Những người canh "mắt biển"

QUỐC HẢI 15/06/2014 06:29

Đêm đêm định hướng cho tàu thuyền qua lại trên vùng biển Quảng Nam - Đà Nẵng, ngọn hải đăng trên đảo Cù Lao Chàm (Hội An) đang được những nhân viên canh giữ “mắt biển” chăm chút từng ngày như chính tình yêu của các anh với biển đảo quê hương.

Nhân viên Trạm hải đăng kiểm tra, bảo quản thiết bị mỗi ngày. Ảnh: Quốc Hải
Nhân viên Trạm hải đăng kiểm tra, bảo quản thiết bị mỗi ngày. Ảnh: Quốc Hải

Lên trạm

Hẹn đã 7 năm nhưng hôm nay tôi mới lần đầu đến được với ngôi nhà của những người thắp sáng “mắt biển” trên đảo Cù Lao Chàm - những nhân viên của Trạm hải đăng Cù Lao Chàm, ngày đêm “cắm” nơi mũi “Nậy” (theo cách gọi của cư dân địa phương) xa xôi ở phía đông của Hòn Lao. Quanh năm làm bạn với sóng gió, cuộc sống quá nhiều khó khăn, nhưng với sự tận tâm của các anh, ngọn đèn trên biển quê hương vẫn luôn bừng sáng khi ánh chiều buông và xuyên đêm đến sáng.

Để đến được với Trạm hải đăng, chúng tôi đã vượt đường núi khúc khuỷu vòng quanh hòn đảo lớn nhất của cụm đảo qua thôn Bãi Hương gần 10km. Nhờ con đường quốc phòng trên đảo thi công sắp hoàn thiện nên có thể men theo, nếu không phải đi đường cũ từ Bãi Làng ngược lên cánh trái 2km rồi leo bộ lên núi cao mới sang được mũi “Nậy” nằm cheo leo bên vách núi.

Nhìn chiếc xe máy cà tàng vượt qua dốc cao, bươn ven vực thẳm của Trạm phó Trần Minh Phú mới thấy hết nỗi khó khăn, vất vả để hoàn thành nhiệm vụ của 6 nhân viên Trạm hải đăng Cù Lao Chàm.

Anh Phú kể rằng, mọi thứ từ thiết bị đến vật dụng muốn chuyển tới trạm phải khiêng qua từng dốc núi, có đoạn phải dùng dây tời qua từng bậc đá và băng qua rừng. Vào mùa mưa, anh em ở trạm gần như bị cô lập hoàn toàn, cả sóng điện thoại cũng không có. Dù khó khăn là vậy nhưng ngọn đèn biển luôn được thắp sáng từ 18 giờ chiều hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.

Đón tiếp chúng tôi trong không khí vui mừng của ngôi nhà quá lâu mới có khách đến thăm, Trưởng trạm Hải đăng Cù Lao Chàm - Nguyễn Văn Tân (sinh năm 1977) hồ hởi kể về công việc của trạm. Anh cho biết: “Đèn này báo hiệu vị trí đảo Cù Lao Chàm với ngọn hải đăng giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Quảng Nam - Đà Nẵng định hướng để đi lại an toàn. Khi quan sát có sự cố gì trên biển, anh em báo cho các cơ quan chức năng xử lý. Trước đây, một tàu chạy về hướng Đà Nẵng bị chìm trong lúc mưa dông, gió lớn không có tàu bè qua lại, anh em báo về biên phòng ở xã ra cứu được 4 người”.

Vượt khó

Đưa vào hoạt động đã hơn 10 năm, công trình Trạm hải đăng Cù Lao Chàm có hình khối hộp, tháp đèn hình hộp chữ nhật cao 127,8m tính từ hải độ 0, đặt dựng đứng trên một mỏm đá hiểm trở. Ban ngày không có gì đặc biệt nhưng ban đêm, ngọn hải đăng có ánh sáng trắng, chớp nháy chu kỳ 16 giây một lần trong phạm vi chiếu sáng 19,4 hải lý. Nguồn chiếu sáng từ ắc quy và năng lượng mặt trời, mùa đông trạm cho chạy thêm máy nổ.

“Hải đăng Cù Lao Chàm là trạm khó khăn, cách trở nhất của Quảng Nam và cả miền Trung. Để bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió khắc nghiệt này, 6 nhân viên của trạm đã không quản ngại nắng mưa, luôn động viên nhau khắc phục khó khăn, thiếu thốn để làm tốt nhiệm vụ được giao” - Bí thư Đảng ủy xã Tân Hiệp, Trần Tấn Dũng nói.

Hằng ngày, nhân viên của trạm đều thực hiện kiểm tra, lau chùi bảo quản thiết bị kỹ thuật, đảm bảo đèn hoạt động thông suốt ban đêm. Để sinh hoạt, trạm xây dựng 4 bể nước lớn với dung tích khoảng 50m3, hứng nước cả mùa mưa để dùng cho hơn 6 tháng mùa khô. Vào mùa nắng nóng, nước kiệt như hiện nay, mỗi ngày anh em tắm giặt một lần với một lượng nước nhỏ. Nước tắm giặt xong gom vào cái xô lớn lắng lọc để tưới cây trồng quanh vườn.

“Nhiều lần cơ quan chức năng khảo sát đưa nước sạch về nhưng chi phí quá tốn kém nên thôi. Mọi sinh hoạt ở đây đều phải tính toán kỹ lưỡng để tiết kiệm” - Trạm phó Trần Minh Phú nói.

Sau khi làm xong nhiệm vụ, niềm vui lớn nhất của các anh ở đây là đi bắt cua, bắt ốc, câu cá cải thiện đời sống. Anh em ở trạm luân phiên nhau nấu ăn, dọn vệ sinh trạm và phần việc mà ai cũng thích là được phân công băng rừng vào Bãi Hương, Bãi Làng để mua thực phẩm. Đó là những lúc các anh được giao lưu với nhiều người và cũng để được gặp, hẹn hò cùng bạn gái.

“Bén rễ” nơi biển đảo

Ở Trạm hải đăng Cù Lao Chàm, nhân viên tuổi đời còn rất trẻ, người lớn tuổi nhất cũng chỉ sinh năm 1977, quê đều ở các tỉnh phía Bắc. Trong 10 năm qua, đã có 4 nhân viên làm việc tại trạm quyết tâm ở lại vùng biển đảo Cù Lao Chàm. Có người cưới vợ làm giáo viên, người thì vợ buôn bán như nhân viên Vũ Nam Giang hay Trạm phó Trần Minh Phú. Anh Phú đến nay đã có 2 con, một 4 tuổi, một chuẩn bị sinh nhật lần đầu.

Vũ Nam Giang tâm sự về chuyện vợ con: “Thỉnh thoảng từ trạm xuống mua đồ tiếp tế lại được gần vợ gần con. Ở với vợ con đương nhiên là vui rồi, lúc lên lại trạm cũng nhớ lắm chứ!”. Còn Trần Minh Phú bảo: “Vợ mình cũng như vợ các anh em khác đều thông cảm cho công việc của chồng. Trước khi lấy nhau đã biết rõ hoàn cảnh công việc của chồng rồi nên hiểu và cảm thông”.

Riêng với Trạm trưởng Nguyễn Văn Tân, qua 10 năm “bám trụ” nơi đây, mỗi năm anh về quê Thái Bình thăm vợ con nhiều lắm cũng chỉ được 2 lần. Thế nhưng, với sự cảm thông của gia đình, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm trong công việc cũng như tình yêu biển đảo, anh luôn là nguồn động viên cho 6 anh em trong trạm. Trạm trưởng Nguyễn Văn Tân chia sẻ: “Ở đây đời sống vật chất nói chung là khá tốt. Anh em ở trạm xem nhau như người trong nhà, chỉ là xa vợ xa con, xa gia đình thôi. Nói chung, đã xác định vào ngành này là phải xa nhà và ở những chỗ hẻo lánh. Nhưng dù hẻo lánh đến mấy thì đấy cũng là biển đảo quê hương của mình. Và việc đảm bảo cho ngọn hải đăng thắp sáng mỗi đêm là nhiệm vụ thiêng liêng; dù xa xôi, vất vả nhưng đầy tự hào”.

QUỐC HẢI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những người canh "mắt biển"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO