Thọ, từ lúc còn là Bí thư xã Điện Dương đã tìm cách khôi phục lại họ Đàm gốc của mình nhưng vẫn chưa đâu vào đâu.
Trở lại chuyện ông Nguyễn Tấn Minh – Lê Lâm, 20 năm trước ông là Chủ tịch huyện Điện Bàn, trước khi lập lại gia phả, đã họp gia tộc làm văn bản gửi lên tỉnh để cải họ Lê trở lại họ Nguyễn Phước, nhưng việc không thành. Bởi lẽ, một số người đương chức mà đổi họ thì e ảnh hưởng đến các mối quan hệ công tác của mình. Như ông Lê Văn Sơn (PGS-TS. nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng), con ông Minh, từng đi học ở nước ngoài, văn bằng chứng chỉ của ông đều ghi họ Lê, nếu đổi lại họ Nguyễn thì rất khó cho tổ chức nhân sự ở cơ quan.
Riêng em ruột ông Sơn là Lê Văn Hùng thì may mắn được lấy lại họ Nguyễn. Từ nhỏ, mỗi lần về viếng mộ các vị tiền nhân tộc Nguyễn Phước ở làng Hương Quế, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, Hùng đều được răn dạy là mình gốc họ Nguyễn. Khi đất nước thống nhất, ông Hùng là thành viên Ủy ban Quân quản xã Điện Minh nên khi làm chứng minh nhân dân đã đổi ngay tên thành Nguyễn Phước Hùng. Hiện, ông là Giám đốc Khu du lịch sinh thái Suối Hoa, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng.
Việc cải họ không thành, các vị đành phải ghi vào bản gia phả lập năm 1993: “Những người trước tham gia phong trào Nghĩa hội bị tước tôn tịch phải đổi sang họ mẹ (như sinh Lê, tử Nguyễn)... Nay chúng tôi chép vào phả vẫn giữ nguyên họ Nguyễn Phước, số người trước đổi sang họ Lê, nay đổi lại đúng họ Nguyễn Phước”.
Liệt sĩ Nguyễn Thị Cận nay đã được phong tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng – Anh hùng LLVT nhân dân, nhưng chuyện “sinh Lê, tử Nguyễn” trong họ tộc gia đình chồng bà kéo dài qua mấy thế hệ, gây không ít khó khăn cho con cháu, nhất là khi sinh hoạt họ tộc, nhận ra huyết thống.
“Những người gốc Nguyễn mà mang họ Lê như tôi thì con cháu làm khai sinh vẫn cứ là Lê. Anh em ruột như ông Sơn, ông Hùng mà kẻ Lê người Nguyễn thì chuyện lạ lùng này trên đời tôi thấy chỉ có một. Chúng tôi tha thiết được một người nào đó biết rõ quy định của luật pháp hiện hành để tư vấn, giúp đỡ chúng tôi và con cháu để tất cả được sớm tìm về cội nguồn gia tộc, gốc tích xưa để không hổ thẹn với tiên tổ” – ông Lê Văn Khóa bày tỏ.
Ghi chép của VĂN THÀNH LÊ