Những người cứu hộ ở biển Tam Thanh

VĂN TÂY - THẢO NGUYÊN 29/06/2022 16:20

(QNO) - Những ngày hè, lượng khách đổ về các bãi tắm Hạ Thanh và Tỉnh Thủy,  xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) đông đúc, nên công việc của những nhân viên cứu hộ cứu nạn thêm nhọc nhằn, bởi từng giờ, từng phút họ phải canh chừng tính mạng cho người dân và du khách khi tắm biển.

Ông Nguyễn Tấn Nga thường xuyên chỉ đạo các động nghiệp trẻ của mình để hướng dẫn người dân, du khách tắm những điểm an toàn trên biển. Ảnh:TN
Ông Nguyễn Tấn Nga (giữa)  thường xuyên nhắc nhở các động nghiệp trẻ của mình hướng dẫn người dân, du khách chỉ tắm biển ở khu vực an toàn. Ảnh:TN

"Canh chừng sự sống" trên biển

Sinh ra và lớn lên tại vùng biển Hạ Thanh đầy nắng và gió, ông Nguyễn Tấn Nga (60 tuổi) đã sớm "cưỡi gió đạp sóng". Năm 2010, ông Nga được chính quyền địa phương tin tưởng giao làm nhiệm vụ cứu hộ dọc bãi tắm Tam Thanh. 

Ông Nga cho biết, biển không chỉ là nơi mưu sinh kiếm sống mà với ông nó còn là nguồn năng lượng sống mỗi ngày. "Bất kể trời nắng hay mưa, chúng tôi vẫn hoạt động tích cực, mục đích cuối cùng của công việc là mang lại sự an toàn tuyệt đối cho người dân và du khách khi đến tắm biển Tam Thanh” – ông Nga nói.

Mỗi ngày ông Nguyễn Tấn Nga bắt đầu làm việc từ lúc 4 giờ 30 phút cho đến 7 giờ, buổi chiều bắt đầu từ 15 giờ đến khi tất cả người dân, du khách đều lên bờ. Đang mùa cao điểm nắng nóng, người dân và du khách đổ về bãi tắm Tam Thanh càng nhiều, nên Ban Quản lý bãi tắm Tam Thanh phân công các thành viên đứng điểm hợp lý ở từng khu vực, thường xuyên cảnh báo qua loa phát thanh khu vực tắm biển không an toàn.

Với lượng khách đông đúc, lực lượng vẫn chưa dàn trải hết để quan sát và túc trực. Ảnh: TN
Ngày hè oi bức, biển người đổ về bãi tắm Tam Thanh. Ảnh: TN

Xã Tam Thanh có 2 bãi tắm chính là Hạ Thanh và Tỉnh Thủy, với 6 thành viên cứu hộ và 2 nhân viên bảo vệ, túc trực xuyên suốt trong ngày để phục vụ hỗ trợ người dân khi tắm biển.

“Dịp hè, cả biển người khắp nơi đổ về tắm nhưng đội cứu hộ chỉ có 8 thành viên theo dõi, quán xuyến toàn bộ công việc quả là vô cùng vất vả. Gặp  trường hợp sự cố tai nạn trên biển, chúng tôi còn rơi vào trạng thái mất ăn mất ngủ dài ngày" - ông Nga trải lòng.

Theo đội cứu hộ bãi tắm Tam Thanh, cứu hộ đuối nước là công việc nguy hiểm, nếu không cẩn trọng, dày dạn kinh nghiệm với sóng nước thì nhân viên cứu hộ không loại trừ sẽ trở thành nạn nhân chết nước, bởi trong lúc đuối nước, người gặp nạn thường rơi vào tâm lý hốt hoảng sẵn sàng ghì chặt lấy nhân viên cứu hộ. 

Yên tâm trải nghiệm hè trên biển

Từ đầu năm 2022 đến nay đội cứu hộ bãi tắm Tam Thanh đã cứu được 23 trường hợp bị đuối nước. Hầu hết đều thuộc đối tượng thanh niên phớt lờ những cảnh báo mà Ban Quản lý bãi tắm đưa ra.

Niềm vui của anh Trần Xuân Phiếu khi được làm công việc cao cả này. Ảnh: TN
Niềm vui của anh Trần Xuân Phiếu khi tham gia công việc cứu hộ, cứu nạn. Ảnh: TN

Anh Trần Xuân Phiếu (34 tuổi), thành viên của đội cứu hộ cứu nạn chia sẻ, bản thân đã từng cứu được người dân tắm biển bị nạn. "Làm công việc này ngoài đam mê, nêu cao tinh thần trách nhiệm còn phải có lòng gan dạ cứu người nữa" -  anh Phiếu nói.

Hàng năm, chính quyền TP.Tam Kỳ tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng xử lý tình huống cho đội nạn cứu hộ bãi biển. Ngoài ra, còn lắp những biển báo nguy hiểm, giăng dây phao để giới hạn phạm vi tắm biển. Tuy nhiên, vẫn có các trường hợp bất chấp biển báo xuống tắm, gây khó khăn cho công tác cứu hộ.

Theo đánh giá của nhiều du khách, hệ thống loa phát thanh cảnh báo tại bãi tắm Tam Thanh hoạt động rất hiệu quả, hầu hết du khách rất an tâm khi đến đây vui chơi, giải trí. Bên cạnh đó là thái độ làm việc trách nhiệm của những nhân viên cứu hộ. 

Tại bãi tắm Tam Thanh, nhiều khu vực đã có những biển báo cấm tắm thường bị dòng chảy làm cát vùi lấp nên chỗ nông, chỗ sâu, mỗi lúc triều lên xuống thường có những dòng nước xoáy gần bờ, rất nguy hiểm. Vì vậy, đòi hỏi người làm công tác cứu hộ phải có kinh nghiệm về biển.

Theo Ban Quản lý bãi tắm Tam Thanh, để cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp hơn, thời gian đến TP.Tam Kỳ cần đầu tư mua sắm các dụng cụ, vật dụng, phương tiện cứu hộ cứu nạn cần thiết; bố trí thêm nhân viên và có chế độ ưu đãi làm việc ngoài trời thỏa đáng "giữ chân" nhân viên cứu hộ, để bãi tắm Tam Thanh thực sự là điểm đến du lịch hấp dẫn, thân thiện và an toàn. 

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những người cứu hộ ở biển Tam Thanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO